
Xe tăng Ukraine ở tỉnh Kursk của Nga (Ảnh: Kyiv Post).
Khi cuộc xâm nhập kéo dài 7 tháng của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga đang trên đà kết thúc, binh lính và chuyên gia quân sự Ukraine đang đặt câu hỏi về mục tiêu của chiến dịch và tác động lâu dài của nó đối với cuộc xung đột.
Ukraine đã phát động cuộc đột kích bất ngờ xuyên biên giới vào tỉnh Kursk của Nga hồi tháng 8/2024. Mục tiêu ban đầu của Kiev là kiểm soát các vùng lãnh thổ biên giới của Nga nhằm chuyển hướng lực lượng Nga khỏi miền Đông Ukraine.
Tính toán này của Ukraine dường như không hiệu quả, khi quân đội Nga tiếp tục tiến vào tỉnh Donetsk ở Ukraine, tiến đến cửa ngõ của vùng Pokrovsk vào cuối năm 2024.
Trong bối cảnh Ukraine tiếp tục kiểm soát một số khu vực ở biên giới Nga và mong muốn từ chính quyền mới của Mỹ nhằm buộc Kiev tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, một mục tiêu mới cho chiến dịch quân sự của Ukraine ở Kursk bắt đầu hình thành. Kiev muốn sử dụng cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Nga như một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.
Vào tháng 1, cựu Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các vùng lãnh thổ mà Ukraine giành được ở Kursk có thể "góp phần tác động đến bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể diễn ra trong năm tới".
"Nếu Kursk là một canh bạc, về mặt chiến thuật, chiến dịch này đã thành công, mặc dù các giai đoạn tiếp theo không được thực hiện", nhà phân tích quân sự Michael Kofman, thành viên cấp cao của Chương trình Nga và Âu - Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết.

Vị trí vùng Kursk ở Nga (Ảnh: BBC).
Đột kích bất ngờ
Nhiều tháng trước cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Nga, Ukraine cảnh báo một cuộc tấn công của Moscow vào tỉnh Sumy, nằm bên kia biên giới với tỉnh Kursk và cách xa vùng chiến sự, sắp xảy ra.
Điều này cho phép Ukraine có lý do để triển khai quân đội và thiết bị ở các khu vực biên giới như một biện pháp phòng thủ.
Sapper Oleksii, thuộc Lữ đoàn tấn công đường không tinh nhuệ số 80, xác nhận việc đưa quân đi rà phá bom mìn ở các khu vực biên giới để bố trí pháo binh trong những tuần trước cuộc xâm nhập.
Theo Oleksii, lữ đoàn Ukraine đã đột kích qua biên giới sau khi các vũ khí tầm xa và không quân khai hỏa trong đêm. Cuộc đột phá diễn ra vào ngày 6/8, khiến ngay cả các nước phương Tây và nhiều người Ukraine cũng bị sốc.
Tuy nhiên, các binh lính trên bộ cho biết một số người đã hoài nghi cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Nga ngay cả trước khi nó bắt đầu. Oleksii cho biết một trong những tiểu đoàn thuộc đơn vị của ông đã chứng kiến hơn một nửa số binh lính từ chối mệnh lệnh. Họ đặt câu hỏi vì sao phải xâm nhập lãnh thổ Nga khi khả năng phòng thủ của Ukraine ở nơi khác đang bị đe dọa.
Lực lượng Ukraine tiến công từ nhiều hướng, với trục chính là Lữ đoàn tấn công đường không 80 và 82 nhắm mục tiêu vào khu vực Sudzha.
Yaroslav, một quân nhân trong nhóm trinh sát của lực lượng đặc nhiệm Ukraine được xác định là Đội Ua Reg, cho biết đơn vị của ông đã tiến về thành phố Kursk, phía đông bắc Sudzha.
"Đó là một cuộc diễn tập nghi binh", Yaroslav, người có đơn vị rút lui vào tháng 2, cho biết.
