Thông điệp từ cách chọn tông hiệu của tân Giáo hoàng

09/05/2025 20:14

() - Các Giáo hoàng thường chọn tên theo người tiền nhiệm mà họ muốn noi theo. Lần này, tông hiệu Leo gợi nhớ Giáo hoàng Leo XIII, cho thấy tân Giáo hoàng chú trọng vấn đề công lý xã hội và người lao động.

Thông điệp từ cách chọn tông hiệu của tân Giáo hoàng  - 1

Tân Giáo hoàng Leo XIV (Ảnh: AFP).

Khi Đức Hồng y người Mỹ Robert Prevost xuất hiện trên ban công của Vương cung thánh đường S.t Peter, ông được giới thiệu với cái tên Giáo hoàng Leo XIV.

Bằng cách chọn tông hiệu trên, vị giáo hoàng thứ 267 đã gia nhập nhóm 13 vị giáo hoàng khác cũng lấy tên này. Sự lựa chọn này có thể báo hiệu Giáo hội Công giáo sẽ như thế nào dưới triều đại giáo hoàng của ông.

Phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni xác nhận tân Giáo hoàng chọn tông hiệu này để gợi nhớ Giáo hoàng Leo XIII và học thuyết xã hội của nhà thờ, vốn chú trọng đến vai trò của con người trong xã hội như gia đình, nghề nghiệp, thương mại, kinh tế, chính trị, vấn đề nóng của thời đại. Trong đó đặc biệt là thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự), được coi là thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo hội Công giáo.

Những vị giáo hoàng lấy tông hiệu Leo trước đây đều là những nhà cải cách, bao gồm cả Giáo hoàng Leo XIII, được bầu vào năm 1878. Linh mục Christopher Robinson, thành viên khoa nghiên cứu tôn giáo của Đại học DePaul, cho biết thông điệp "Rerum novarum" của ông đã nói về phẩm giá con người và phẩm giá của lao động.

Giáo hoàng Leo XIII, tại vị 1878-1903, được biết đến là một nhà cải cách, tập trung vào ngoại giao, ủng hộ tiến bộ khoa học và định vị Giáo hội như một tổ chức bảo vệ nhân quyền.

"Bằng cách chọn tên Leo XIV, ngài cho thấy cam kết với giáo huấn xã hội của nhà thờ, vốn được người tiền nhiệm của ngài là Leo XIII đặt làm nền tảng", linh mục Thomas Reese, một linh mục người Mỹ và là chuyên gia về Vatican, nói.

Chọn tông hiệu là một trong những hành động đầu tiên của tân Giáo hoàng sau khi được bầu làm người đứng đầu Giáo hội. Đây là tiền lệ được thiết lập từ thời Trung cổ, dù Giáo hội không có quy định về việc này.

Và các Giáo hoàng thường bị ảnh hưởng bởi những cái tên tương tự, thường là tên của những giáo hoàng trước đó mà họ muốn noi theo. Có rất nhiều người hâm mộ tông hiệu John - ít nhất 23 vị giáo hoàng đã sử dụng cái tên này.

Những lựa chọn phổ biến khác bao gồm Gregory (16 giáo hoàng), Benedict (16 giáo hoàng), Clement (14 giáo hoàng) và Leo (14 giáo hoàng). Trong số các giáo hoàng chọn tông hiệu Leo, 5 người đã được phong thánh, gồm các Thánh Leo I, Leo II, Leo III, Leo IV và Leo IX.

Tông hiệu Leo cũng có thể gợi nhớ đến Tu huynh Leo, vị tu sĩ là bạn thân thiết của Thánh Francis thành Assisi hồi thế kỷ 13. Điều này cho thấy Giáo hoàng Leo XIV cũng có thể đang ngầm ám chỉ ông sẽ tiếp nối mạnh mẽ di sản của Giáo hoàng Francis.

Giáo hoàng Leo XIV, 69 tuổi, đến từ thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Trước khi được bầu làm Giáo hoàng, ông dành phần lớn thời gian sự nghiệp để truyền giáo ở Peru, và là một nhân vật tương đối ít được biết đến trên trường quốc tế.

Được Giáo hoàng Francis phong làm hồng y vào năm 2023, ông Prevost hầu như không trả lời phỏng vấn truyền thông và hiếm khi phát biểu trước công chúng.

Nhưng ông thu hút sự quan tâm từ các đồng sự nhờ phong cách điềm đạm và sự ủng hộ đối với cố Giáo hoàng Francis, đặc biệt là cam kết của ông với các vấn đề công bằng xã hội.

Trong phát biểu đầu tiên, Giáo hoàng Leo XIV đã phác thảo tầm nhìn của ông về một Giáo hội "xây dựng những nhịp cầu và tham gia vào đối thoại". Ông kêu gọi mọi người "thể hiện lòng bác ái" và "đối thoại bằng tình yêu thương".

Giáo hoàng Leo XIV đã gửi lời cảm ơn đến các Hồng y đã tín nhiệm chọn Ngài làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo.

Giáo hoàng Leo XIV đã phác thảo tầm nhìn của ngài về Giáo hội Công giáo như một Giáo hội "xây dựng những nhịp cầu" và tích cực đối thoại. "Chúng ta phải cùng nhau hướng tới trở thành một Giáo hội truyền giáo. Một Giáo hội xây dựng cầu nối và đối thoại", Ngài nhấn mạnh.

Tân Giáo hoàng cũng kêu gọi mọi người "thể hiện lòng bác ái" với mọi người "và đối thoại bằng tình yêu thương".

Bạn đang đọc bài viết "Thông điệp từ cách chọn tông hiệu của tân Giáo hoàng" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.