
Phái đoàn Ukraine và Mỹ ký thỏa thuận khoáng sản (Ảnh: X).
Việc ký kết thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine đã diễn ra sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, trong bối cảnh Ukraine nỗ lực "hâm nóng" mối quan hệ đầy sóng gió với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thỏa thuận, được ký ngày 30/4, thành lập một quỹ đầu tư và trao cho Mỹ quyền tiếp cận đặc biệt đối với các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.
Ông Trump, người đang tìm cách đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Kiev và Moscow, lập luận rằng Mỹ cần hưởng lợi nhiều hơn sau khoản viện trợ khổng lồ dành cho Ukraine kể từ năm 2022.
Nỗ lực đàm phán của Ukraine
Nhiều người tại Ukraine đã thở phào nhẹ nhõm khi phiên bản cuối cùng của thỏa thuận đã loại bỏ nhiều điều khoản gây tranh cãi, từng bị giới chuyên gia nhận định là rất bất lợi với Kiev.
"Chúng tôi không thấy những vấn đề quá lớn trong thỏa thuận. Điểm nhấn quan trọng là: Chúng tôi rất vui vì đã giải quyết được mâu thuẫn với ông Trump", George Popov, nhà phân tích tại Hiệp hội Công nghiệp Khai thác Ukraine, nhận xét.
Tuy vậy, ông Popov cảnh báo rằng việc ký kết mới chỉ là bước khởi đầu, còn cả một quá trình dài để thỏa thuận có thể đi vào thực hiện, phụ thuộc vào nhiều khía cạnh kỹ thuật cần làm rõ.
"Chúng tôi thấy có nhiều yếu tố chính trị mà thỏa thuận đang cố gắng giải quyết, chứ không phải các vấn đề kinh doanh hay hành chính", ông nói thêm.
Một thiếu sót đáng chú ý trong thỏa thuận là điều Kiev mong đợi nhất: Các đảm bảo an ninh cho Ukraine nhằm răn đe Nga sau khi đạt được lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, cũng chưa rõ lượng vốn đầu tư thực sự sẽ chảy vào quỹ.
"Người Ukraine đã loại bỏ được những điều khoản tệ hại nhất khỏi thỏa thuận", Timothy Ash, chuyên gia tại Chatham House, nhận xét.
Dù vậy, ông cũng thẳng thắn cho rằng, "thỏa thuận mới chỉ là những lời lẽ tốt đẹp chứ chưa phải là khoản đầu tư thực sự. Tôi không thấy có khoản đầu tư lớn, ý nghĩa nào vào Ukraine chừng nào vấn đề an ninh chưa được giải quyết. Và thỏa thuận này thì không giúp cho điều đó".
Từ khi nhậm chức hồi tháng 1, ông Trump liên tục gây sức ép lên Ukraine nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình, trong khi hầu như không đặt yêu cầu gì với Nga.
Thỏa thuận tài nguyên thiên nhiên đã trở thành tâm điểm tranh cãi suốt nhiều tháng, kể từ sau cuộc trao đổi gay gắt giữa ông Trump và Tổng thống Zelensky tại Phòng Bầu dục ngày 28/2.
Một tháng sau, trên chuyên cơ Không lực Một, ông Trump nói với phóng viên: "Ông Zelensky đang tìm cách rút khỏi thỏa thuận đất hiếm, và nếu ông ấy làm thế, ông ấy sẽ gặp rắc rối rất lớn".
Gần đây, ông Trump đã đưa ra một số bình luận cho thấy lập trường cứng rắn trước đây với Ukraine đang dịu lại, trong khi sự kiên nhẫn với Nga đang cạn dần. Với việc ký kết thỏa thuận tài nguyên, Kiev hy vọng tăng cường hợp tác và cải thiện quan hệ với chính quyền Trump.
Một thành công quan trọng của nhóm đàm phán Kiev là loại bỏ các điều khoản buộc Ukraine phải hoàn trả khoản viện trợ mà Washington đã cung cấp, vào khoảng 130 tỷ USD, theo Viện Kiel (Đức). Khoản này vốn được chính quyền tiền nhiệm của Mỹ cấp mà không yêu cầu hoàn lại.
