
Cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Rasmussen (Ảnh: AFP).
"Những lời đe dọa ngày càng công khai của Tổng thống Donald Trump về việc sáp nhập Greenland về Mỹ đang khiến Đan Mạch lo ngại", cựu Thủ tướng Đan Mạch và cũng là cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói với báo Politico.
Ông Rasmussen cảnh báo ông Trump hãy "tránh xa Greenland". "Tôi thấy thật không đúng khi một Tổng thống Mỹ có thể đe dọa một đồng minh. Đan Mạch là một trong những đồng minh thân cận và đáng tin cậy nhất của Mỹ. Tôi thực sự lo ngại", ông nói khi phát biểu từ thủ đô Đan Mạch.
Ông Rasmussen, người từng nắm quyền Thủ tướng Đan Mạch từ năm 2001-2009, tiếp tục nhấn mạnh, Greenland "là một phần của Đan Mạch và người dân Greenland không muốn trở thành người Mỹ".
Ông nói thêm rằng, mặc dù theo hiệp ước năm 1951, Mỹ có quyền thiết lập các căn cứ tại Greenland, nhưng trong những thập niên gần đây, Washington đã giảm sự hiện diện quân sự của mình trên hòn đảo này.
"Sự thật là Greenland là một phần của NATO. Nếu Mỹ không hài lòng với việc bảo vệ Greenland..., chúng tôi sẽ đánh giá cao sự hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn với họ", ông nói.
Tổng thống Trump đã nêu khả năng sáp nhập Greenland về Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và đã nhắc lại ý tưởng này thường xuyên hơn nhiều trong nhiệm kỳ thứ hai.
Trong một cuộc phỏng vấn đầu tháng này, ông chủ Nhà Trắng từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo có 57.000 người ở này, vốn là một phần của vương quốc Đan Mạch.
"Tôi không loại trừ điều đó. Tôi không nói sẽ làm điều đó, nhưng cũng không loại trừ bất cứ điều gì. Không, không phải ở đó. Chúng ta rất cần Greenland", ông Trump nói.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, "Greenland chỉ có dân số rất ít và vì vậy chúng ta sẽ chăm sóc, sẽ trân trọng họ, và tất cả những điều đó. Nhưng chúng ta cần điều đó vì an ninh quốc tế", ông Trump nói trên đài NBC hôm 4/5.
Báo Wall Street Journal cũng đưa tin rằng, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ tăng cường nỗ lực thu thập thông tin tình báo trên hòn đảo Bắc Cực. Chính phủ Đan Mạch đã triệu tập đại sứ Mỹ để phản đối việc này.
Tuần trước, truyền thông cho biết, các quan chức Nhà Trắng đang xem xét Hiệp ước Liên kết tự do với lãnh thổ Đan Mạch, một thỏa thuận hiện đang được áp dụng với các quốc đảo Thái Bình Dương như Micronesia, Palau và quần đảo Marshall. Theo một thỏa thuận như vậy, Mỹ sẽ cung cấp cho Greenland các dịch vụ thiết yếu, bảo vệ quân sự và thương mại miễn thuế phần lớn, mặc dù hòn đảo này sẽ duy trì nền độc lập của mình.