Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số tại các doanh nghiệp TP. Cần Thơ (*)

21/11/2024 20:30

Bài viết đề cập thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp TP. Cần Thơ, qua đó, đề xuất một số giải pháp khắc phục các khó khăn nhằm đẩy mạnh hoạt động này trong doanh nghiệp tại Thành phố trong thời gian tới.

Lưu Tiến Thuận

Nguyễn Thị Tâm

Nguyễn Thu Nha Trang

Email: ltthuan@ctu.edu.vn

Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ

Tóm tắt

Cần Thơ là thành phố có vị trí và vai trò quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong việc đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số (CĐS). Bài viết tập trung phân tích thực trạng CĐS tại các doanh nghiệp TP. Cần Thơ, đồng thời, chỉ ra các thuận lợi và khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình này (bao gồm các vấn đề về: công nghệ, nguồn nhân lực, tài chính và nhận thức của doanh nghiệp). Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp khắc phục các khó khăn nhằm đẩy mạnh hoạt động CĐS trong doanh nghiệp tại Thành phố trong thời gian tới.

Từ khóa: chuyển đổi số, doanh nghiệp, thành phố Cần Thơ

Summary

Can Tho is a city with a crucial position and role in the Mekong Delta region in promoting digital transformation activities. The article focuses on analyzing the current status of digital transformation in enterprises in Can Tho City, at the same time, pointing out the advantages, difficulties, and challenges that enterprises encounter in this process (including issues related to technology, human resources, finance, and business awareness). From the research results, the authors propose several solutions to overcome difficulties to promote digital transformation activities in enterprises in the City in the coming time.

Keywords: digital transformation, enterprises, Can Tho City

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, CĐS là một trong những điều kiện thiết yếu để gia tăng vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường, đáp ứng sự thay đổi của môi trường bên ngoài và của khách hàng. CĐS cũng phản ánh quá trình tái cấu trúc các hoạt động của doanh nghiệp theo hướng số hóa. Quá trình này không đơn thuần là sự kết hợp các công nghệ mới hoặc nâng cấp công nghệ đã sử dụng, mà là tạo ra một sự thay đổi thực sự trong mô hình kinh doanh (Mansour Naser Alrajal và cộng sự, 2021).

Nhận thức được tầm quan trọng của việc CĐS đối với tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT, ngày 07/01/2021 về “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025”. Chương trình CĐS quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. CĐS không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới cho các doanh nghiệp ngoài các giá trị truyền thống vốn có.

Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy CĐS và phát triển vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu về CĐS ở các doanh nghiệp thuộc Thành phố. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng CĐS của các doanh nghiệp tại địa phương là vấn đề rất cần thiết, qua đó, xác định và nhận diện các thuận lợi, khó khăn trong quá trình này để có các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh việc CĐS của các doanh nghiệp địa phương trong thời gian tới.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý luận

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. CĐS giúp tạo ra nhiều cơ hội, doanh thu và giá trị mới cho người sử dụng, khách hàng, đối tác và xã hội và là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn với các cấp độ khác nhau.

Theo Bouee và Schaible (2015), CĐS bao gồm 3 giai đoạn: số hóa thông tin, số hóa quy trình và số hóa toàn diện, cụ thể như sau:

- Giai đoạn 1: Số hóa thông tin là việc chuyển đổi dữ liệu từ dạng vậy lý sang dạng kỹ thuật số. Ở mức độ cơ bản và gần gũi với hoạt động doanh nghiệp, điều này có thể được hiểu là các hoạt động scan tài liệu, thông tin dạng giấy sang lưu trữ ở dạng file điện tử, như: excel, PDF và lưu trữ trong hệ thống máy tính của công ty. Ở giai đoạn này, dữ liệu tại đơn vị bước đầu được tập hợp và lưu trữ tập trung. Nhờ vậy, đơn vị có thể hình dung cơ bản về các dữ liệu hiện có, có thể tra cứu lại dễ dàng hơn và tránh được các mất mát vật lý.

- Giai đoạn 2: Số hóa quy trình là việc áp dụng công nghệ để tự động hóa quy trình hiện tại. Các hoạt động trong giai đoạn này giúp giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể sử dụng các thông tin đã được chuyển sang dạng điện tử để phân tích và đưa ra các cải tiến hoặc thay đổi quy trình vận hành hiện tại. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể khai thác khá nhiều công nghệ khác phục vụ cho các hoạt động vận hành, kinh doanh.

