Trần Nguyễn Tường Vy
Sinh viên Khoa Tài chính – Trường Kinh tế Luật, Trường Đại học Trà Vinh
Email: vyvy22042003@gmail.com
ThS. Lê Trung Hiếu
Giảng viên Khoa Tài chính – Trường Kinh tế Luật, Trường Đại học Trà Vinh
Email: letrunghieutvu@tvu.edu.vn
Tóm tắt
Thông qua kết quả khảo sát đối với 255 khách hàng cá nhân đã, đang và có quan tâm đến sản phẩm cho vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Trà Vinh, nghiên cứu nhằm phân tích các yếu tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố có ảnh hưởng tích cực tới Quyết định vay vốn của khách hàng, đó là: Thủ tục vay vốn; Chất lượng dịch vụ; Sự thuận tiện; Quan hệ xã hội; Lãi suất chi phí; Thương hiệu ngân hàng; Phong cách phục vụ của nhân viên. Trong khi đó, Lãi suất chi phí có tác động tiêu cực tới Quyết định vay vốn của khách hàng.
Từ khoá: quyết định vay vốn cá nhân, Agribank, thủ tục vay vốn, hành vi tài chính, chất lượng dịch vụ ngân hàng
Summary
By surveying 255 customers interested in loan products at the Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development (Agribank) Tra Vinh Branch, the study aims to analyze the factors affecting the borrowing decisions of individual customers at Agribank Tra Vinh Branch. The research results show 6 factors that positively impact customers' borrowing decisions: Loan procedures; Service quality; Convenience; Social relations; Interest rates; Bank brand; and Service style of employees. Meanwhile, Interest rates negatively impact customers' borrowing decisions.
Keywords: Individual borrowing decision, Agribank, loan procedures, financial behavior, banking service quality
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh phát triển kinh tế nông thôn và hiện đại hóa hệ thống tài chính, vai trò của tín dụng ngân hàng trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống của người dân ngày càng trở nên quan trọng. Agribank là ngân hàng thương mại nhà nước có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, chiếm hơn 50% thị phần tín dụng nông thôn, với sứ mệnh cung cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Riêng Agribank Chi nhánh Trà Vinh đã giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng vốn vay cho khách hàng cá nhân trong năm 2023, hỗ trợ nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân địa phương (Agribank Chi nhánh Trà Vinh, 2024).
Tuy nhiên, quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu tài chính mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, tâm lý và thể chế. Các yếu tố này bao gồm mức thu nhập, sự thuận tiện trong quy trình vay, chất lượng dịch vụ, uy tín của ngân hàng, và các yếu tố tâm lý như niềm tin và nhận thức rủi ro (Nguyen và cộng sự, 2020). Đặc biệt, tại khu vực nông thôn như Trà Vinh, các đặc thù về kinh tế xã hội như thu nhập theo mùa và mức độ tiếp cận thông tin tài chính đã tạo nên sự khác biệt đáng kể trong hành vi vay vốn của khách hàng (Le và Tran, 2021).
Nghiên cứu về các nhân tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại chi nhánh Agribank Trà Vinh mang ý nghĩa thực tiễn và học thuật quan trọng. Về mặt thực tiễn, nghiên cứu này sẽ cung cấp cơ sở để Agribank cải thiện các chính sách tín dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ, và thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng địa phương. Về mặt học thuật, nghiên cứu góp phần bổ sung vào tài liệu nghiên cứu về hành vi tài chính tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nông thôn, nơi các yếu tố ảnh hưởng có thể khác biệt đáng kể so với khu vực đô thị (Kaswoto, 2017; Hendranastiti và cộng sự, 2020). Do đó, đề tài này không chỉ mang tính thời sự mà còn có giá trị lâu dài trong việc hỗ trợ ngân hàng và các nhà hoạch định chính sách phát triển các chiến lược tài chính toàn diện, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Trà Vinh.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Theo Luật Các tổ chức tín dụng (2024), “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi”.
Vay vốn cá nhân thường được sử dụng để phục vụ mục đích kinh doanh nhỏ lẻ hoặc tiêu dùng, chẳng hạn như: mua sắm, đầu tư giáo dục, hay cải thiện đời sống. Đặc điểm vay vốn cá nhân là quy mô nhỏ, nhưng số lượng lớn, thủ tục vay thường đơn giản và nhanh chóng hơn so với vay doanh nghiệp (Nguyen và cộng sự, 2020).
