Trang tin quân sự Avia Pro ngày 6/2 đưa tin, một cuộc thảo luận sôi nổi đang diễn ra trong giới chính trị Mỹ về thông tin rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xây dựng phiên bản riêng về kế hoạch hòa bình để giải quyết xung đột Ukraine.
Theo các thông tin rò rỉ, kế hoạch bao gồm một số điều kiện chính nhằm đạt được hòa bình bền vững ở Ukraine.
Một trong những điểm chính của kế hoạch hòa bình được đề xuất là Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO, điều này phù hợp với các yêu cầu lâu dài của Nga.
Kế hoạch hòa bình cũng để ngỏ việc dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt đối với Nga trong vòng 3 năm sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình. Kế hoạch còn bao gồm tuyên bố lệnh ngừng bắn toàn diện trên khắp Ukraine, sau đó là rút quân khỏi một số khu vực nhất định.
Một điểm đáng chú ý của kế hoạch đang được thảo luận là khả năng cung cấp một lượng lớn thiết bị quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, các chi tiết của điểm này vẫn chưa rõ ràng: không nêu rõ liệu các nguồn cung vũ khí này sẽ được thực hiện sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình hay liệu chúng có nhằm mục đích thúc đẩy các bên ký kết thỏa thuận hay không.
Nếu chính quyền Tổng thống Trump coi việc tăng viện trợ quân sự là phương tiện để đạt được hòa bình, điều này có thể phản tác dụng. Trong trường hợp đó, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng có thể trở nên vô ích và Nga có thể tiếp tục đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ lực.
Một dự thảo kế hoạch hòa bình dự kiến sẽ được đặc phái viên của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine, Keith Kellogg, trình bày cho các đồng minh của Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich, diễn ra từ ngày 14/2 đến ngày 16/2. Chi tiết dự thảo vẫn chưa được tiết lộ.
"Là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Nga và Ukraine, tôi mong muốn được nói về mục tiêu của Tổng thống Donald Trump trong việc chấm dứt cuộc chiến đẫm máu và tốn kém ở Ukraine. Tôi sẽ gặp các đồng minh của Mỹ, những người sẵn sàng hợp tác với chúng tôi", ông Kellogg thông báo trên mạng xã hội.
Ông Kellogg, một vị tướng đã nghỉ hưu được giao nhiệm vụ thúc đẩy chiến lược của Tổng thống Trump trong cuộc chiến Nga - Ukraine, đặt mục tiêu tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột trong 100 ngày sau khi ông Trump nhậm chức.
Phát biểu với Fox News vào ngày 1/2, ông Kellogg tuyên bố Tổng thống Trump có một "kế hoạch đáng tin cậy" để chấm dứt chiến tranh, bao gồm "gây sức ép không chỉ với Moscow mà còn với Kiev" trong khi đưa ra các sáng kiến tích cực cho cả hai bên.
Ông Kellogg cũng dự kiến sẽ đến thăm Ukraine vào cuối tháng này để đàm phán với các quan chức Ukraine.
Các đồng minh của ông Trump gần đây hé lộ một số chi tiết trong kế hoạch này, gọi đó là chiến lược "hòa bình thông qua sức mạnh".
Một số điểm chính của đề xuất bao gồm đóng băng xung đột, giữ nguyên hiện trạng mà không có sự thay đổi ngay lập tức về lãnh thổ, cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine để ngăn chặn Nga tiến hành các cuộc tấn công trong tương lai.
Đội ngũ của ông Trump cũng nêu rõ quan điểm, cả Nga và Ukraine cần đưa ra nhượng bộ để chấm dứt xung đột.
Điện Kremlin tuần này xác nhận Nga đang thảo luận với Mỹ về các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nhằm chấm dứt xung đột kéo dài 3 năm qua ở Ukraine.