"Tôi sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Johannesburg. Nam Phi đang làm những điều rất xấu. Chiếm đoạt tài sản riêng", Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thông báo trên tài khoản X ngày 5/2.
Ông Rubio lưu ý thêm: "Sử dụng G20 để thúc đẩy đoàn kết, bình đẳng và bền vững. Công việc của tôi là thúc đẩy lợi ích quốc gia của nước Mỹ, không lãng phí tiền của người nộp thuế hay chiều chuộng chủ nghĩa chống Mỹ".
Nam Phi, nước giữ chức chủ tịch G20 cho đến tháng 11, dự kiến tổ chức cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao từ ngày 20/2 đến 21/2 tại Johannesburg.
Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc chính quyền Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa "tịch thu đất đai" và "ngược đãi một bộ phận người dân".
"Nam Phi đang tịch thu đất đai và đối xử rất tệ với một vài bộ phận người dân. Mỹ sẽ không chấp nhận điều đó, chúng tôi sẽ hành động. Ngoài ra, tôi sẽ cắt mọi nguồn tài trợ trong tương lai cho Nam Phi cho đến khi cuộc điều tra đầy đủ về tình hình này được hoàn tất", ông tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social.
Tỷ phú gốc Nam Phi Elon Musk, người thân cận với ông Trump, cũng cáo buộc Nam Phi có "luật sở hữu đất đai phân biệt chủng tộc một cách công khai".
Tuy nhiên, chính quyền Nam Phi đã lên tiếng bác bỏ. Bộ Ngoại giao Nam Phi nói rằng "không có chuyện tự ý tịch thu đất đai/tài sản tư nhân.
Tổng thống Ramaphosa cho biết, luật này không phải là một công cụ tịch thu mà là một phần của "quy trình pháp lý bắt buộc theo hiến pháp nhằm đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của công chúng một cách công bằng và chính đáng".
Theo luật được ông Ramaphosa ký thông qua vào tháng trước, chính phủ có thể thu hồi đất mà không cần bồi thường nếu điều đó là "công bằng và vì lợi ích công cộng", chẳng hạn như trong trường hợp tài sản không được sử dụng và không thể đạt được thỏa thuận với chủ sở hữu.
Ông Ramaphosa và quốc hội Nam Phi cho rằng đạo luật này là cần thiết để giảm bớt sự chênh lệch lớn về quyền sở hữu đất đai xuất phát từ di sản của hệ thống phân biệt chủng tộc.