Nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

08/12/2024 05:00

Bài viết đánh giá những mặt đạt được, cùng những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó có những định hướng giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.

Tóm tắt

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 với nguồn lực rất lớn. Trong đó, CTMTQG xây dựng NTM bước sang giai đoạn mới 2021-2025 với những mục tiêu cao hơn đòi hỏi các ngành, các cấp cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực để đưa Chương trình đi vào chiều sâu và mang tính bền vững, đặc biệt là phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng NTM mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Từ khoá: nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia, bền vững

Summary

Currently, Vietnam is implementing three national target programs simultaneously with huge resources, including: the National Target Program for Socio-Economic Development in Ethnic Minority and Mountainous Areas for the period 2021–2030, the National Target Program on Sustainable Poverty Reduction for the period 2021-2025, and the National Target Program on New Rural Development for the period 2021-2025. In particular, the National Target Program on New Rural Development for the period 2021-2025 has entered the new period with higher goals, requiring authorities of various sectors and levels to have specific and practical solutions to bring the Program into depth and sustainability, especially striving to successfully implement the goal of new rural development set out in the 13th National Party Congress Resolution.

Keywords: new-style rural areas, national target program, sustainability

GIỚI THIỆU

Nông thôn Việt Nam là khu vực rộng lớn và chiếm phần lớn dân số, tuy nhiên đời sống của người dân ở khu vực thông thôn còn rất khó khăn, kéo theo sự phát triển chung của cả nước. Vì vậy, xây dựng NTM được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh đó, kể từ năm 2010, Việt Nam đã đưa ra CTMTQG xây dựng NTM và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ vào xây dựng NTM. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước. Hơn nữa, Việt Nam đã hình thành bộ máy chỉ đạo và tham mưu giúp việc đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, là nòng cốt tổ chức thực hiện Chương trình với hiệu quả cao. Đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo Chương trình có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án, thực hành dân chủ ở nông thôn.

Tuy vậy, công cuộc xây dựng NTM ở Việt Nam cũng gặp phải một số hạn chế nhất định, do xuất phát điểm của đa số các xã còn thấp, trong khi nguồn lực của cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều còn thiếu và yếu, nhất là ở các địa phương miền núi. Cũng không phủ nhận trong thực tế, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM chưa cao, vẫn còn có tư tưởng thụ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là từ ngân sách trung ương. Do đó, việc đánh giá những mặt đạt được, cùng những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình là rất cần thiết để qua đó có những định hướng giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

CTMTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15, ngày 28/7/2021. Chương trình có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương là 39.632 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 156.700 tỷ đồng). Kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, phong trào xây dựng NTM giai đoạn này gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại... và đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng.

Đối với kết quả đạt chuẩn NTM của cả nước, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 xã (khoảng 78%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 621 xã so với cuối năm 2022) và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 135 xã so với cuối năm 2022); bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Đồng thời, có 270 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 15 đơn vị so với cuối năm 2022 (chiếm khoảng 42% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, tăng 2 tỉnh (Trà Vinh, Lâm Đồng) so với cuối năm 2022. Đặc biệt, có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bên cạnh nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chương trình chuyên đề được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết ở cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững, điển hình như: xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn (Nam Định, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Tiền Giang); thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng NTM thông minh (Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương); phát triển sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống (Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Đồng Tháp...); phát triển du lịch nông thôn (Hà Giang, Sơn La, Quảng Nam, Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang); phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Hà Nội, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai), xây dựng NTM gắn với đô thị hóa (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu)...

Có 18/63 tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu năm 2023 được giao (tại Quyết định số 1221/QĐ-TTg, ngày 22/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ), đó là: Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu.

Đối với chương trình OCOP, trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức các đợt triển lãm, quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP, gồm: Hội nghị quốc tế về lương thực, thực phẩm (từ ngày 23-28/4/2023); không gian triển lãm sản phẩm OCOP tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (tổ chức tại Việt Nam) và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023; không gian triển lãm sản phẩm OCOP tại Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023; Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2023; không gian triển lãm sản phẩm OCOP tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023; tổ chức đoàn doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP giới thiệu và xúc tiến thương mại tại Thái Lan; tổ chức không gian giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Ninh Bình...

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông đặc sản của các vùng miền trên nền tảng số, mạng xã hội, trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương và Tik Tok Việt Nam tổ chức hơn 800 phiên bán hàng trực tuyến gắn logo Chợ phiên OCOP, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu bán sản phẩm OCOP lên tới hơn 100 tỷ đồng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về sản phẩm OCOP Việt Nam đối với người dân.

Đến hết năm 2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó: 68,9% sản phẩm 3 sao, 29,9% sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Đã có 5.724 chủ thể OCOP, trong đó có 37,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.