- Giai đoạn 3: Số hóa toàn diện hay còn gọi là CĐS là sự thay đổi mang tính căn bản về công nghệ và tâm lý. Điều này tạo ra sự đột phá và chuyển đổi quy trình bên trong và bên ngoài doanh nghiệp và xã hội. CĐS mang lại lợi ích đồng thời cho cả doanh nghiệp, các đối tác và khách hàng. Để thực hiện được các thay đổi mang tính đột phá này, CĐS đã tác động toàn diện tới các lĩnh vực kinh doanh, công nghệ và con người. Một chiến lược CĐS thành công được bắt đầu từ sự thống nhất về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xem việc sử dụng công nghệ như một sự hỗ trợ đắc lực cho việc hiện thực hóa chiến lược kinh doanh, đồng thời, tác động đến văn hóa tổ chức công ty, mục đích là nhằm hướng đến việc kiến tạo một tổ chức đồng thuận và có chung hiểu biết về CĐS.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết được thực hiện dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính. Các số liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn được công bố trên các website chính thống của các cơ quan quản lý và từ cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế (kết xuất từ phần mềm quản lý thuế IBM). Dựa vào các số liệu thứ cấp thu thập được, nhóm tác giả tiến hành phân tích thực trạng về CĐS của các doanh nghiệp ở TP. Cần Thơ, cũng như những kế hoạch định hướng hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước; từ đó, xác định những thuận lợi và khó khăn và đề xuất các giải pháp giúp quá trình CĐS của các doanh nghiệp đạt được kết quả như mong đợi.

THỰC TRẠNG CĐS CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TP. CẦN THƠ

Cần Thơ là địa bàn có vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy CĐS và phát triển vùng ĐBSCL, do đó, Thành phố được Chính phủ đặc biệt quan tâm có các chính sách và ban hành khung khổ pháp lý để hỗ trợ đẩy mạnh quá trình CĐS, tạo tiền đề thúc đẩy CĐS cho toàn Vùng. Cụ thể, ngày 09/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg về việc thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung TP. Cần Thơ. Đồng thời, Thành phố cũng đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp lý để tạo khung khổ cho việc triển khai các chủ trương, giải pháp thực hiện quá trình CĐS trên địa bàn, cụ thể như: Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/8/2021 của Thành ủy TP. Cần Thơ về chuyển đổi số tại TP. Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 241/KH-UBND, ngày 30/11/2021 của UBND Thành phố về chuyển đổi số TP. Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3978/QÐ-UBND, ngày 20/12/2021 về ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung TP. Cần Thơ; Kế hoạch số 49/KH-UBND, ngày 07/3/2022 về chuyển đổi số năm 2022 trên địa bàn TP. Cần Thơ; Kế hoạch số 139/KH-UBND, ngày 22/6/2022 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn TP. Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 38/KH-UBND, ngày 21/02/2023 về CĐS năm 2023 trên địa bàn TP. Cần Thơ. Đây được coi là cơ sở pháp lý và chính sách quan trọng để TP. Cần Thơ tiến hành CĐS cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, cung như các tổ chức, đơn vị và các doanh nghiệp ở TP. Cần Thơ.

Theo số liệu kết xuất từ hệ thống quản lý thuế tập trung, TP. Cần Thơ có khoảng 12.674 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều nhất là các doanh nghiệp tập trung hoạt động ở quận Ninh Kiều (5.879 doanh nghiệp), kế đó là các quận/huyện Cái Răng (2.466 doanh nghiệp), Bình Thủy (2.213 doanh nghiệp), Ô Môn (511 doanh nghiệp), Thốt Nốt (608 doanh nghiệp); Phong Điền (289 doanh nghiệp), Thới Lai (266 doanh nghiệp), Cờ Đỏ (261 doanh nghiệp), Vĩnh Thạnh (181 doanh nghiệp). Số liệu tổng hợp cho thấy, doanh nghiệp kinh doanh thương mại chiếm tỷ trọng cao nhất là 42% (khoảng 5.272 doanh nghiệp), dịch vụ (37%) (khoảng 4.640 doanh nghiệp), còn lại là sản xuất, xây dựng và loại hình khác chiếm 22% (khoảng 2.762 doanh nghiệp).

Theo số liệu Tổng cục Thuế kết xuất từ hệ thống IBM, tính đến nay, có 100% doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử và sử dụng chữ ký số để nộp thuế, kê khai thuế qua mạng. Các doanh nghiệp này đa số đang ở giai đoạn 1 của CĐS - số hóa thông tin. Bên cạnh đó, có khoảng 650 doanh nghiệp đăng ký bán hàng trên các sàn giao dịch trực tuyến TMĐT (Bảng). Các doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ đã nhận thức và ứng dụng công nghệ số vào các khâu, như: quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán. Tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc: quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ… Các doanh nghiệp này đang bước vào giai đoạn 2 của chuyển đổi số - số hóa quy trình.