Các lý thuyết nền tảng trong nghiên cứu bao gồm: lý thuyết Hành động hợp lý (TRA), lý thuyết Hành vi có hoạch định (TPB) và lý thuyết Chi phí giao dịch (TCE). Theo Ajzen và Fishbein (1980), lý thuyết hành động hợp lý cho rằng, hành vi của cá nhân được quyết định bởi ý định thực hiện hành vi đó, và ý định này bị ảnh hưởng bởi thái độ cá nhân và các chuẩn mực xã hội. Trong bối cảnh vay vốn, ý định vay chịu tác động từ thái độ đối với ngân hàng và môi trường xã hội xung quanh. Lý thuyết Hành vi có hoạch định (TPB) mở rộng TRA bằng cách bổ sung yếu tố nhận thức kiểm soát hành vi, tức là khả năng kiểm soát nguồn lực và cơ hội để thực hiện hành vi vay vốn (Ajzen, 1991). Ngoài ra, lý thuyết Chi phí giao dịch (TCE) của Williamson (1981) nhấn mạnh, việc giảm thiểu các chi phí liên quan đến giao dịch, như chi phí thủ tục, phí lãi suất và thời gian xử lý, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng.
Các yếu tố tác động đến quyết định vay vốn bao gồm thủ tục vay vốn, chất lượng dịch vụ, sự thuận tiện, quan hệ xã hội, lãi suất và chi phí vay vốn, thương hiệu ngân hàng, và phong cách phục vụ. Thủ tục vay vốn liên quan đến các quy trình và giấy tờ cần thiết mà khách hàng phải hoàn thành để được xét duyệt khoản vay. Theo lý thuyết Chi phí giao dịch (TCE), việc đơn giản hóa và giảm chi phí thủ tục có thể khuyến khích khách hàng tham gia giao dịch tài chính (Williamson, 1981). Chất lượng dịch vụ, bao gồm: thái độ phục vụ, tốc độ xử lý giao dịch, và mức độ hỗ trợ từ ngân hàng, có ảnh hưởng mạnh đến ý định vay vốn của khách hàng, phù hợp với lý thuyết hành động hợp lý (Ajzen và Fishbein, 1980). Sự thuận tiện, như thời gian xử lý nhanh chóng, địa điểm giao dịch thuận lợi, và hỗ trợ từ các dịch vụ trực tuyến, giúp giảm áp lực tâm lý và tăng khả năng quyết định vay vốn (S. Bharat và cộng sự, 2021). Quan hệ xã hội, bao gồm sự tác động từ bạn bè, gia đình và các mối quan hệ khác, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình ý định và hành vi tài chính của khách hàng, theo lý thuyết hành vi có hoạch định (Ajzen, 1991).
Lãi suất và chi phí vay vốn là những yếu tố quan trọng khác, khi mức lãi suất thấp và chi phí hợp lý khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ, trong khi lãi suất cao có thể gây cảm giác rủi ro, cản trở quyết định vay vốn (Poddar và cộng sự, 2020; Hendranastiti và cộng sự, 2020). Thương hiệu ngân hàng, thể hiện qua uy tín và hình ảnh, tác động mạnh mẽ đến lòng tin và hành vi sử dụng dịch vụ của khách hàng, theo lý thuyết hành vi người tiêu dùng của Kotler (1999). Cuối cùng, phong cách phục vụ, bao gồm thái độ, kỹ năng giao tiếp, và sự tận tâm của nhân viên, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng trung thành của khách hàng, theo nghiên cứu của Agustina và cộng sự (2020).
Giả thuyết nghiên cứu đề xuất
Thủ tục vay vốn đơn giản, minh bạch và nhanh chóng giúp giảm chi phí thời gian và công sức, qua đó tăng ý định vay vốn của khách hàng (Williamson, 1981). Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:
H1: Thủ tục vay vốn (X1) có tác động tích cực đến Quyết định vay vốn.
Chất lượng dịch vụ, bao gồm thái độ phục vụ và mức độ hỗ trợ của ngân hàng, thúc đẩy ý định vay vốn nhờ tạo sự hài lòng và lòng tin của khách hàng (Ajzen và Fishbein, 1980). Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:
H2: Chất lượng dịch vụ (X2) có tác động tích cực đến Quyết định vay vốn.
Sự thuận tiện trong dịch vụ, như thời gian xử lý nhanh chóng và hỗ trợ trực tuyến, giúp giảm rào cản và thúc đẩy quyết định vay vốn (Rogers, 1962). Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:
H3: Sự thuận tiện (X3) có tác động tích cực đến Quyết định vay vốn.