Với một hướng đi hoàn toàn mới mở ra "nhiều khả năng khác nhau", Yaroslav cho biết đơn vị của ông đã tiến hành các cuộc phục kích và tấn công.
Tuy nhiên, chiến dịch của Ukraine ở Kursk gặp nhiều khó khăn.
Một người điều khiển máy bay không người lái có biệt danh là Crimea cho biết, lữ đoàn 82 không đủ quân để tiến xa hơn một vài con phố trong thị trấn mà họ đã đột phá.
"Cuộc chiến không hiệu quả vì một lý do đơn giản là lực lượng vũ trang Ukraine chỉ có một con đường để vận chuyển tất cả vật tư cho các đơn vị tham gia", chuyên gia về chiến tranh Tom Cooper cho biết, đề cập đến con đường chính từ tỉnh Sumy đến Sudzha.
Theo các binh lính trên mặt đất, việc thiếu liên lạc và phối hợp với các đơn vị khác khiến họ khó biết được vị trí xung quanh thuộc về ai. Họ nói thêm rằng internet vệ tinh Starlink, hệ thống mà các binh lính Ukraine sử dụng để liên lạc trên chiến trường, không hoạt động ở Nga.
"Kursk không phải là một khu vực dễ hoạt động. Địa hình rất khó khăn, thông tin liên lạc rất chắp vá vào giai đoạn đầu, khiến cuộc chiến trở nên bất lợi", nhà phân tích Kofman cho biết.

Lính Nga cắm cờ trên mái nhà ở Kursk (Ảnh: Reuters).
Cuộc phản công dữ dội của Nga
Khoảng giữa tháng 9/2024, Nga đã tập hợp đủ quân để tiến hành phản công giành lại lãnh thổ.
Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục ưu tiên các nỗ lực tấn công ở tỉnh Donetsk, nơi quân đội Moscow đang giành được lợi thế gần thành phố Pokrovsk.
Theo các chuyên gia, Kiev hy vọng áp lực dọc tiền tuyến sẽ giảm bớt nếu Nga phải tái triển khai quân đến tỉnh Kursk. Tuy nhiên, trái với tính toán của Kiev, Nga chủ yếu triển khai lực lượng dự bị và binh lính từ các mặt trận không ưu tiên như tỉnh Zaporizhzhia ở Ukraine để chiến đấu ở Kursk.
Đầu tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã điều hơn 60.000 quân đến Kursk để đối phó cuộc xâm nhập của Ukraine. Kiev tuyên bố kiểm soát khoảng 100 khu định cư của Nga và hơn 600 tù binh.
Trái với tính toán của Ukraine khi mở mặt trận Kursk, cuộc tấn công của Nga ở miền Đông Ukraine lại tăng tốc. Nga đã tranh thủ thời cơ khi một số đơn vị tinh nhuệ và giàu kinh nghiệm chiến đấu nhất của Ukraine đang được đưa khỏi mặt trận Donetsk.
Với từng đợt tấn công liên tiếp, quân đội Nga không ngừng tìm cách đẩy quân Ukraine ra khỏi Kursk. Cuối cùng, Nga đã thay đổi tần suất máy bay không người lái tấn công và sử dụng máy bay không người lái cáp quang, cản trở khả năng gây nhiễu của Ukraine và khiến hoạt động hậu cần trở nên bất khả thi.
"Đó là vũ khí không thể chống lại được", binh lính Ukraine Oleksii nói.
Theo Jakub Janovsky, nhà phân tích quân sự tại Dự án OSINT Oryx, tính đến tháng 1, các cuộc tấn công dồn dập của Nga diễn ra chậm lại, ngay cả khi thỉnh thoảng quân đội Nga vẫn chiếm được một số khu vực.
Chuyên gia nhận định Nga biết được điểm yếu về hậu cần của Ukraine vì con đường duy nhất dẫn vào Sudzha từ tỉnh Sumy về cơ bản là xương sống của khu vực Kursk.
