Vì sao quân đội các nước dõi theo chặt chẽ "không chiến" Ấn Độ-Pakistan?

09/05/2025 12:17

() - Quân đội các nước đang theo dõi chặt chẽ diến biến cuộc không chiến giữa các máy bay chiến đấu Pakistan do Trung Quốc sản xuất và chiến đấu cơ Rafale của Ấn Độ do Pháp sản xuất.

Vì sao quân đội các nước dõi theo chặt chẽ không chiến Ấn Độ-Pakistan? - 1

Đuôi chiếc tiêm kích Rafale của Ấn Độ được cho là bị Pakistan bắn hạ (Ảnh: X/Dassault).

Theo các nguồn tin, nguyên nhân là do quân đội các nước hy vọng có thể tìm kiếm những vấn đề mang lại lợi thế cho họ trong các cuộc xung đột trong tương lai.

Một máy bay chiến đấu của Pakistan do Trung Quốc sản xuất đã bắn hạ ít nhất 2 máy bay quân sự của Ấn Độ vào ngày 7/5, hai quan chức Mỹ tiết lộ, đánh dấu cột mốc quan trọng tiềm năng cho máy bay chiến đấu tiên tiến của Bắc Kinh.

Cuộc đụng độ trên không giữa hai quốc gia Nam Á lần này là cơ hội hiếm có để quân đội các nước nghiên cứu hiệu suất của phi công, máy bay chiến đấu và tên lửa không đối không trong chiến đấu thực tế và sử dụng kiến thức đó để chuẩn bị cho lực lượng không quân của mình khi tham chiến.

Các chuyên gia cho biết việc sử dụng trực tiếp vũ khí tiên tiến trong trận chiến này sẽ được chuyên gia quân sự các nước phân tích chi tiết, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ.

Một quan chức Mỹ nói, khả năng rất cao là Pakistan đã sử dụng máy bay J-10 do Trung Quốc sản xuất để phóng tên lửa không đối không vào máy bay chiến đấu của Ấn Độ.

Các bài đăng trên mạng xã hội tập trung vào hiệu suất của tên lửa không đối không PL-15 của Trung Quốc so với Meteor, một tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar do tập đoàn MBDA của châu Âu sản xuất. Hiện vẫn chưa có xác nhận chính thức nào về việc sử dụng những vũ khí này.

"Các cộng đồng tác chiến trên không ở Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu sẽ cực kỳ quan tâm đến việc cố gắng thu thập càng nhiều thông tin thực tế càng tốt về chiến thuật, kỹ thuật, quy trình, bộ dụng cụ nào đã được sử dụng, bộ dụng cụ nào hiệu quả và bộ dụng cụ nào không hiệu quả", ông Douglas Barrie, chuyên gia cao cấp về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.

Theo ông, có thể nói rằng Trung Quốc có vũ khí mạnh nhất chống lại vũ khí mạnh nhất của phương Tây, nếu thực sự Meteor được sử dụng đến. "Nhưng chúng tôi không biết điều đó", ông Barrie nói.

Ông Barrie cho biết thêm rằng, Pháp và Mỹ có thể hy vọng Ấn Độ sẽ cung cấp thông tin tình báo tương tự. "PL-15 là một vấn đề lớn. Đây là thứ mà quân đội Mỹ rất chú ý", một giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng cho hay.

Các nhà phân tích phương Tây và các nguồn tin trong ngành nhận định, vẫn chưa rõ các chi tiết quan trọng trong vụ việc này, bao gồm cả việc tên lửa Meteor có được sử dụng hay không và loại hình cũng như chất lượng đào tạo các phi công.

Vì sao quân đội các nước dõi theo chặt chẽ không chiến Ấn Độ-Pakistan? - 2

Một đền thờ bị thiệt hại nặng nề sau cuộc tấn công của Ấn Độ vào khu vực Kashmir ngày 7/5 (Ảnh: AFP).

Các nhà phân tích cho biết các công ty vũ khí cũng sẽ muốn tách biệt hiệu suất kỹ thuật khỏi các yếu tố hoạt động thực tế. 

"Sẽ có các cuộc kiểm toán về những hiệu quả và thất bại sau vụ không chiến này, nhưng tôi nghĩ vấn đề đáng lo khác chính là sương mù chiến tranh", ông Byron Callan, một chuyên gia quốc phòng có trụ sở tại Washington, nói.

Theo ông, các công ty vũ khí của Mỹ đang liên tục nhận được phản hồi về cách các sản phẩm của họ hoạt động trong cuộc chiến ở Ukraine. "Vì vậy, tôi hoàn toàn mong đợi điều tương tự sẽ xảy ra với các nhà cung cấp châu Âu của Ấn Độ, và Pakistan và Trung Quốc có thể cũng chia sẻ phản hồi tương tự. Nếu PL-15 hoạt động như quảng cáo hoặc tốt hơn mong đợi, thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ muốn nghe điều đó".

Một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng từ một quốc gia phương Tây đang vận hành Meteor cho biết, hình ảnh trực tuyến về một đầu dò dường như có thành phần của một tên lửa đã trượt mục tiêu.

Có những báo cáo mâu thuẫn về việc liệu Pakistan có phiên bản nội địa của PL-15 từ Trung Quốc - hay phiên bản xuất khẩu tầm thấp hơn được công bố công khai vào năm 2021. Ông Barrie, người đã viết nhiều về tên lửa này, cho biết ông tin rằng Pakistan rất có thể chỉ có phiên bản xuất khẩu.

Một nguồn tin trong ngành công nghiệp phương Tây đã bác bỏ tuyên bố rằng PL-15 có tầm bắn xa hơn Meteor nhưng thừa nhận rằng năng lực của nó "có thể lớn hơn những gì người ta nghĩ". Tầm bắn của Meteor vẫn chưa được công bố chính thức. "Hiện tại, không thể đánh giá bất cứ điều gì. Chúng tôi không biết nhiều", nguồn tin trong ngành nói thêm.

Tầm bắn và hiệu suất của PL-15 là trọng tâm chú ý của phương Tây trong nhiều năm. Sự xuất hiện của nó được coi là một trong nhiều tín hiệu cho thấy Trung Quốc đã vượt xa sự phụ thuộc vào công nghệ phái sinh từ thời Liên Xô.

Mỹ đang phát triển Tên lửa chiến thuật tiên tiến chung AIM-260 thông qua Lockheed Martin, một phần là để đáp trả PL-15 và hiệu suất ngoài tầm nhìn của nó, một phần trong quá trình thiết lập lại các ưu tiên của phương Tây đối với Trung Quốc.

Các quốc gia châu Âu đang xem xét nâng cấp giữa vòng đời cho Meteor, trong đó có thể bao gồm hệ thống đẩy và dẫn đường. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết tiến độ vẫn chậm.

Vào tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao cho Boeing hợp đồng chế tạo máy bay chiến đấu tinh vi nhất của Không quân nước này, có khả năng bao gồm khả năng tàng hình, cảm biến tiên tiến và động cơ tiên tiến.

Mảnh vỡ máy bay xuất hiện tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao quân đội các nước dõi theo chặt chẽ "không chiến" Ấn Độ-Pakistan?" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.