Quan hệ xã hội từ bạn bè và gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc định hình ý định vay vốn, đặc biệt ở các cộng đồng nông thôn (Ajzen, 1991). Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:
H4: Quan hệ xã hội (X4) có tác động tích cực đến Quyết định vay vốn.
Lãi suất thấp và chi phí hợp lý khuyến khích vay vốn, trong khi lãi suất cao tạo cảm giác rủi ro, gây cản trở quyết định vay vốn (Poddar và cộng sự, 2020; Hendranastiti và cộng sự, 2020). Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:
H5: Lãi suất, chi phí vay vốn (X5) có tác động ngược chiều đến Quyết định vay vốn.
Thương hiệu uy tín giúp củng cố lòng tin của khách hàng, tạo sự yên tâm và thúc đẩy hành vi vay vốn (Kotler, 1999). Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:
H6: Thương hiệu ngân hàng (X6) có tác động tích cực đến Quyết định vay vốn.
Phong cách phục vụ chuyên nghiệp và tận tâm làm tăng sự hài lòng và lòng trung thành, từ đó thúc đẩy hành vi vay vốn của khách hàng (Agustina và cộng sự, 2020). Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:
H7: Phong cách phục vụ (X7) có tác động tích cực đến Quyết định vay vốn.
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Để kiểm tra tác động của các biến độc lập lên biến phụ thuộc, mô hình hồi quy tuyến tính bội được đề xuất như sau:
Y = β0 + β1*X1 + β2*X2 + β3*X3 + β4*X4 + β5*X5 + β6*X6 + β7*X7 + €
Trong đó:
Y: Quyết định vay vốn của khách hàng
β0: Hệ số chặn
β1, β2,…β7: Hệ số hồi quy của các biến độc lập
ϵ: Sai số ngẫu nhiên.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp hỗn hợp, trong đó nghiên cứu định lượng là chủ lực nhằm xác định và phân tích các nhân tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Chi nhánh Trà Vinh. Phương pháp điều tra ngẫu nhiên được áp dụng để thu thập dữ liệu của 255 khách hàng cá nhân đã, đang và có quan tâm đến sản phẩm cho vay tại Agribank Chi nhánh Trà Vinh. Thời gian khảo sát được tiến hành trong tháng 10/2024.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả Cronbach’s Alpha của thang đo các nhân tố tác động đến Quyết định vay vốn khách hàng cá nhân tại Agribank Chi nhánh Trà Vinh ở Bảng 1 cho thấy, các biến đều có hệ số tương quan biến - tổng đều > 0,3 và đạt tiêu chuẩn chọn. Các thang đo đều hệ số Cronbach’s Alpha > 0,6, như vậy, tất cả các biến đo lường đều được sử dụng trong phân tích nhân tố khám phá (EFA) kế tiếp.
Bảng 1: Tóm tắt kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha mô hình nghiên cứu
Nguồn: Kết quả phân tích SPSS, 2024 |
Bảng 2: Kết quả kiểm định KMO và Barlett của các biến độc lập
Nguồn: Kết quả phân tích SPSS, 2024 |
Bảng 2 cho thấy, hệ số KMO = 0,812 > 0,5 và hệ số Barlett = 0,000
Bảng 3: Kiểm định KMO và Barlett của biến phụ thuộc
Nguồn: Kết quả phân tích SPSS, 2024 |
Kết quả ở Bảng 3 cho thấy, hệ số KMO = 0,779, phản ánh mức độ phù hợp tốt của dữ liệu để thực hiện phân tích EFA. Theo cơ sở lý thuyết, hệ số KMO > 0,7 được coi là tiêu chuẩn chấp nhận tốt, cho thấy rằng các biến trong mô hình có mối liên hệ đủ chặt chẽ để nhóm lại thành các nhân tố chính. Kết quả này củng cố giả thuyết rằng, các yếu tố nghiên cứu đã được lựa chọn hợp lý và có khả năng đóng góp vào việc giải thích hành vi vay vốn của khách hàng cá nhân.
Kiểm định Bartlett có giá trị 919,429 với Sig. = 0,000, chứng minh rằng ma trận tương quan giữa các biến không phải là ma trận đơn vị, tức là các biến có mối tương quan đáng kể với nhau. Theo lý thuyết, kết quả này xác nhận rằng, dữ liệu có đủ sự tương quan để tiếp tục phân tích nhân tố, từ đó giúp nhận diện các nhóm biến tiềm ẩn có ý nghĩa trong việc giải thích mô hình nghiên cứu.
