Từ khóa: tỉnh Điện Biên, liên kết vùng Nam Trung Quốc - Tây Bắc Việt Nam - Bắc Lào
Summary
Dien Bien is a province with a long border with two neighboring countries, Laos and China. This province has a 455 km border out of 4,510 km of our country's border (accounting for 10%). On the other hand, the province is geographically located in the country's Northwestmost. Thus, if only considered within the national scope, the level of regional connectivity to create momentum for the development of this province is very low. However, if considered at the international level - the Northeast region of the Indochina peninsula - Dien Bien Province has great potential for regional connectivity. Specifically, the province holds an intermediate position connecting the region with a vibrant economy in Southern China with the region with potential for green economic development, but still backward, the Northern Laos region. This article focuses on analyzing the regional connectivity of Southern China - Northwest Vietnam - Northern Laos, based on the available potential of the geographical position of Dien Bien Province.
Keywords: Dien Bien Province, regional linkage between South China - Northwest Vietnam - Northern Laos
ĐẶT VẤN ĐỀ
Điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại của tỉnh Điện Biên rất nghèo, trung bình hơn 90% ngân sách được trợ cấp từ Trung ương. Chuỗi giao lưu kinh tế gần như duy nhất của Tỉnh này là trục kinh tế động lực nằm trên tuyến Quốc lộ 6 (theo hướng nằm ngang, Đông - Tây) tính từ vùng Đồng bằng sông Hồng đi dọc lưu vực Nam sông Đà qua các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Một điều kiện khó khăn ngặt nghèo khác là Điện Biên nằm ở cuối chuỗi giao lưu kinh tế Đông - Tây này, được ví như "nhà cuối hèm". Do vậy, việc tìm ra một hướng đi mới, một không gian phát triển mới cho ngôi "nhà cuối hẻm" này là một thách thức mang tính sống còn, nếu giải quyết được thách thức này thì bài giải đó sẽ trở thành một bước ngoặt, một cột mốc chói lọi như Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong thời bình. Bài viết này đưa các nhà hoạch định chiến lược cũng như đưa nhân dân trong tỉnh Điện Biên đến với một hướng nhìn mới, một đột phá mới, có thể quan tâm xem xét đầu tư, một cách nghiêm túc.
Cụ thể, điểm qua các đồ án quy hoạch liên kết vùng cho khu vực Tây Bắc Việt Nam - đặc biệt là 3 tỉnh nằm ở phía Nam sông Đà, gồm: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, như: đồ án quy hoạch giao thông, quy hoạch phát triển mạng lưới một số ngành nghề xanh (như: du lịch, văn hóa), nhóm tác giả nhận thấy các đồ án quy hoạch này mới chỉ tập trung xem xét đến liên kết vùng trong nội hàm đất nước ta, mà chưa tính đến liên kết vùng cho tổng thể khu vực phía Đông Bắc bán đảo Đông Dương, cụ thể là chưa xem xét đến vị trí chiến lược của Điện Biên trong chuỗi liên kết vùng Nam Trung Quốc - Tây Bắc Việt Nam - Bắc Lào. Như vậy, việc xem xét bổ sung thêm một trục kinh tế quan trọng, một không gian phát triển mới cho tỉnh Điện Biên theo hướng Bắc - Nam cũng chính là tính toán cho tương lai phát triển ổn định lâu dài của khu vực Đông Bắc bán đảo Đông Dương, cho kinh tế - xã hội của cả các bạn Lào, cũng như cho chính khu vực Tây Bắc Việt Nam.
Xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội nghèo nàn lạc hậu, kết hợp với khát khao vươn lên trong kỷ nguyên vươn mình là động lực chính khiến cho nhóm tác giả xem xét một cách nghiêm túc hướng đi mới này, theo hướng liên kết từ Bắc xuống Nam nối liền ba khu vực Nam Trung Quốc - Tây Bắc Việt Nam - Bắc Lào.
