Những gì du khách nhìn thấy tại Takarkori ở phía tây nam Libya là những cồn cát tưởng như trải dài vô tận và đất đá cằn cỗi. Nhưng hơn 7.000 năm trước, khu vực sa mạc Sahara này từng là vùng đất tươi tốt và dễ sinh sống hơn rất nhiều.
Từ xác ướp niên đại khoảng 7.000 năm tuổi của hai người phụ nữ được chôn cất ở Takarkori, các chuyên gia muốn tìm hiểu nguồn gốc của cư dân vùng "Sahara xanh".
Thời xa xưa, khu vực này từng là thảo nguyên tươi tốt có cây cối, hồ nước, sông ngòi. Đồng thời nơi này cũng có nhiều động vật to lớn như hà mã và voi sinh sống.

Trong quá khứ, nơi này có cộng đồng người nguyên thủy. Các nhà khảo cổ đã phát hiện thấy xác ướp của cả phụ nữ và trẻ nhỏ được chôn cất tại nơi trú ẩn. Họ từng sinh tồn nhờ câu cá, chăn nuôi cừu, dê.
"Từ hai xác ướp được bảo quản rất tốt này giúp chúng tôi tìm hiểu được môi trường sống trong quá khứ của họ", chuyên gia Savino di Lernia, Phó giáo sư về khảo cổ học châu Phi tại Đại học Sapienza ở Rome (Italia) chia sẻ trong nghiên cứu vừa công bố hôm 2/4.
Những phát hiện này đánh dấu việc lần đầu tiên nhóm khảo cổ học lý giải trình tự toàn bộ bộ gen từ xác ướp được tìm thấy trong môi trường nóng và khô cằn.
Việc phân tích bộ gen mang lại nhiều bất ngờ cho nhóm nghiên cứu, tiết lộ rằng cư dân của sa mạc Sahara là nhóm dân cư chưa được biết tới. Họ bị cô lập lâu dài và có thể sống ở khu vực này trong hàng chục nghìn năm.

Thời điểm khai quật được xác ướp, các chuyên gia đào cát và thấy phần xương hàm. Xác ướp 2 người phụ nữ được tìm thấy đầu tiên.
Cộng đồng này có thể tới đây với làn sóng di cư đầu tiên của con người ra khỏi châu Phi từ hơn 50.000 năm trước. Nhóm chuyên gia suy đoán cư dân Sahara là những người chăn thả gia súc di cư từ khu Cận Đông, nơi khởi nguồn của nghề nông.
Chuyên gia Louise Humphrey, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tiến hóa Con người của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London (Anh) cho biết, nhóm cư dân tại đây không có dấu hiệu pha trộn di truyền với cộng đồng bên ngoài. Các hoạt động chăn thả gia súc có thể du nhập qua việc trao đổi văn hóa.
Với việc phân tích từ xác ướp cổ đại, các nhà khảo cổ học nhận định Sahara thời kỳ đó dù có điều kiện sống khá thuận lợi, không phải là hành lang di cư giữa châu Phi cận Sahara và Bắc Phi.
Sa mạc Sahara trải rộng gần như khắp khu vực Bắc Phi. Suốt vài nghìn năm qua, nơi này nhiều lần thay đổi nhiệt độ và độ ẩm để có được hiện trạng như ngày nay.

Hiện tại, Sahara được đánh giá là vùng đất khắc nghiệt và khô hạn nhất thế giới, nhưng các chuyên gia vẫn dự kiến, nó có thể được phủ xanh một lần nữa trong vòng 15.000 năm nữa.
Là sa mạc lớn nhất thế giới, Sahara đồng thời cũng là hoang mạc lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau châu Nam Cực và vùng Bắc Cực. Theo các chuyên gia, sa mạc này ước tính khoảng 2,5 triệu năm tuổi. Vào mùa đông, nhiệt độ tại đây có thể xuống tới 0 độ C và rất lạnh.
Đến nay, Sahara đã trở thành điểm đến khám phá của du khách mê mạo hiểm với nhiều hoạt động như cưỡi lạc đà, trải nghiệm cuộc sống du mục. Trong những chuyến đi, người dắt lạc đà cũng chính là hướng dẫn viên dẫn đường cho khách.