Một số kiến nghị trong hoạch định chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế phục vụ cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ đại hội XIV của Đảng

31/12/2024 12:13

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là một trong những chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, là đòi hỏi khách quan, là động lực phát triển đất nước.

TS. Trương Thị Mỹ Nhân

Giảng viên Viện Kinh tế - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Để xây dựng nền kinh tế tự chủ đòi hỏi phải nâng cao năng lực nội sinh, hoàn thiện thể chế, phát huy hiệu quả vai trò của nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, cũng như đa dạng hóa thị trường và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Bài viết tập trung làm rõ tính đúng đắn của chủ trương, những đặc trưng và những điều kiện để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập; đồng thời, kiến nghị các giải pháp trong thời gian tới.

Từ khóa: nền kinh tế tự chủ, năng lực nội sinh, nền kinh tế độc lập

Summary

Building a self-reliant economy requires enhancing endogenous capacity, perfecting institutions, promoting the role of high-quality human resources, science, and technology, diversifying markets, and deeply integrating into the global value chain. The article focuses on clarifying the correctness of the policy, characteristics, and conditions for building an independent, self-reliant economy associated with proactive and active integration and proposing solutions in the coming time.

Keywords: self-reliant economy, endogenous capacity, independent economy

GIỚI THIỆU

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là một trong những chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, là đòi hỏi khách quan, là động lực để “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 20301 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[1].

Định hướng “độc lập, tự chủ gắn với hội nhập” xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh từ khi thành lập nước đến nay. Trong đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức cần thiết, là tất yếu khách quan. Qua đó nâng cao vị thế đất nước; nâng cao sức mạnh nội lực; xử lý hiệu quả các vấn đề nội tại và các thách thức nổi lên.

Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và được xác định rõ trong Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết của Đảng. Với mục tiêu như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

ĐẶC TRƯNG VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN XÂY DỰNG CỦA NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ GẮN VỚI CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là một trong những chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung, phát triển năm 2011): “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”[2]. Chủ trương này tiếp tục được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhấn mạnh việc kết hợp hiệu quả ngoại lực và nội lực, “gắn hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”[3].

Đảng và Nhà nước đẩy mạnh tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương để từng bước đa dạng hóa thị trường, tận dụng các nguồn lưc về vốn, công nghệ, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu. Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển với GDP bình quân đầu người cao, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia”[4].

Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một nội dung trong ba nội dung cốt lõi của hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bao gồm: 1- Thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2- Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; 3- Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế)[5].

Định hướng "độc lập, tự chủ gắn với hội nhập" xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ có ý nghĩa quan trọng, vừa bảo đảm khả năng chống chịu của nền kinh tế, vừa bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Khi chúng ta đã xây dựng được một tiềm lực kinh tế đủ mạnh, ít phụ thuộc vào bên ngoài, tạo cơ sở, tiền đề cho các lĩnh vực, ngành nghề khác phát triển.

ĐẶC TRƯNG CỦA NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ GẮN VỚI CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ

- Kinh tế độc lập, tự chủ là nền kinh tế thích ứng nhanh và hiệu quả với những biến động trên thế giới và hướng tới yêu cầu phát triển bền vững.

- Nền kinh tế độc lập, tự chủ không phải là nền kinh tế biệt lập, khép kín, tự cung, tự cấp, thiếu gắn kết với các nền kinh tế trên thế giới, mà là nền kinh tế có sự độc lập, tự chủ về đường lối phát triển, độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào trong các quyết sách phát triển kinh tế và tự chủ trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với người dân, là một nền kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập.

- Nền kinh tế độc lập, tự chủ có cơ cấu kinh tế hợp lý, thích ứng nhanh và hiệu quả với những biến động của tình hình quốc tế và hướng tới yêu cầu phát triển bền vững, có năng lực nội sinh cao “Hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài”[6].

