Còn 62.739 cơ sở nhà đất công chưa có phương án sắp xếp

24/04/2025 16:30

Số cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định là 62.739 cơ sở. “Việc sắp xếp bộ máy của cả hệ thống chính trị, quản lý tài chính, tài sản làm sao chống thất thoát trong lúc sáp nhập, chuyển đổi, nhất là trụ sở tài sản công dôi dư phải chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đưa vào sử dụng cho hiệu quả...”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc lưu ý.

10 nhiệm vụ trọng tâm và 7 nhóm giải pháp

Sáng 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tính đến ngày 31/12/2024, tổng số tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã đăng nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 67.480 tài sản, với tổng nguyên giá 3,8 triệu tỷ đồng.

Còn 62.739 cơ sở nhà đất công chưa có phương án sắp xếp- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Cũng theo ông Thắng, tính đến ngày 26/12/2024, số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trong phạm vi cả nước là 205.862 cơ sở; số cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định là 62.739 cơ sở.

“Quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dẫn đến tiến độ sắp xếp còn chậm, kéo dài thời gian, số lượng các cơ sở nhà, đất của một số bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất tương đối lớn”, ông Thắng cho hay.

Về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy (tính đến ngày 30/10/2024), theo ông Thắng, tại 63 tỉnh, thành phố tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện, lũy kế đến nay, giảm 13 sở và tương đương; 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương .

Năm 2025, Chính phủ đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm và 7 nhóm giải pháp để thực hiện. Trong đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước.

Đồng thời, tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy .

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán”, ông Thắng cho hay.

Rà soát, thu hồi dự án "treo"

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, bên cạnh những ưu điểm, báo cáo cần chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực này. Từ đó phân tích nguyên nhân khách quan, vướng ở đâu, cần sửa luật không, hay chủ yếu trong khâu tổ chức thực hiện?

Theo ông Trần Quang Phương, việc xử lý cơ sở nhà đất còn chậm, cơ sở dữ liệu về đất đai còn chưa đạt tiến độ, còn lãng phí vi phạm tài nguyên đất. Dù đã có thanh tra kiểm tra, nhưng vẫn còn tồn đọng rất lớn; hay việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước , đổi mới hoạt động các công ty nông lâm trường, tiến độ cũng chậm…

Đồng tình các giải pháp Chính phủ đề ra, nhưng ông Trần Quang Phương đề nghị phải tập trung, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Còn 62.739 cơ sở nhà đất công chưa có phương án sắp xếp- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Cũng tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định quan tâm đến các dự án triển khai chậm tiến độ. Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam, thể hiện sự lãng phí và vừa rồi Tổng Bí thư phải chỉ đạo thanh tra.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, cần cụ thể hóa các giải pháp, trên cơ sở đó, rà soát lại các dự án chậm triển khai, vừa thực hành tiết kiệm, vừa chống lãng phí. Đồng thời, tháo gỡ cơ chế chính sách để dự án đi vào thực tiễn, khơi thông nguồn lực.

“Khi còn ở địa phương, tôi chỉ đạo rất rõ. Có những dự án để đấy nhiều năm, giờ thống kê hết lại, anh nào không làm thì thu hồi. Thế rồi sau đó một số dự án triển khai ngay, còn một số dự án không triển khai được thì thu hồi”, ông Định nói.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát tài sản công sử dụng không hiệu quả.

“Việc sắp xếp bộ máy của cả hệ thống chính trị, quản lý tài chính, tài sản làm sao chống thất thoát trong lúc sáp nhập, chuyển đổi, nhất là trụ sở tài sản công dôi dư phải chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực , đưa vào sử dụng cho hiệu quả. Việc này cần phải tập trung trong thời gian tới”, ông Định lưu ý.

Bạn đang đọc bài viết "Còn 62.739 cơ sở nhà đất công chưa có phương án sắp xếp" tại chuyên mục Tin tức. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.