
Chiến sự Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm qua (Ảnh: Reuters).
Sau lệnh ngừng bắn nhân dịp Ngày Chiến thắng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo rằng ông sẵn sàng bắt đầu đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine vào ngày 15/5.
Sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẽ chờ ông Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi kỳ vọng Nga xác nhận một lệnh ngừng bắn đầy đủ, bền vững và đáng tin cậy bắt đầu từ ngày 12/5, và Ukraine sẵn sàng gặp mặt", ông Zelensky nói.
Những tuyên bố từ Moscow và Kiev lập tức thu hút sự chú ý từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Tôi nghĩ chúng ta sẽ có thể thấy một kết quả tích cực từ cuộc gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ giữa Nga và Ukraine", ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/5.
Việc Nhà Trắng không thể kết thúc cuộc chiến trong thời gian ngắn như cam kết khi tranh cử đang khiến ông Trump không hài lòng và ông muốn nỗ lực này mang lại kết quả hữu hình nào đó.
Một ngày trước đó, ông Trump đã nêu rõ kỳ vọng của mình về cuộc gặp tiềm năng.
"Ít nhất họ sẽ có thể xác định liệu một thỏa thuận có khả thi hay không, và nếu không, các nhà lãnh đạo châu Âu cùng Mỹ sẽ biết rõ tình hình và có thể đưa ra hành động phù hợp", ông Trump viết trên Truth Social ngày 11/5.
Trước đó, ông Trump đã kêu gọi 2 bên "ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày" và cảnh báo có động thái cứng rắn nếu có hành động vi phạm,
Dù chưa rõ ông Putin có thực sự đến dự hội đàm hay không, một nguồn tin thân cận với Văn phòng Tổng thống Ukraine nói với Kyiv Independent rằng Kiev "sẵn sàng cho mọi kịch bản".
Ông Putin và ông Zelensky mới chỉ gặp nhau một lần, tại Paris, Pháp vào năm 2019.
Theo giới quan sát, trước sự sốt ruột từ ông Trump, Nga và Ukraine dường như đều đang cố gắng thể hiện thiện chí tham gia tiến trình hòa bình, nhằm tránh bị Mỹ đổ lỗi nếu nỗ lực thương lượng đổ vỡ.
"Chuyện này hơi giống một trận quần vợt vậy. Hai bên cứ đánh quả bóng qua lại, qua lại. Và chúng ta phải chờ xem quả bóng sẽ dừng ở đâu", ông Anatol Lieven, Giám đốc Chương trình Á-Âu tại Viện Quincy về Trách nhiệm Đối ngoại, nhận định.
Nếu quả bóng rơi xuống bên nào, Mỹ có thể quy trách nhiệm cho bên đó đang cản trở nỗ lực hòa bình, ông Lieven dự đoán.
Những lời cảnh báo của ông Trump và nhóm của ông hồi tháng 4 về việc sẽ rút khỏi tiến trình hòa bình nếu không đạt được tiến triển đã khiến Ukraine và châu Âu phải cảnh giác cao độ. Kiev đã cảnh báo rằng khả năng Mỹ rút lui khỏi nỗ lực đàm phán sẽ là điều "rất nguy hiểm".
Mối lo ngại lớn vẫn là việc Mỹ có thể ngừng hỗ trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine nếu thực sự rút lui.
"Vị thế quân sự của Ukraine khi đó sẽ xấu đi rất nhiều, và nguy cơ Ukraine phải hứng chịu thiệt hại, mất thêm nhiều lãnh thổ sẽ tăng cao", ông Lieven nhận định.
Lo ngại lớn nhất hiện nay là nếu hệ thống phòng thủ của Ukraine, vốn đã bị dàn trải, sẽ bị phá vỡ theo thời gian.
Theo giới chuyên gia, tiến trình hòa bình trong lịch sử thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và cần nhiều vòng đàm phán để chấm dứt chiến sự. Do đó, kịch bản kết thúc nhanh chóng cuộc chiến là điều khó xảy ra.
Ông Lieven cho rằng Nga có thể sẽ sẵn sàng thỏa hiệp hơn nếu như Ukraine đạt được lợi thế trên thực địa. Tuy nhiên, điều này đang đặt ra thách thức cho Kiev.
Vẫn còn "nhiều điều chưa chắc chắn" xoay quanh cuộc gặp tiềm năng giữa ông Putin và ông Zelensky tại Istanbul, trong đó có việc ông Putin liệu có xuất hiện hay không, theo ông Oleksiy Melnyk, đồng Giám đốc chính sách đối ngoại và an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Razumkov ở Kiev.
Cả hai bên "chắc chắn" đều không muốn Mỹ rút khỏi các cuộc hòa đàm. Ukraine đang điều chỉnh các mục tiêu trong chiến sự, ví dụ như việc ông Zelensky loại trừ khả năng giành lại Crimea bằng biện pháp quân sự và sẵn sàng ngừng bắn vô điều kiện.
Nga hiện cũng thể hiện thiện chí, khi tuyên bố sẵn sàng đàm phán, theo ông Melnyk.
"Ông Putin hiểu rằng nước Mỹ, hay cụ thể là Tổng thống Trump, là một nhân vật có sức nặng, đặc biệt là với phong cách ra quyết định mang tính đột phá và khó lường của ông ấy", ông Melnyk nói với Kyiv Independent.