NHỮNG KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, việc thực hiện CTMTQG xây dựng NTM cũng gặp một số khó khăn nhất định:

Thứ nhất, cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện CTMTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của Trung ương như: cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG; quy định về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình... sau khi ban hành đã bộc lộ một số bất cập, gây khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong triển khai thực hiện. Một số địa phương chậm cụ thể hóa các tiêu chí NTM theo phân cấp.

Thứ hai, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương còn chậm so với yêu cầu; khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp không cao. Đặc biệt, tỷ lệ vốn đối ứng của Chương trình rất cao, trong khi việc huy động nguồn lực của người dân và doanh nghiệp hạn chế, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Thực tế vốn huy động của người dân và cộng đồng chủ yếu là từ ngày công lao động và hiến đất làm đường. Trong khi đó, việc thống kê nguồn vốn huy động này cũng chưa có sự hướng dẫn, thống nhất.

Cùng với đó, cơ chế lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương của các CTMTQG để hỗ trợ xây dựng NTM trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo còn rất hạn chế, chưa thực sự hiệu quả. Một số địa phương vẫn còn tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Thứ ba, các bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 đều tăng số lượng chỉ tiêu và mức độ đạt chuẩn so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu mới, tăng cả về chất và lượng, nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế; chưa ban hành tiêu chí NTM phù hợp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị. Theo đánh giá của nhiều địa phương, tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về Nghèo đa chiều là khó hoàn thành nhất, do các xã chưa đạt NTM ở các địa phương đa phần là các xã nghèo, xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người nông thôn còn thấp, trong khi mức chuẩn nghèo đa chiều đã có sự điều chỉnh.

Thứ tư, một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định; chưa tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí NTM và chưa thực sự phát huy hết nội lực trong nhân dân; một số địa phương đánh giá thực trạng tiêu chí chưa sát với thực tế nên ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện Chương trình, nhất là đối với xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đó là chưa kể, phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương có dấu hiệu chững lại, thỏa mãn với kết quả đã đạt chuẩn, chưa chú trọng nhiều đến công tác duy trì bền vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM sau đạt chuẩn, nhất là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội… Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Thứ năm, số lượng xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực II, III) vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM còn rất hạn chế. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã NTM”.

Theo Điều 3 Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025: “Các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn NTM có hiệu lực”. Do đó, một số xã khu vực III, khu vực II, có biểu hiện không muốn phấn đấu đạt chuẩn NTM. Trong khi, số lượng các xã còn lại chưa đạt chuẩn hầu hết nằm tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ sáu, có khoảng cách chênh lệch lớn đối với kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng, điển hình như Đồng bằng sông Hồng đạt 100%, Đông Nam Bộ đạt 92,9%, trong khi đó khu vực miền núi phía Bắc mới đạt 48,5%, Tây Nguyên 59,7%; vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%, còn 5 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM .

Thứ bảy, đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ phụ trách NTM ở xã có nhiều xáo trộn, thay đổi, chưa thật sự am hiểu CTMTQG xây dựng NTM nên còn lúng túng trong việc tham mưu, triển khai thực hiện. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng NTM ở một số nơi đôi lúc chưa thường xuyên, liên tục.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để nâng cao hiệu quả thực hiện CTMTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, qua tìm hiểu thực trạng, tác giả đề xuất những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình. Nghiên cứu, đề xuất các nội dung có liên quan, chuẩn bị cho việc đề xuất CTMTQG xây dựng NTM giai đoạn 2026-2030.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp trong các Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, huyện NTM, huyện NTM nâng cao để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng vùng, miền hoặc hướng dẫn lộ trình thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đó.

Hai là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng NTM, phát triển du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…

Ba là, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, dám nghĩ, dám làm và sáng tạo trong triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, đặc biệt là thực hiện phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; thực hiện các nội dung, hoạt động về bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, an ninh trật tự... để nâng cao chất lượng phong trào thi đua xây dựng NTM, góp phần xây dựng NTM hiệu quả hơn, bền vững hơn, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Bốn là, tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện Chương trình. Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện CTMTQG theo Kế hoạch được giao (bao gồm các nguồn vốn năm 2022, 2023 chuyển sang thực hiện trong năm 2024). Tăng cường vận động các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nội dung liên quan đến những vấn đề cấp thiết của Chương trình.

Năm là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả thực hiện Chương trình. Kịp thời đề xuất khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời, tiếp tục tham mưu các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2023), Báo cáo kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng NTM năm 2023 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

2. Đ. Khoa (2023), Gỡ vướng trong thực hiện CTMTQG xây dựng NTM, truy cập từ http://baokiemtoan.vn/go-vuong-trong-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-xay-dung-nong-thon-moi-27263.html.

3. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

4. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22/2/2022 phê duyệt CTMTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

5. Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (2023), Báo cáo tổng kết kết quả công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Đại tá, TS. Đỗ Văn Trịnh

Khoa Kinh tế chính trị học Mác – Lênin, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)

Bạn đang đọc bài viết "Nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới" tại chuyên mục Bài báo khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.