- Nền kinh tế độc lập, tự chủ Việt Nam mang dấu ấn của kinh tế thị trường định hướng XHCN, hiện đại, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đòi hỏi thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế; không tách rời việc hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phù hợp với tầm nhìn về bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là cao nhất, song lại không trái với các nguyên tắc phát triển phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đang ký kết[7].

- Nền kinh tế độc lập tự chủ phải là nền kinh tế có sự phát triển được bắt nguồn từ chính các nguồn lực sẵn có của đất nước, đó là những tiềm năng, lợi thế quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế để tránh sự lệ thuộc vào bên ngoài.

NHỮNG YẾU TỐ NỀN TẢNG THIẾT YẾU ĐỂ HÌNH THÀNH NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ GẮN VỚI CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định quan điểm "Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại"[8]. Quan điểm thể hiện rõ các yếu tố nền tảng thiết yếu để hình thành nền kinh tế độc lập, tự chủ. Cụ thể:

Một là, làm chủ về công nghệ

Trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, việc làm chủ công nghệ sẽ là “chìa khoá” để các quốc gia chủ động đổi mới, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, hạn chế sự lệ thuộc vào bên ngoài.

Hai là, phải chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường

Trong một thế giới phẳng, xu thế hợp tác liên kết ngày càng chặt chẽ hơn, yêu cầu thị trường ngày càng đa dạng, khắt khe hơn, rất nhiều vấn đề chỉ có thể giải quyết được trên phạm vi toàn cầu (như: biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng…). Vì thế, một quốc gia không thể có nền kinh tế độc lập, tự chủ nếu đóng cửa. Hơn nữa, việc chủ động hội nhập và đa dạng hoá thị trường sẽ tạo ra thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn, tạo ra nhiều sự lựa chọn, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống, từ đó hạn chế khả năng bị chèn ép do lệ thuộc. Việc khai thác tốt các thị trường sẽ khơi thông dòng chảy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra khắp thế giới, không chỉ giải quyết đầu ra tiêu thụ, mà còn nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại không tách rời nhau. Độc lập, tự chủ là điều kiện tiên quyết để chủ động hội nhập quốc tế và ngược lại, chủ động hội nhập quốc tế là cơ sở xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ bởi hội nhập sẽ góp phần tìm kiếm các nguồn lực mới để bổ sung sự thiếu hụt vốn, mở rộng thị trường.

Ba là, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế

Năng lực nội sinh là sức mạnh tổng hợp quốc gia, được cấu thành từ sức mạnh cứng (trữ lượng tài nguyên, vị trí địa lý, nguồn lao động, khoa học công nghệ, tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, an ninh…) và sức mạnh mềm (thể chế chính trị, truyền thống lịch sử - văn hóa, sức sáng tạo của con người, hệ giá trị và chính sách của quốc gia). Năng lực nội sinh là khả năng, là nguồn lực bên trong của một quốc gia, có tính quyết định đến mức độ tự chủ của nền kinh tế. Để nền kinh tế phát triển, cần phải hội nhập, nhưng để tận dụng hiệu quả của hội nhập, cần có năng lực nội sinh và tự chủ, tự cường. Một quốc gia có năng lực nội sinh tốt sẽ hạn chế được sự phụ thuộc vào bên ngoài, sẽ chủ động hơn trong các quyết sách, chủ trương phát triển kinh tế, chủ động hơn trong việc sản xuất và mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời ứng phó tốt hơn với các cú sốc bên trong và bên ngoài.

Hơn thế nữa, trong một thế giới phẳng, sự phát triển của các quốc gia trong đó có Việt Nam bị tác động lớn bởi ngoại cảnh và sẽ bộc lộ những điểm mạnh và điểm yếu. Vì thế, muốn phát triển, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ, đảm bảo tự lực, tự cường dân tộc. Tăng cường năng lực nội sinh là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định, bền vững, giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, chống chịu trước các cú sốc, khủng hoảng từ bên ngoài, đồng thời giúp nền kinh tế tăng trưởng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, hướng tới phát triển bền vững.