THỰC TRẠNG LIÊN KẾT VÙNG CỦA KHU VỰC TÂY BẮC TỔ QUỐC NÓI CHUNG VÀ CỦA TỈNH ĐIỆN BIÊN NÓI RIÊNG
Trên bình diện liên kết vùng, có thể thấy khu vực Tây Bắc Tổ quốc đang chia thành hai nửa riêng biệt ở phía Bắc lưu vực Sông Đà và phía Nam lưu vực sông Đà. Hai nửa lưu vực này có đời sống kinh tế - xã hội gần như tách biệt với nhau, càng lên phía thượng nguồn, thì sự tương hỗ giữa hai nửa này càng yếu đi rõ rệt, đây chính là một sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Cụ thể, nửa phía Bắc của lưu vực sông Đà gồm 5 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc có trục liên kết vùng chính là cao tốc Nội Bài - Lào Cai (CT.05). Tuyến giao thông này đang là động lực phát triển chính của Vùng, tạo khoảng cách ngày một xa so với nửa còn lại ở phía Nam lưu vực. Cụ thể, GRDP năm 2023 của các tỉnh này lần lượt là: 13.739 tỷ đồng; 73.601 tỷ đồng; 22.601 tỷ đồng; 51.805 tỷ đồng; 158.01 tỷ đồng. Phía còn lại gồm 3 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có GRDP lần lượt là: 27.734 tỷ đồng; 34.506 tỷ đồng; 32.984 tỷ đồng. Như vậy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) phía Bắc lưu vực sông Đà lên đến 319.756 tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần GRDP phía Nam lưu vực sông Đà (chỉ là 95.224 tỷ đồng). Không những chênh lệch rõ rệt về tiềm lực kinh tế, có thể nhận thấy rõ ràng là liên kết vùng, giao lưu kinh tế giữa 2 nửa lưu vực này còn rời rạc, chưa tạo được thành sức mạnh tổng thể, đặc biệt là các tỉnh nằm đơn độc ở cuối chuỗi đô thị, như: Điện Biên (phía Nam lưu vực sông Đà) và Lai Châu (phía Bắc lưu vực sông Đà). Tại mỗi nửa khác nhau, các tỉnh đều tự tạo liên kết với trục kinh tế động lực CT.05 hoặc Quốc lộ 6, mà chưa có đơn vị nào chủ trì tạo nên liên kết giữa hai nửa với nhau một cách đồng bộ.
Hiện tại, tỉnh Điện Biên đang có 2 hướng liên kết vùng chính là liên kết Đông - Tây thông qua trục giao lưu kinh tế nằm trên Quốc lộ 6 nối liền Sơn La, Hòa Bình ở phía Đông và tỉnh Phongsali (Lào) ở phía Tây; Và hướng liên kết vùng thứ hai là liên kết Bắc - Nam thông qua trục giao lưu kinh tế nằm trên Quốc lộ 12, nối Lai Châu, Lào Cai ở phía Bắc với tỉnh Luangprabang (Lào) ở phía Nam.
Để có được góc nhìn sắc nét nhằm so sánh thực trạng liên kết vùng của tỉnh Điện Biên giữa liên kết theo hướng Đông - Tây (Quốc lộ 6) và liên kết theo hướng Bắc - Nam (chưa có), chúng ta có thể dựa trên số liệu chiết xuất từ một ngành kinh tế bất kỳ của Tỉnh, cụ thể là lĩnh vực du lịch. Theo số liệu được công bố cùng Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 345/QĐ-UBND, ngày 03/3/2023, thì hơn 80% nguồn khách du lịch của tỉnh Điện Biên là khách nội địa, chủ yếu từ thị trường Hà Nội và từ các địa phương lân cận, như : Sơn La, Hòa Bình[1], tức là hơn 80% nguồn khách tham quan, du lịch đến với tỉnh Điện Biên có lựa chọn di chuyển theo hướng Đông - Tây, thông qua hướng liên kết duy nhất là Quốc lộ 6. Còn lại dưới 20% nguồn khách du lịch đến Điện Biên từ các hướng di chuyển khác, bao gồm cả đường hàng không và hướng Bắc - Nam. Như vậy, nói theo góc nhìn phiến diện từ ngành du lịch, có thể thấy giao lưu kinh tế theo hướng Đông - Tây đang phát sinh hơn 80% GRDP cho Tỉnh này, còn giao lưu kinh tế theo hướng Bắc - Nam chỉ đang đóng góp được dưới 20% GRDP.
