Vatican dùng khói để công bố kết quả bầu Giáo hoàng từ khi nào?

10/05/2025 00:14

() - Từ làn khói trắng mang tính biểu tượng đến những quy định bảo mật nghiêm ngặt, quá trình bầu chọn Giáo hoàng không chỉ thể hiện tính linh thiêng mà còn được tiến hành dưới sự giám sát tối đa.

Vatican dùng khói để công bố kết quả bầu Giáo hoàng từ khi nào? - 1

Mọi người vui mừng khi nhìn thấy khói trắng bốc lên từ Vatican báo hiệu đã chọn được Giáo hoàng mới ngày 8/5 (Ảnh: Reuters).

Ngày 8/5, Hồng y Robert Prevost đã được bầu làm Giáo hoàng Leo XIV, trở thành người Mỹ đầu tiên giữ cương vị đứng đầu Giáo hội Công giáo, lãnh đạo cộng đồng 1,4 tỷ tín hữu trên toàn cầu. 

Cùng với sự kiện này, nghi thức và quy định đặc biệt trong quá trình bầu chọn Giáo hoàng cũng được quan tâm.

Việc sử dụng khói để báo hiệu cho công chúng biết liệu đã bầu được tân Giáo hoàng hay chưa là một truyền thống gần đây của Giáo hội Công giáo. 

Theo đó, sau khi kiểm phiếu, các lá phiếu được đốt trong lò đặt tại Nhà nguyện Sistine. Nếu khói đen bốc lên từ ống khói, điều đó có nghĩa người Công giáo trên toàn thế giới vẫn chưa có tân Giáo hoàng. Ngược lại, nếu khói trắng xuất hiện, đó là dấu hiệu cho thấy các Hồng y đã chọn được vị lãnh đạo mới của Giáo hội.

Khói trắng bốc lên, Mật nghị Hồng y đã chọn được tân Giáo hoàng

Giáo sư Clare Johnson, chuyên gia về Phụng vụ và Thần học Bí tích tại Đại học Công giáo Australia, nhấn mạnh rằng sự liên tưởng biểu tượng giữa màu trắng và màu đen chính là cơ sở cho việc chọn hai màu khói tương phản trong nghi thức công bố.

Bà cho biết các Hồng y trong mật nghị đã bắt đầu đốt phiếu bầu từ ít nhất năm 1417, nhưng đến thế kỷ 18, Nhà nguyện Sistine mới lắp ống khói.

Kể từ đó, khói xuất hiện vào những thời điểm nhất định được hiểu là chưa bầu được tân Giáo hoàng. Ngược lại, việc không có khói được hiểu là đã chọn được Giáo hoàng mới.

Đến năm 1914, khói trắng trở thành tín hiệu chính thức cho biết đã có tân Giáo hoàng. Trước đó, Giáo hoàng Pius X vào năm 1904 đã yêu cầu đốt tất cả tài liệu liên quan đến cuộc bầu cử, không chỉ riêng phiếu bầu. Điều này tạo ra lượng khói trắng dày đặc và dễ quan sát hơn. Đây là thông tin được nhà sử học Frederic J. Baumgartner viết trong cuốn "Behind Locked Doors: A History of the Papal Elections" (Tạm dịch: "Bí mật sau cánh cửa khóa: Lịch sử các cuộc bầu chọn Giáo hoàng").

Vào năm 2013, phát ngôn viên của Vatitan - linh mục Federico Lombardi cho biết, các hồng y đã thêm các chất vào trong quá trình đốt lá phiếu nhằm tạo ra màu khói đen hoặc khói trắng để thông báo về kết quả bầu chọn giáo hoàng.

Giáo sư Clare Johnson cũng nói thêm, tín hiệu khói đã được con người sử dụng trong hàng nghìn năm qua để truyền tin, cảnh báo, hoặc kêu gọi tụ họp. 

Nhiều cộng đồng bản địa trên thế giới còn phát triển các kỹ thuật truyền tin bằng khói rất đặc biệt: Từ việc thay đổi vị trí đốt lửa (giữa lưng đồi hay trên đỉnh đồi), điều chỉnh màu khói (dùng các loại lá khác nhau hoặc điều chỉnh độ ẩm/khô), đến việc ngắt quãng hay chuyển hướng cột khói để tạo ra các mô hình cụ thể.

Để đảm bảo mức độ bảo mật tối đa trong quá trình bầu chọn Giáo hoàng, mọi hình thức liên lạc sẽ bị cấm và nếu vi phạm, các Hồng y sẽ bị khai trừ mà không cần phán quyết chính thức.

Trước khi bước vào mật nghị, toàn bộ thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay của các Hồng y sẽ bị thu giữ và được bảo vệ đặc biệt để ngăn rò rỉ thông tin.

Các biện pháp bổ sung còn bao gồm việc che kín hoàn toàn mọi cửa sổ tại Nhà nguyện Sistine, nơi diễn ra bỏ phiếu. Các căn phòng đều được niêm phong và quét điện tử để phát hiện thiết bị nghe lén hoặc máy phát tín hiệu.

Ngay cả các phòng ở Nhà nguyện Santa Marta, cùng các khu vực sinh hoạt chung và nhà bếp cũng được giám sát bằng công nghệ chống nghe trộm.

Việc di chuyển giữa Nhà nguyện Santa Marta và Nhà nguyện Sistine được thực hiện bằng xe buýt chuyên dụng, biệt lập và được giám sát theo tuyến đường được bảo vệ khỏi mọi tiếp xúc bên ngoài. Nếu chọn đi bộ, các Hồng y buộc phải đi theo lộ trình được bảo vệ nghiêm ngặt bởi lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ của Vatican.

Bên cạnh đó, Vatican còn sử dụng công nghệ gây nhiễu tín hiệu để ngăn chặn mọi nguy cơ rò rỉ thông tin ra ngoài.

Bạn đang đọc bài viết "Vatican dùng khói để công bố kết quả bầu Giáo hoàng từ khi nào?" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.