ICC ngày 21/11 công bố lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, thủ lĩnh Hamas Mohammed Diab Ibrahim al-Masri (hay còn gọi là Mohammed Deif) "vì tội ác chiến tranh và tội chống lại loài người". Theo lệnh bắt giữ, các tội ác này được ghi nhận trong giai đoạn ít nhất từ ngày 8/10/2023 đến ngày 20/5 vừa qua.
Quyết định của ICC đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều ở phương Tây. Một số quốc gia nhấn mạnh sự tôn trọng của họ đối với vai trò độc lập của tòa án, trong khi những quốc gia khác lên tiếng ủng hộ Israel.
Hà Lan, Thụy Sĩ, Ireland, Italy, Thụy Điển, Bỉ và Na Uy đều tuyên bố sẽ thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo Quy chế Rome và luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhấn mạnh rằng ICC đã "sai" khi đặt Thủ tướng Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gallant ngang hàng với Hamas. Áo cũng cho biết họ sẽ tuân thủ quyết định của ICC, nhưng Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg thừa nhận lệnh bắt giữ này "hoàn toàn khó hiểu".
Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp phát biểu trước quốc hội nước này rằng chính quyền sẽ hành động theo lệnh bắt giữ và tránh các cuộc tiếp xúc không cần thiết với những người bị ICC nêu tên.
Geert Wilders, người đứng đầu đảng Tự do của Hà Lan, một thành viên của liên minh cầm quyền, đã lên án quyết định của ICC, nói rằng chính quyền Israel đang phải đối mặt với lệnh bắt giữ thay vì nhận được sự thông cảm và hỗ trợ của quốc tế.
Tại Pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Christophe Lemoine cho biết việc có khả năng hành động theo lệnh bắt giữ của ICC là một "vấn đề pháp lý phức tạp", trong khi thừa nhận tầm quan trọng của việc hành động theo các quyết định của ICC. Tuy nhiên, người phát ngôn từ chối nói liệu Pháp có bắt giữ ông Netanyahu hay ông Gallant nếu họ đến nước này hay không.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã lên án quyết định của ICC, nói rằng ông sẽ mời nhà lãnh đạo Israel đến Hungary. Ông Orban chỉ trích lệnh bắt giữ của ICC là "sai lầm", đồng thời cho biết Thủ tướng Netanyahu có thể tiến hành đàm phán tại Hungary "trong điều kiện an toàn đầy đủ".
"Hôm nay, tôi sẽ mời thủ tướng Israel, ông Netanyahu, đến thăm Hungary và trong lời mời đó, tôi sẽ đảm bảo với ông ấy rằng nếu ông ấy đến, phán quyết của ICC sẽ không có hiệu lực tại Hungary và chúng tôi sẽ không tuân theo nội dung của phán quyết đó", ông Orban tuyên bố.
Trong EU, Hungary và Cộng hòa Séc là những nước ủng hộ mạnh mẽ Israel, trong khi các nước như Tây Ban Nha và Ireland nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Palestine.
Phản hồi về quyết định của ICC, Bộ Ngoại giao Séc cho biết Prague sẽ tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình.
Tuy nhiên, Thủ tướng Séc Petr Fiala gọi quyết định của ICC là "đáng tiếc".
"(Động thái này) làm suy yếu thẩm quyền của ICC trong các trường hợp khác khi đánh đồng các lãnh đạo được bầu của một quốc gia dân chủ với các chỉ huy của một tổ chức Hồi giáo", thủ tướng Séc cho biết.