Vậy, các nhà hoạch định chính sách cần phải thử xoay trục liên kết vùng, hoặc bổ sung, thúc đẩy thêm trục liên kết vùng mới cho tỉnh Điện Biên nói riêng cũng như cho vùng Tây Bắc Tổ quốc nói chung.
ĐỀ XUẤT KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI CHO TỈNH ĐIỆN BIÊN
Nhìn vào 14 tuyến đường bộ cao tốc ở miền Bắc theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 01/9/2021 (Hình), chúng ta có thể thấy sự liên kết vùng cho ba tỉnh vùng Nam Sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên) và tỉnh Điện Biên nói riêng là rất thiên lệch; toàn bộ nguồn lực được ưu ái cho liên kết vùng theo hướng Đông – Tây, mà chưa hề xem xét đến liên kết vùng theo hướng Bắc - Nam.
Hình 1: Quy hoạch 14 tuyến đường bộ cao tốc ở miền Bắc |
Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/
Nếu tập trung nguồn lực đầu tư cho hướng liên kết vùng Đông - Tây này, kinh tế của 3 tỉnh vùng Nam Sông Đà chỉ có thể trông chờ vào sức kéo từ đầu tàu phía Đông là vùng đồng bằng sông Hồng, nếu càng đi về phía Tây, thì càng gặp phải các tỉnh nghèo, đặc biệt là Phongsali (Lào). Một điểm yếu cố hữu của liên kết vùng theo hướng này là khoảng cách từ đầu kéo vùng Đồng bằng sông Hồng tới tỉnh Điện Biên là quá xa, lên tới 500 km, dẫn tới sức kéo này mất đi phần lớn tác dụng. Minh chứng rõ nét nhất của nhận định này là số liệu ổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn/Tổng chi ngân sách nhà nước địa phương trên địa bàn của tỉnh Điện Biên theo từng năm theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, lần lượt như sau: Năm 2021 là 1.627,96/21.220,42 tỷ đồng (tương ứng 7,67%); Năm 2022 là 1.434/30.071,73 tỷ đồng (tương ứng 4,77%); Năm 2023 là 1.578,9/38.242,39 tỷ đồng (tương ứng 4,12%). Nghĩa là, trong 3 năm gần nhất từ năm 2021 đến 2023, đầu kéo Trung ương phải lo cho tỉnh Điện Biên từ 92,33% đến 95,88%, gần như chưa năm nào tỉnh Điện Biên tự lo được cho mình quá 10% nhu cầu. Có thể kết luận sơ bộ, Điện Biên không thể trông chờ vào hướng liên kết vùng Đông - Tây này để phát triển kinh tế - xã hội.
Hình 2: Đề xuất liên kết vùng mới, kiến nghị mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Điện Biên theo hướng Bắc - Nam bằng tuyến cao tốc kết nối TP. Điện Biên Phủ đến các cửa khẩu với khu vực Nam Trung Quốc (nét đậm) |
Nguồn: Đề xuất của nhóm nghiên cứu
Nhìn lại bản đồ liên kết giao thông (Hình 2), nếu thử xoay hướng liên kết vùng thành hướng Bắc - Nam, nhằm liên kết tỉnh Điện Biên với đầu tàu kinh tế của cực Tây Bắc Tổ quốc là tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thì sẽ thấy ngay sự khác biệt. Khác biệt đầu tiên đến từ khoảng cách kết nối, giảm từ 500 km xuống chỉ còn chưa đầy 200 km. Khu vực Nam Trung Quốc còn có thêm ưu thế logistics nữa là, hệ thống vận tải kho vận bằng đường sắt khổ 1,4 m.