Bảng: Doanh nghiệp đăng ký bán hàng thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn TP. Cần Thơ

STT

Quận/huyện

Số lượng doanh nghiệp đăng ký

1

Ninh Kiều

431

2

Cái Răng

127

3

Bình Thủy

63

4

Thốt Nốt

12

5

Ô Môn

7

6

Phong Điền

6

7

Thới Lai

2

8

Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh

2

Tổng cộng

650

Nguồn: Kết xuất từ phần mềm quản lý thuế IBM (2023)

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp sử dụng nhất. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình. Phần lớn các doanh nghiệp đều nhận định, CĐS giúp giảm chi phí, hạn chế giấy tờ, giúp doanh nghiệp nâng thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng trong việc triển khai thực hiện, cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của CĐS đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh, cũng như có sự tin tưởng hơn vào hiệu quả của CĐS.

NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

Thuận lợi

Một số thuận lợi cho quá trình CĐS của các doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ có thể thấy như sau:

Thứ nhất, chính quyền Thành phố rất quan tâm đến việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình CĐS. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến các doanh nghiệp thực hiện đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) với Bộ Công Thương, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng TMĐT và tham gia các sàn giao dịch trực tuyến, như: Tiki, Lazada, Voso, Sendo, Shopee, Postmart.vn…; Hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa; Thúc đẩy phát triển kỹ thuật số ứng dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh và hộ dân nhằm đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT. Ngoài ra, Thành phố đã phối hợp mời các doanh nghiệp tham dự các sự kiện hội nghị, hội thảo quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong xúc tiến xuất khẩu, kết hợp tổ chức giao lưu trực tuyến trên nền tảng số nhằm giúp doanh nghiệp có thêm các đầu mối khách hàng quốc tế. Kết quả có 650 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã đăng ký bán hàng trên các sàn giao dịch trực tuyến như: Tiki, Lazada, Sendo, Shopee...

Thứ hai, về mặt chính sách hỗ trợ, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-UBND, ngày 15/4/2022 phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực quản trị doanh nghiệp, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Từ đó đẩy mạnh phát triển công nghệ số và CĐS theo chủ chương của Thành phố. Đặc biệt, Thành phố đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng sàn TMĐT với trang web chonongsancantho.vn và xây dựng Cổng Thông tin TMĐT Sở Công Thương Cần Thơ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh tham gia giao dịch và kết nối với các đối tác trên sàn TMĐT.

Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi, thì các doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ cũng gặp những thách thức từ hoạt động chuyển đổi số, cụ thể như sau:

Một là, là trở ngại từ công nghệ. CĐS chính là việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện trong thời đại bùng nổ về công nghệ trên nền tảng của hệ thống internet, do đó, đòi hỏi trình độ cao cả về kỹ thuật, cũng như nhân lực. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở TP. Cần Thơ đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn thiếu và yếu về trình độ công nghệ, chưa làm chủ được các công nghệ lõi của CĐS và các hệ thống nền tảng cơ bản, phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng các công nghệ sẵn có trên thế giới. Mặc dù đã có những nhận thức về sự cần thiết của CĐS, tuy nhiên, do khả năng hạn chế, mức độ tự động hóa còn chưa cao, nên phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố gặp nhiều khó khăn trong quá trình CĐS.

Hai, khó khăn về nguồn nhân lực. CĐS đòi hỏi cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai các nghiệp vụ và quy trình số hoá trong quá trình CĐS và đó cũng là điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn.

Ba, khó khăn về vốn đầu tư. Đầu tư cho CĐS là đầu tư để thay đổi từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ; vì vậy, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy vậy, việc phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, trong khi chưa hoàn toàn chắc chắn về hiệu quả, cũng như đối mặt với nguy cơ thất bại, đã tạo rào cản lớn với các doanh nghiệp.

Bốn là, thách thức từ nhận thức của doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng CĐS là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp lớn, nên vẫn chưa thực sự có sự quan tâm đúng mức tới vấn đề quan trọng này.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHUYẾN NGHỊ

Về phía cơ quan nhà nước

Một là, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch CĐS theo Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/8/2021 và Kế hoạch số 241/KH-UBND, ngày 30/11/2021 của UBND Thành phố về CĐS số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, bảo đảm tạo điều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên nhiều phương tiện khác nhau; sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để đưa ra chính sách chính xác, kịp thời; cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng và bảo đảm an toàn thông tin mạng, từ đó, hỗ trợ đổi mới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân trong môi trường số an toàn. Có chính sách phối hợp cùng phía các ngân hàng có những chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào quá trình CĐS.

Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách hành chính theo hướng số hoá, nâng cao chất lượng toàn diện triển khai cải cách hành chính theo hướng số hóa tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn Thành phố, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay. Trong đó, chú trọng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo phương châm hành động và phục vụ theo Quyết định số 4168/QĐ-UBND, ngày 27/12/2021 của UBND Thành phố về kế hoạch cải cách hành chính TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2025.

Ba là, xây dựng tài liệu hướng dẫn về CĐS giúp doanh nghiệp nắm được lộ trình, phương pháp thực hiện và các giải pháp phục vụ cho CĐS; tập huấn cho các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng tham gia CĐS; xây dựng mạng lưới tư vấn CĐS cho các doanh nghiệp nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình CĐS quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh doanh, từng địa phương.

Bốn là, Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ sớm hoàn thiện kế hoạch CĐS; theo dõi, đôn đốc, phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai thực hiện kế hoạch này. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; các nền tảng công nghệ thông tin quan trọng để thực hiện CĐS, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông để tạo nền tảng cho phát triển xã hội số.

Năm là, Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu xây dựng và triển khai Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện CĐS.

Về phía các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp tại Thành phố nên tận dụng tối đa các ưu thế của các yếu tố vĩ mô mang lại và khắc chế các bất lợi, cần đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức và tiến hành đổi mới theo xu hướng CĐS và kinh doanh có hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần mạnh dạn đầu tư vào công nghệ số với sự tham vấn của các chuyên gia và các đơn vị chuyên nghiệp. Việc tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh TNĐT trong nước hoặc các doanh nghiệp ngoài nước mạnh về công nghệ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới và tiếp cận tri thức, công nghệ mới. Doanh nghiệp thực hiện CĐS cần có bước đi, có lộ trình, tránh hình thức, nóng vội; tập trung CĐS vào khâu tạo ra đột phá và mang lại giá trị mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là khâu sản xuất.

Doanh nghiệp cần liên kết với các viện, trường, cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố để đào tạo cho nhân viên nâng cao trình độ công nghệ, bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao, tái cấu trúc tổ chức và quy trình nội bộ để từng bước áp dụng CĐS cho toàn doanh nghiệp.

CĐS sẽ tác động tới toàn bộ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra nhiều áp lực cho các nhà quản trị ngay từ vấn đề nhận thức, nguồn tài chính cho đến việc tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của đông đảo người lao động tại doanh nghiệp, về tính hiệu quả của CĐS... Do đó, CĐS phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức và tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp cho đến các cấp quản lý và nhân viên, từ sự chuyển đổi chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả.

Ngoài ra, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và chủ động tìm kiếm các giải pháp tiếp cận nguồn vốn, trong đó có đề xuất hỗ trợ vay vốn theo chương trình ưu đãi của Chính phủ là những lựa chọn giúp doanh nghiệp huy động vốn để đầu tư vào CĐS./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch Đầu tư (2021), Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT, ngày 07/01/2021 về “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

2. Bouee C., and S. Schaible (2015), Die digitale Transformation der Industrie. Studie: Roland Berger und BDI.

3. Cục phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp: Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số.

4. Cục Tin học hoá - Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Chuyển đổi số là gì? - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, truy cập từ https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-la-gi/.

5. Mansour Naser Alraja, Muawya Ahmed Hussein, Hanaa Mahmoud Sid Ahmed (2021), What affects digitalization process in developing economies? An evidence from SMEs sector in Oman, Bulletin of Electrical Engineering and Informatics, 10(1), 441-448.

6. Thành ủy Cần Thơ (2021), Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/8/2021 về chuyển đổi số TPCT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

7. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 895/QĐ-TTg, ngày 09/6/2021 về việc thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ.

8. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

9. UBND TP. Cần Thơ (2021a), Kế hoạch số 241/KH-UBND, ngày 30/11/2021 về chuyển đổi số TPCT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

10. UBND TP. Cần Thơ (2021b), Quyết định số 3978/QÐ-UBND, ngày 20/12/2021 về ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung TP. Cần Thơ.

(*) Đề tài này được tài trợ bởi Trường Đại học Cần Thơ, Mã số: B2023-TCT-20

Ngày nhận bài: 20/9/2024; Ngày phản biện: 18/10/2024; Ngày duyệt đăng: 21/11/2024

Bạn đang đọc bài viết "Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số tại các doanh nghiệp TP. Cần Thơ (*)" tại chuyên mục Diễn đàn khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.