Một thắng lợi lớn khác là bổ sung điều khoản cho phép sửa đổi thỏa thuận nếu nó cản trở tiến trình gia nhập EU của Ukraine. Trước đó, các chuyên gia lo ngại rằng thỏa thuận có thể trở thành rào cản vì ưu ái Mỹ hơn các đối tác nước ngoài khác.
Bản thỏa thuận hiện tại cũng đảm bảo Ukraine có toàn quyền kiểm soát đất đai, hạ tầng và tài nguyên, đồng thời không áp dụng đối với các dự án hiện hữu, điều từng làm dấy lên lo ngại về quyền tự chủ và sự độc lập của các công ty Ukraine.
Rủi ro tiềm ẩn
Ngoài việc thiếu đảm bảo an ninh, nghị sĩ đối lập Yaroslav Zhelezniak, Chủ tịch Ủy ban Tài chính, Thuế và Chính sách Hải quan của quốc hội Ukraine, đã chỉ ra một số rủi ro tiềm ẩn khác.
"Ukraine sẽ chia một nửa doanh thu từ giấy phép khai thác mới vào quỹ, điều này làm giảm nguồn thu ngân sách Ukraine trong nhiều năm", ông viết trên kênh Telegram cá nhân.
Thỏa thuận cũng có thể hạn chế khả năng lựa chọn điều kiện thương mại và đối tác tốt nhất của Ukraine, đồng thời hạn chế quyền tự chủ tài chính vì đảm bảo việc chuyển đổi và chuyển tiền, ông lưu ý.
Ông Zhelezniak cho biết, thỏa thuận cần được quốc hội phê chuẩn, sớm nhất vào tuần 13-15/5. Sau đó, một số phần trong luật thuế và ngân sách Ukraine sẽ cần điều chỉnh để phù hợp.
Theo ông, thêm nhiều chi tiết sẽ được hé lộ trong hai văn bản tiếp theo: Một thỏa thuận giữa các cơ quan được mỗi nước chỉ định quản lý quỹ, và một tài liệu kỹ thuật giải thích quy trình vận hành cũng như phân phối tiền.
Một trong những câu hỏi lớn nhất còn bỏ ngỏ là liệu thỏa thuận này có thực sự thu hút thêm đầu tư vào ngành năng lượng và khai khoáng Ukraine hay không. Đầu tư vào Ukraine đã giảm mạnh sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, rồi lại sụt giảm thêm sau cuộc chiến năm 2022.
Dù doanh thu từ giấy phép khai thác của Ukraine sẽ được bổ sung vào quỹ, nhưng vẫn chưa rõ chính quyền ông Trump sẽ khuyến khích khu vực tư nhân Mỹ đầu tư vào các dự án của Ukraine ra sao, khi Mỹ không có các công ty nhà nước trong lĩnh vực khai khoáng hay khí đốt.
Mặc dù viện trợ quân sự trong tương lai từ Mỹ có thể được tính là đóng góp, nhưng điều này không giúp quỹ đạt mục tiêu tăng cường đầu tư vào phát triển tài nguyên của Ukraine.
Edward Chow, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét: "Ở chừng mực mà thỏa thuận giúp giữ cho chính quyền ông Trump tiếp tục ủng hộ Ukraine về quân sự và các mặt khác, thì nó vẫn là điều tích cực. Tôi nghĩ các bên có lẽ chỉ đơn giản là vui mừng vì có thứ để ký".
"Câu hỏi là: thỏa thuận này mang lại điều gì từ góc nhìn của một nhà đầu tư tiềm năng mà khiến họ muốn rót vốn vào Ukraine nhiều hơn?", ông băn khoăn.
Các chi tiết bổ sung trong các thỏa thuận sắp tới sẽ phải giải quyết những quan ngại từ phía doanh nghiệp thì mới hy vọng có đầu tư đáng kể.