"Vì vậy, rõ ràng là họ biết phải tập trung vào đâu trong phạm vi của tuyến đường hậu cần này, và theo thời gian, họ đã làm được điều đó", chuyên gia nói.
Hậu cần ngày càng khó khăn khiến Ukraine phải tiêu tốn nguồn lực để duy trì cuộc tấn công ở Kursk, biến một chiến dịch đột kích bất ngờ thành một trận chiến kéo dài hàng tháng, làm suy yếu sức mạnh của Ukraine.
Về hướng bắc của chiến dịch Kursk, binh lính Yaroslav cho biết Nga triển khai hai lữ đoàn, liên tục gây áp lực lên lực lượng Ukraine.
Để duy trì các hoạt động tấn công ở miền Đông Ukraine, Nga được cho là cũng triển khai thêm khoảng 12.000 quân Triều Tiên ở Kursk để buộc quân Ukraine phải rút lui, theo tình báo Ukraine và phương Tây.
Theo Yaroslav, quân Triều Tiên sẽ tiến công theo từng nhóm và chờ bộ binh Nga tiếp quản vị trí đã chiếm được. Tuy nhiên, quân Triều Tiên được cho là thiếu sự đồng bộ với quân Nga và phải chịu tổn thất nặng nề.
Yaroslav cho biết binh lính Triều Tiên chiến đấu từ bên sườn phải và trái ở Kursk, cũng như các khu vực gần biên giới Ukraine. Mặc dù ban đầu dễ bị tổn thương trước máy bay không người lái, nhưng binh lính Triều Tiên đã bắt đầu điều chỉnh chiến thuật và bắn hạ các mục tiêu trên không.

Lính Nga ở Kursk (Ảnh: Reuters).
Cuộc rút lui không thể tránh khỏi
Ngay từ đầu năm nay, ngay cả khi Ukraine đã chiếm lại một số vị trí ở Kursk, việc rút lui là điều không thể tránh khỏi.
"Các lực lượng Nga liên tục thắt chặt miệng túi, sau đó sử dụng máy bay không người lái cáp quang, cuối cùng họ đã có thể bắt đầu chặn các tuyến đường tiếp tế của Ukraine. Cuối cùng, lực lượng Ukraine không duy trì được về mặt hậu cần và phải rút lui", chuyên gia Kofman cho biết.
Binh lính Yaroslav thuộc lực lượng đặc nhiệm Ukraine cho biết thêm rằng, khả năng chiến đấu và kinh nghiệm của các đơn vị Ukraine ở Kursk đã giảm dần theo thời gian. Điều này cũng buộc các đơn vị tấn công tinh nhuệ phải được triển khai thay thế bộ binh thường trực để bảo vệ các vị trí.
Các lữ đoàn tấn công đường không tinh nhuệ, với kinh nghiệm từ các tỉnh Donetsk, Kharkov và Zaporizhzhia, đã chứng minh được trình độ của mình trong cuộc đột phá ban đầu, nhưng theo thời gian, "lính dù đã trở thành bộ binh và bị đánh tơi tả", theo Yaroslav.
"Khoảng đầu tháng 2, Ukraine không còn khả năng để ở lại Kursk nữa", chuyên gia Janovsky của Oryx, đơn vị theo dõi tổn thất của Ukraine và Nga thông qua dữ liệu nguồn mở, cho biết. Chuyên gia cho rằng việc kéo dài thời gian ở lại Kursk là "một quyết định chính trị sai lầm".
"Ukraine không có đủ nguồn lực để duy trì một chiến dịch như vậy mà không phải hy sinh", chuyên gia nói thêm.
Chuyên gia Cooper tin rằng bằng việc không rút lui kịp thời, các lãnh đạo quân đội Ukraine đã làm giảm đáng kể cơ hội sống sót của binh lính trong khu vực.