Có thể nói, việc lựa chọn liên kết vùng với khu vực đầu tàu kinh tế nào (giữa vùng đồng bằng sông Hồng hay vùng Nam Trung Quốc) là lựa chọn rất dễ quyết định. Năm 2023, theo số liệu của Bộ Công Thương (2024), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở khu vực phía Bắc tỉnh Điện Biên (qua cửa khẩu Ma Lù Thàng của tỉnh Lai Châu và cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu) lần lượt là 12,92 triệu USD với tỉnh Lai Châu và 1,06 tỷ USD với tỉnh Lào Cai. Cũng theo nguồn số liệu này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của tỉnh Điện Biên chỉ đạt khoảng 22,46 triệu USD. So sánh và kết luận sơ bộ cho tỉnh Điện Biên như sau: Định hướng giao lưu kinh tế theo hướng Bắc - Nam có tiềm năng lớn gấp khoảng 50 lần so với giao lưu kinh tế theo hướng Đông - Tây (hơn 1 tỷ USD so với hơn 22 triệu USD). Đó là còn chưa kể đến, giao thông liên kết vùng theo hướng Bắc - Nam còn chưa được khai phá.
Như vậy, câu trả lời của nhóm tác giả cho câu hỏi nên lựa chọn không gian, hướng phát triển mới nào cho tỉnh Điện Biên, chính là liên kết vùng Nam Trung Quốc - Tây Bắc Việt Nam - Bắc Lào.
ĐỀ XUẤT CỤ THỂ HƠN CHO LIÊN KẾT VÙNG NAM TRUNG QUỐC - TÂY BẮC VIỆT NAM - BẮC LÀO
Để hiện thực hóa các phân tích trên đây, nhóm tác giả đề xuất 2 cơ chế chính sách liên kết vùng sau đây: (1) Là cơ chế, chính sách liên kết vùng về giao thông đối ngoại, trước mắt là tạo ra một tuyến giao thông xuyên suốt tốc độ cao với nhiều trạm trung chuyển logistic ở khu vực Tây Bắc Việt Nam; (2) Là cơ chế, chính sách liên kết phi vật lý, tức là cơ chế liên kết vùng về thương mại giữa 3 khu vực này. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với chính sách liên kết vùng về giao thông đối ngoại: Như đã phân tích, đề xuất trong bài viết trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 03 (866), tháng 02/2024, nhóm tác giả đề xuất tuyến giao thông cao tốc đối ngoại kết nối từ thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai của Việt Nam. Tuyến giao thông cao tốc đối ngoại này sẽ liên kết hai nửa lưu vực Bắc Sông Đà - Nam Sông Đà lại với nhau, đồng thời cũng tận dụng được ưu thế của hai tuyến cao tốc đang triển khai là: Tuyến cao tốc kết nối thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và Tuyến cao tốc kết nối thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây Trang (chính là Cửa khẩu quốc tế sang địa phận tỉnh Luang Prabang, Lào). Tuyến giao thông cao tốc đối ngoại kết nối thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên với thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai sẽ là mảnh ghép hoàn hảo còn thiếu, vừa liên kết vùng Bắc Sông Đà - Nam Sông Đà, vừa góp phần phát huy sức mạnh của các tuyến cao tốc đang triển khai. Như vậy, chúng ta sẽ có một tuyến giao thông đối ngoại thông suốt theo tiêu chuẩn đường cao tốc, bắt đầu từ cửa khẩu Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam của nước bạn Trung Quốc, qua thành phố Lào Cai đến thị xã Sa Pa, qua thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu, băng cắt qua lưu vực sông Đà để đến thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên, tiếp theo là TP. Điện Biên Phủ, điểm cuối là cửa khẩu quốc tế Tây Trang, trước khi bước chân sang địa phận 3 tỉnh Bắc Lào (Hình 3).