Kết quả phù hợp với lý thuyết về phân tích EFA, khẳng định rằng các biến được lựa chọn không chỉ phù hợp về mặt lý thuyết mà còn có mối quan hệ thực tiễn trong dữ liệu thu thập. Điều này tạo tiền đề quan trọng cho việc xác định các nhóm nhân tố chính, hỗ trợ kiểm định mô hình nghiên cứu và giải thích sâu hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến Quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Chi nhánh Trà Vinh.
Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính đa biến
Bảng 4: Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính đa biến
Nguồn: Kết quả phân tích SPSS, 2024 |
Kết quả phân tích hồi quy ở Bảng 4 cho thấy, tác động của các yếu tố đến Quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Chi nhánh Trà Vinh, đồng thời củng cố các giả thuyết trong phần cơ sở lý thuyết. Đầu tiên, biến Quan hệ xã hội được xác định là yếu tố có tác động mạnh nhất với hệ số chuẩn hóa Beta là 0,284. Điều này phù hợp với lý thuyết hành vi có hoạch định (TPB), nhấn mạnh vai trò của các mối quan hệ gia đình, bạn bè và cộng đồng trong việc thúc đẩy quyết định vay vốn, đặc biệt tại khu vực nông thôn nơi tính cộng đồng cao. Tiếp theo, biến Sự thuận tiện có ảnh hưởng mạnh thứ hai (Beta = 0,273), cho thấy rằng khả năng tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính, bao gồm thời gian xử lý nhanh chóng và sự hỗ trợ trực tuyến hiệu quả, đóng vai trò then chốt trong việc gia tăng sự hài lòng và ý định vay vốn của khách hàng. Kết quả này hoàn toàn tương đồng với cơ sở lý thuyết, trong đó nhấn mạnh rằng sự thuận tiện là một yếu tố quan trọng đối với khách hàng tại các khu vực có điều kiện tiếp cận tài chính hạn chế.
Biến Thủ tục vay vốn cũng cho thấy, tác động đáng kể (Beta = 0,262), khẳng định rằng, các quy trình minh bạch, đơn giản và hiệu quả sẽ thúc đẩy khách hàng tiếp cận tín dụng. Kết quả này hỗ trợ lý thuyết chi phí giao dịch (TCE), cho rằng việc giảm thiểu chi phí và rào cản thủ tục là yếu tố quan trọng để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, biến Chất lượng dịch vụ (Beta = 0,236) được xác định là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng, điều này phù hợp với lý thuyết hành động hợp lý (TRA) và các nghiên cứu trước đây nhấn mạnh vai trò của chất lượng phục vụ trong ngành ngân hàng.
Mặc dù biến Phong cách phục vụ (Beta = 0,127) và biến Thương hiệu ngân hàng (Beta = 0,112) có mức độ ảnh hưởng thấp hơn so với các yếu tố khác, nhưng vẫn có ý nghĩa thống kê, cho thấy rằng sự tận tâm, chuyên nghiệp của nhân viên ngân hàng và uy tín thương hiệu đều đóng góp vào việc nâng cao ý định vay vốn của khách hàng.
Trong khi đó, biến Lãi suất, chi phí vay vốn có tác động ngược chiều đến quyết định vay vốn (Beta = -0,099) cho thấy, lãi suất cao và chi phí vay vốn lớn tạo cảm giác rủi ro, cản trở hành vi vay vốn, điều này hoàn toàn tương thích với các lý thuyết và nghiên cứu trước đây.
KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố có ảnh hưởng tích cực tới Quyết định vay vốn của khách hàng, đó là: Thủ tục vay vốn; Chất lượng dịch vụ; Sự thuận tiện; Quan hệ xã hội; Lãi suất chi phí; Thương hiệu ngân hàng; Phong cách phục vụ của nhân viên. Trong khi đó, Lãi suất chi phí có tác động tiêu cực tới Quyết định vay vốn của khách hàng.
Một số giải pháp
Nhằm cải thiện hiệu quả dịch vụ và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng tại Agribank Chi nhánh Trà Vinh, các giải pháp được đề xuất như sau:
Một là, cải thiện thủ tục vay vốn. Theo đó, Agribank cần đơn giản hóa quy trình thủ tục, giảm thiểu các bước không cần thiết và tăng tính minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ vay. Ngân hàng có thể áp dụng công nghệ số hóa để tự động hóa một số bước trong quy trình, chẳng hạn như: nộp hồ sơ trực tuyến hoặc kiểm tra trước điều kiện vay qua ứng dụng di động. Ngoài ra, cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết và dễ hiểu để khách hàng dễ dàng chuẩn bị các giấy tờ cần thiết.
