
Căn nhà đổ nát ở Mandalay sau trận động đất (Ảnh: Reuters).
Các tình nguyện viên cứu hộ, nhiều người trong số họ là dân địa phương với trang bị nghèo nàn, đang chạy đua để tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát của các tòa nhà sụp đổ khắp miền Trung Myanmar, hơn 2 ngày sau khi một trận động đất lớn khiến hơn 1.700 người thiệt mạng tại nước này và ít nhất 18 người tử vong ở Thái Lan.
Các quan chức Hội Chữ thập đỏ cho biết Myanmar đang phải đối mặt với "mức độ tàn phá chưa từng thấy ở châu Á trong hơn một thế kỷ", sau khi trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra vào ngày 28/3, kèm theo dư chấn 6,7 độ chỉ vài phút sau đó. Theo ước tính của chuyên gia, trận động đất mạnh ngang với hàng trăm quả bom hạt nhân.
Trận động đất đã phá hủy nhiều tòa nhà, bao gồm cả bệnh viện, làm hư hại đường xá, cầu cống, đồng thời khiến hệ thống điện, điện thoại và internet bị gián đoạn.
"Những người cần giúp đỡ liên tục gọi cho chúng tôi, nhưng ngay cả bây giờ họ vẫn gặp khó khăn để liên lạc", một nhân viên cứu hộ tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, cho biết.
Ko Doe, một nhân viên cứu hộ ở Sagaing, nói rằng đội của anh tin rằng có thể vẫn còn khoảng 100 thi thể chưa được đưa ra khỏi các tòa nhà bị sập.
"Mùi hôi bốc lên từ những thi thể bị mắc kẹt mà chúng tôi chưa thể cứu ngay lập tức. Chúng tôi cần máy xúc, cần cẩu và các thiết bị đào bới hạng nặng để phá dỡ các tòa nhà bị hư hỏng và đưa các thi thể ra ngoài", anh nói.
Tại Thái Lan, nỗ lực cứu hộ vẫn đang tiếp tục tại một tòa nhà cao 30 tầng bị sập ở quận Chatuchak, Bangkok, khi đang trong quá trình xây dựng, khiến hàng chục công nhân bị mắc kẹt. 11 người đã được xác nhận thiệt mạng, trong khi 78 người vẫn đang mất tích.

Myanmar đang đối diện với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng (Ảnh: Reuters).
Chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố rằng ít nhất 1.700 người đã thiệt mạng, hơn 3.400 người bị thương và ít nhất 300 người khác mất tích.
Quy mô thực sự của thảm họa này có thể mất nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần để xử lý, theo các chuyên gia cứu trợ.
Dự báo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính số người chết ở Myanmar có thể vượt 10.000, trong khi tổn thất kinh tế có thể cao hơn tổng sản lượng quốc gia hàng năm của nước này.
Sáng 30/3, một dư chấn nhỏ đã xảy ra, khiến người dân hoảng sợ chạy khỏi các khách sạn để tìm nơi trú ẩn, sau một cơn rung lắc tương tự vào tối 29/3, theo AFP.
Các trận động đất đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Myanmar, nơi đang chìm trong nội chiến kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.
Tổ chức Chính phủ đoàn kết quốc gia (NUG), lực lượng đối lập với chính quyền quân sự, cho biết các nhóm chống đảo chính đã tuyên bố lệnh ngừng bắn một phần kéo dài 2 tuần ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, bắt đầu từ ngày 30/3.
Các cơ quan cứu trợ cảnh báo rằng việc ứng phó với thảm họa sẽ rất phức tạp do xung đột và nhu cầu nhân đạo nghiêm trọng. Trước khi động đất xảy ra, khoảng 15 triệu người - tương đương 1/3 dân số Myanmar - đã rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Xung đột đã khiến 3,5 triệu người phải di dời và đẩy nền kinh tế cũng như hệ thống y tế vào khủng hoảng.
Một đánh giá của Văn phòng Điều phối Nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết các bệnh viện và cơ sở y tế cảnh báo về "tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế", trong khi cơ sở hạ tầng bị hư hại, như đường sá, đang cản trở nỗ lực ứng phó.
Myanmar trước và sau thảm kịch động đất 7,7 độ (Video: Guardian).
Tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, người dân nói với Reuters rằng họ phải tự xoay xở. Toàn bộ thị trấn Sagaing, gần tâm chấn động đất, đã bị tàn phá nghiêm trọng.
"Những gì chúng tôi thấy ở đây là sự hủy diệt trên diện rộng - nhiều tòa nhà đã sụp đổ hoàn toàn", một người dân địa phương, Han Zin, nói qua điện thoại, đồng thời cho biết phần lớn thị trấn đã mất điện kể từ khi thảm họa xảy ra và nguồn nước uống đang dần cạn kiệt.
Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết trong một tuyên bố rằng "sự tàn phá là rất lớn và nhu cầu nhân đạo đang gia tăng từng giờ."
Tuyên bố cũng nhấn mạnh: "Với nhiệt độ đang tăng và mùa mưa đến gần chỉ trong vài tuần nữa, có một nhu cầu cấp bách phải ổn định các cộng đồng bị ảnh hưởng trước khi các cuộc khủng hoảng thứ cấp xuất hiện".