Hình 3: Tuyến giao thông đối ngoại kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với TP. Điện Biên Phủ (nét gạch), tỉnh Điện Biên sẽ góp phần hoàn thiện khép kín mạng lưới đường cao tốc đã và đang triển khai (nét liền), kết nối khu vực Nam Trung Quốc với 3 tỉnh Nam Sông Đà của Việt Nam và 3 tỉnh Bắc Lào |
Nguồn: Đề xuất của nhóm nghiên cứu
Thứ hai, đối với chính sách liên kết vùng về thương mại: Cũng giống như mục tiêu chính của nghiên cứu này, Nhóm tác giả đề xuất một cơ chế liên kết như sau: Việt Nam đứng ra làm trung gian xây dựng tuyến giao thông cao tốc đối ngoại liên kết cửa khẩu Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam của nước bạn Trung Quốc với 03 tỉnh Bắc Lào, nguồn vốn xây dựng được đa dạng hóa, đa phương hóa, quy trình xây dựng riêng biệt đặc thù; Để khai thác tuyến đường này một cách hiệu quả thì các tỉnh nằm trên tuyến đường này gồm: Vân Nam (Trung Quốc), Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam), Phongsaly, Luang Prabang, Houaphan (Lào) sẽ ký kết một thỏa thuận phi thuế quan cho Việt Nam, thuế xuất nhập khẩu chỉ phát sinh ở phía cửa khẩu của hai nước bạn Trung Quốc và Lào mà không phát sinh từ phía Việt Nam, với điều kiện hàng hóa và các sản phẩm thương mại hai chiều của các tỉnh này được vận chuyển thông qua tuyến giao thông đối ngoại kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên do Việt Nam xây dựng (màu đỏ). Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các lợi ích do logistic mang lại như đóng gói, vận chuyển, kho bãi, dịch vụ ăn theo, du lịch, lưu trú...
ĐÁNH GIÁ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH ĐIỆN BIÊN DO LIÊN KẾT VÙNG NAM TRUNG QUỐC - TÂY BẮC VIỆT NAM - BẮC LÀO MANG LẠI
Việc hiện thực hóa liên kết vùng Nam Trung Quốc - Tây Bắc Việt Nam - Bắc Lào sẽ được thực hiện thông qua tuyến giao thông cao tốc đối ngoại kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (gọi tắt là tuyến giao thông cao tốc đối ngoại kết nối Sa Pa - Điện Biên Phủ), sẽ là chìa khóa mở thông liên kết vùng theo hướng Bắc - Nam của tỉnh Điện Biên. Với ưu thế khoảng cách ngắn hơn hẳn so với liên kết vùng Đông - Tây, tỉnh Điện Biên sẽ kết nối được với khu vực giàu có ở phía Nam Trung Quốc, đồng thời sẽ làm trung gian mở ra cánh cửa phát triển mới cho các bạn ở phía Bắc Lào. Một số lợi ích mà liên kết vùng Nam Trung Quốc - Tây Bắc Việt Nam - Bắc Lào sẽ mang lại cho tỉnh Điện Biên:
- Tuyến giao thông cao tốc đối ngoại kết nối Sa Pa - Điện Biên Phủ sẽ kết nối khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội cao, hàng hóa giá rẻ là Nam Trung Quốc với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội thấp là 3 tỉnh phía Nam Sông Đà của Việt Nam cũng như 03 tỉnh Bắc Lào.
- Tuyến giao thông đối ngoại kết nối Sa Pa - Điện Biên Phủ góp phần làm giảm mạnh mẽ chi phí vận tải hàng hóa liên khu vực, cụ thể là chi phí vận tải khu vực phía Đông Bắc bán đảo Đông Dương.
- Tạo điều kiện cho tiểu vùng kinh tế Tây Bắc Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh tế từ nông lâm nghiệp sang làm kinh tế logistic, kinh tế du lịch.
- Nghiên cứu sơ bộ về hướng tuyến còn cho thấy, tuyến cầu đi trên mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La từ thị trấn Tam Đường về thị xã Mường Lay (trên mặt nước lòng sông Đà) sẽ là một trong những cung đường check-in đẹp nhất Việt Nam, góp phần làm nổi bật kinh tế du lịch mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sông Đà.