NHỮNG KIẾN NGHỊ TRONG HOẠCH ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ GẮN VỚI CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI

Từ một đất nước nghèo đói, có nền sản xuất lạc hậu, khép kín với GDP bình quân đầu người chưa đạt 100 USD/người, quy mô nền kinh tế khoảng 8 tỷ USD (xếp thứ 9/10 nước ASEAN vào năm 1986)[9], sau gần 40 năm chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (1986 - 2024), Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình với quy mô GDP tăng hơn 50 lần, đứng thứ 35 trên thế giới đạt khoảng 430 tỷ USD (2023)[10], xây dựng nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, phát triển bền vững, bao trùm, đảm bảo gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại hàng đầu trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.

Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước. Đảng đã thiết lập quan hệ với 247 chính Đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, ký kết và tham gia 15 hiệp định hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Để đạt được những thành tựu trên, nhân tố then chốt là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu. Trong những năm qua, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện nhưng các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp. Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn ở mức thấp với việc nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp… Nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn, nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững dẫn đến bị phụ thuộc.

Để khắc phục những điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, công nghệ và nhân lực, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Hay nói cách khác, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp để tạo lập các động lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể:

- Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, xanh và thông minh nhằm khai thác lợi thế so sánh quốc gia, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, đồng thời phát huy vai trò quản lý Nhà nước. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu chính là cải thiện năng lực nội sinh, năng lực tự chủ của nền kinh tế, đó là các nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút vốn FDI có chất lượng, nâng giá trị gia tăng trong quá trình xuất nhập khẩu, tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Có chủ trương, chính sách phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó chú trọng thị trường nguồn lực đầu vào như đất đai, tài chính, lao động và công nghệ.

- Cải thiện năng lực nội sinh của quốc gia. Cải thiện nội lực cũng để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, rủi ro từ bên ngoài. Với nền kinh tế Việt Nam, cải thiện năng lực nội sinh đồng nghĩa với việc cải thiện năng lực thể chế, bên cạnh mở rộng không gian phát triển; năng lực quản trị của doanh nghiệp, của từng cá nhân. Tăng đầu tư cho kết cấu hạ tầng và đầu tư phát triển nhân lực chất lượng cao. Cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động.

- Tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới để đa dạng hóa thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp: (i) Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA, nhất là các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các hiệp định; (ii) Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, trước mắt với Israel và UAE. (iii) Mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử; (iv) Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài[11]...

- Có chính sách đầu tư phát triển công nghệ lõi, thay vì lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài như trước đây nhằm đảm bảo tính chủ động trong sản xuất và xuất khẩu.

- Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia.

Nxb Chính trị quốc gia Sự thật (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hà Nội.

Ngô Tuấn Nghĩa (2023), Quan điểm mới về xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ trong văn kiện đại hội XIII của Đảng, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/824082/quan-diem-moi-ve-xay-dung-nen-kinh-te-viet-nam-doc-lap%2C-tu-chu-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx.


[1] Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, tr. 102.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2016, tr. 111.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 135

[5] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/824082/quan-diem-moi-ve-xay-dung-nen-kinh-te-viet-nam-doc-lap%2C-tu-chu-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx

[6] Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030

[7] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/824082/quan-diem-moi-ve-xay-dung-nen-kinh-te-viet-nam-doc-lap%2C-tu-chu-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx

[8] Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030

[9] https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/kinh-tet-vi-mo/sau-36-nam-doi-moi-gdp-viet-nam-tang-gap-50-lan-lot-top-5-nuoc-co-quy-mo-kinh-te-tang-nhieu-nhat-the-gioi..html

[10] Kinh tế Việt Nam 2023-2024 Việt Nam và thế giới, trang 4

[11] https://tapchicongthuong.vn/suc-manh-tong-hop-quoc-gia-tu-nang-luc-noi-sinh--ngoai-sinh-112459.

Ngày nhận bài: 23/12/2024; Ngày phản biện: 27/12/2024; Ngày duyệt đăng: 31/12/2024