Vũ khí "sát thủ" giúp Ấn Độ vô hiệu hóa lá chắn phòng không Pakistan

09/05/2025 16:14

() - Ấn Độ dường như đã sử dụng Harop, dòng vũ khí "lai" mang cả đặc tính của UAV lẫn tên lửa, để tấn công thành công vào hệ thống phòng không Pakistan.

Vũ khí sát thủ giúp Ấn Độ vô hiệu hóa lá chắn phòng không Pakistan - 1

UAV Harop (Ảnh: IAI).

Sau khi Ấn Độ mở chiến dịch Sindoor hôm 7/5, phía Islamabad cáo buộc rằng New Delhi đã tiếp tục nhắm mục tiêu vào các thành phố lớn của Pakistan như Lahore và Karachi trong ngày 8/5 bằng UAV cảm tử Harop do Israel sản xuất.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên loại vũ khí nổi tiếng của Israel chính thức tham chiến tại khu vực Nam Á. Trước đó, Harop đã được Israel sử dụng ở Trung Đông và vùng Caucasus.

Pakistan tuyên bố bắn rơi UAV của Ấn Độ nhưng cũng xác nhận vũ khí này đã tấn công một mục tiêu quân sự gần Lahore, làm 4 binh sĩ bị thương và gây hư hại một phần trang thiết bị.

Dù phía Pakistan không nêu rõ thiết bị quân sự bị hư hỏng, nhiều nguồn tin tình báo cho rằng mục tiêu bị tấn công là hệ thống radar LY-80, một phần của tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 do Trung Quốc sản xuất.

Trong thông cáo báo chí, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng xác nhận đã tấn công hệ thống radar và phòng không của Pakistan, đồng thời tuyên bố một hệ thống phòng không tại Lahore đã bị "vô hiệu hóa".

Harop là hệ thống vũ khí bay lảng vảng tích hợp giữa UAV và tên lửa hành trình, do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) phát triển. Loại UAV này chuyên săn các mục tiêu giá trị cao như trung tâm chỉ huy, kho hậu cần, xe tăng và hệ thống phòng không.

Harop được trang bị cảm biến quang học, hồng ngoại và camera CCD màu cùng khả năng dẫn đường chống radar, cho phép nhận diện mục tiêu một cách toàn diện. Nó có thể lảng vảng trong khu vực mục tiêu đến 9 giờ, lên kế hoạch tấn công từ nhiều góc độ khác nhau, kể cả theo góc thẳng đứng.

Một điểm đáng chú ý là Harop có khả năng chống nhiễu GNSS và được điều khiển từ xa theo nguyên tắc "con người trong vòng kiểm soát", tức có thể hủy nhiệm vụ bất cứ lúc nào. UAV này có thể phóng từ xe tải, tàu hải quân và quay trở về nếu không phát hiện mục tiêu.

Thiết kế nhỏ gọn, khả năng tàng hình tốt và cấu trúc chống radar khiến Harop trở thành sát thủ tấn công tuyến đầu, đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt các hệ thống phòng không đối phương.

Với tầm hoạt động lên tới 1.000km, Harop cho phép Ấn Độ thực hiện các cuộc tấn công tầm xa.

Harop được đưa vào sử dụng từ năm 2009, nhưng các chương trình nghiên cứu ban đầu đã bắt đầu từ những năm 1980 với mục tiêu phát triển vũ khí chống phòng không đối phương giá rẻ, lai giữa UAV và tên lửa hành trình. Kể từ thập niên 1990, các loại vũ khí bay lảng vảng như Harop đã được triển khai để vô hiệu hóa mạng lưới phòng không đối thủ.

Harop được công bố lần đầu trước công chúng tại Ấn Độ trong triển lãm Aero India 2009. Ngay năm đó, Ấn Độ ký hợp đồng mua 10 chiếc Harop, trở thành UAV tấn công đầu tiên của Không quân Ấn Độ.

Đến năm 2019, New Delhi tiếp tục đặt mua thêm 54 UAV Harop, bổ sung vào đội hình hơn 100 UAV Israel đang vận hành, với tên gọi nội địa là P-4.

Có thể nói, Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững với Harop. Tuy nhiên, đây dường như là lần đầu tiên New Delhi sử dụng UAV này trong một cuộc tập kích nhằm vào Pakistan.

Bạn đang đọc bài viết "Vũ khí "sát thủ" giúp Ấn Độ vô hiệu hóa lá chắn phòng không Pakistan" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.