- Trong nước, tuyến giao thông đối ngoại này sẽ khép kín mạng lưới chuỗi giá trị gia tăng của các sản phẩm hàng hóa trên tuyến giao lưu kinh tế Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hà Nội. Với quốc tế, tuyến này sẽ làm nhiệm vụ logistic và đảm bảo quốc phòng - an ninh cho chính Việt Nam chúng ta cũng như cho các bạn Lào, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người dân ba nước, góp phần làm giảm mức độ phức tạp tại các khu vực gần biên giới hai nước, việc điều tiết các đơn vị quốc phòng - an ninh trên tuyến đường giáp biên này sẽ thuận lợi hơn nhiều cho cả hai phía.
- Với quốc tế, việc giảm chi phí vận tải tạo điều kiện gần như riêng có cho khu vực Tây Bắc Việt Nam khi làm trung gian logistics với các bạn Bắc Lào, Nam Trung Quốc.
- Tuyến giao thông đối ngoại kết nối Sa Pa - Điện Biên Phủ góp phần làm phong phú thêm mạng lưới giá trị khu vực Đông Bắc bán đảo Đông Dương.
- Sau khi liên kết vùng Nam Trung Quốc - Tây Bắc Việt Nam - Bắc Lào hình thành, các địa phương phía Tây Bắc Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng chắc chắn sẽ tự chủ được nguồn thu, tự chủ được tài chính, có cơ sở rất vững chắc và lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội, không còn phải xin trợ cấp từ miền xuôi.
- Hướng liên kết này gần như là hướng tuyến duy nhất có lợi cho phía Việt Nam và Lào, với chiều dài vừa phải (nếu không muốn nói là ngắn nhất kết nối Bắc Lào lên phía Nam Trung Quốc), vừa gần cửa khẩu lớn nhất vùng Tây Bắc với Trung Quốc, lại kết nối được với vị trí trung tâm của 3 tỉnh Bắc Lào; vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh cho biên giới phía Tây Bắc; vừa là tuyến đường lưỡng dụng quân sự - dân sự, có thể triển khai nhanh chóng để phát huy cơ động các lực lượng đang sẵn có ở khu vực Tây Bắc.
Ngoài ra, việc kết nối với 3 tỉnh Bắc Lào chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía các bạn Lào, vì tuyến giao thông này giúp các bạn Lào nhanh chóng giải quyết được tình trạng kém phát triển ở khu vực phía Bắc, nhanh chóng đạt được bước tiến về kinh tế - xã hội đồng đều toàn quốc hơn là duy trì nền kinh tế một cực ở phía Nam giáp Thái Lan, giúp nước bạn đa dạng hóa đường lối phát triển kinh tế cho khu vực kém phát triển ở phía Bắc. Nói cách khác, tuyến giao thông đối ngoại này là một hướng đi mới, mở ra cánh cửa cơ hội phát triển mới cho các bạn Bắc Lào./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Công Thương (2024), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023, truy cập từ https://trungtamwto.vn/chuyen-de/26335-bao-cao-xuat-nhap-khau-viet-nam-nam-2023.
2. Cục Thống kê tỉnh Điện Biên (2022-2024), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2021 đến 2023, Nxb Thống kê.
3. Cục Thống kê tỉnh Lai Châu (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023.
4. Cục Thống kê tỉnh Lào Cai (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023.
5. Cục Thống kê tỉnh Yên Bái (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023.
6. Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023.
7. Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023.
8. Cục Thống kê tỉnh Sơn La (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023.
9. Phạm Duy Linh, Nguyễn Đăng Hưng (2024), Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên theo hướng liên kết vùng trong giao thông vận tải, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 3(866), tháng 02/2024.
ThS. Phạm Duy Linh - Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên
ThS. Nguyễn Đăng Hưng - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2025)
[1] Mục I.10 Phần II Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: https://lawnet.vn/vb/Quyet-dinh-345-QD-UBND-2023-De-an-phat-trien-du-lich-Dien-Bien-den-2025-88F7A.html