Hai là, nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo đó, Agribank nên tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề và tư vấn tài chính. Việc xây dựng một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, thân thiện và tận tâm sẽ góp phần tăng sự hài lòng và lòng tin của khách hàng. Ngoài ra, cần thường xuyên khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng để kịp thời điều chỉnh các dịch vụ chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Ba là, tăng cường sự thuận tiện. Agribank nên mở rộng mạng lưới chi nhánh hoặc các điểm giao dịch tại khu vực nông thôn để khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng ngân hàng số để khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Việc triển khai hệ thống đặt lịch hẹn trực tuyến hoặc dịch vụ tư vấn qua điện thoại sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và giảm áp lực trong quá trình vay vốn.
Bốn là, xây dựng mối quan hệ xã hội tích cực. Agribank có thể tận dụng các mối quan hệ cộng đồng để lan tỏa uy tín và chất lượng dịch vụ của mình. Việc tổ chức các buổi hội thảo tài chính tại địa phương hoặc xây dựng các chương trình kết nối với các tổ chức xã hội, đoàn thể sẽ giúp ngân hàng tăng cường mối quan hệ với cộng đồng và thu hút thêm khách hàng tiềm năng.
Năm là, điều chỉnh lãi suất và chi phí vay. Để giảm cảm giác rủi ro cho khách hàng, Agribank cần duy trì mức lãi suất cạnh tranh, đồng thời công khai minh bạch các khoản phí liên quan để tránh hiểu nhầm. Ngân hàng cũng có thể xem xét triển khai các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp cho những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt hoặc các đối tượng ưu tiên, như: nông dân, hộ gia đình sản xuất nhỏ.
Sáu là, tăng cường xây dựng thương hiệu. Do đó, Agribank cần đầu tư vào các chiến dịch quảng bá hình ảnh, nhấn mạnh uy tín và năng lực tài chính của ngân hàng. Việc truyền thông về các thành tựu, giải thưởng và sự đóng góp của ngân hàng vào sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp tăng niềm tin của khách hàng. Ngoài ra, cần chủ động phản hồi các phản ánh tiêu cực từ khách hàng để duy trì hình ảnh thương hiệu tích cực.
Bảy là, cải thiện phong cách phục vụ. Agribank cần tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, đồng thời khuyến khích nhân viên phát huy tinh thần phục vụ tận tâm và chu đáo. Việc triển khai các chương trình khen thưởng định kỳ cho những nhân viên có thành tích xuất sắc sẽ tạo động lực cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Agribank Chi nhánh Trà Vinh (2024), Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, ngày 24/01/2024.
2. Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179–211.
3. Ajzen, I., Fishbein, M. (1980), Understanding attitudes and predicting social behavior, Prentice-Hall.
4. Agustina, M., Hendranastiti, N. D., Rofiq, A. (2020), Trust and perceived risk in financial decision-making, International Journal of Rural Banking, 30(3).
5. Kotler, P. (1999), Consumer behavior and marketing strategy, Prentice-Hall.
6. Kaswoto, J. (2017), Socioeconomic impacts on borrowing decisions in rural contexts, Asian Banking Review, 20(3).
7. Le, T., Tran, N. (2021), Cultural and economic influences on financial behavior in Vietnam, Vietnam Journal of Economics, 24(2).
8. Quốc hội (2024), Luật Các tổ chức tín dụng, số 32/2024/QH15.
9. Nguyen, T. A., Pham, M. H., Do, T. L. (2020), Factors influencing rural borrowing in developing economies, Journal of Financial Studies, 24(5).
10. Poddar, R., Bharat, S., Raju, K. (2020), Transparency and customer satisfaction in rural banking, Global Finance Review, 26(4).
11. S. Bharat et al (2021), Accessibility and financial inclusion in rural banking: A case study of developing regions, Global Finance and Banking Perspectives.
12. Williamson, O. E. (1981), The economics of organization: The transaction cost approach, American Jou rnal of Sociology, 87(3), 548–577.
Ngày nhận bài: 03/12/2024; Ngày phản biện: 11/12/2024; Ngày duyệt đăng: 31/12/2024 |