
Hoạt động khai thác đất hiếm tại Zhytomyr, Ukraine (Ảnh: Getty).
Thỏa thuận khoáng sản dài 9 trang, được ký kết sau nhiều tháng đàm phán và được chính phủ Ukraine công bố vào ngày 1/5, trao cho Mỹ quyền tiếp cận ưu tiên đối với các dự án khoáng sản của Ukraine, bao gồm đất hiếm. Thỏa thuận cũng thiết lập một quỹ đầu tư chung để hỗ trợ tái thiết Ukraine sau xung đột.
Mặc dù có phạm vi rộng, nhưng thỏa thuận cuối cùng không có cam kết chính thức nào về sự hỗ trợ quân sự trong tương lai của Mỹ dành cho Ukraine, một yêu cầu quan trọng từ Kiev trong các cuộc đàm phán.
Thay vào đó, thỏa thuận chỉ đề cập mơ hồ đến "sự liên kết chiến lược dài hạn", đồng thời hứa hẹn sự ủng hộ của Mỹ đối với "an ninh, thịnh vượng, tái thiết và hội nhập vào các khuôn khổ kinh tế toàn cầu" của Ukraine. Một nguồn tin tiết lộ với báo New York Times rằng Mỹ đã bác bỏ yêu cầu cung cấp cho Ukraine các đảm bảo an ninh rõ ràng ngay từ đầu các cuộc đàm phán.
Thỏa thuận mới cho phép thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine do Ukraine và Mỹ cùng quản lý "trên cơ sở 50/50" và "không bên nào nắm giữ quyền bỏ phiếu áp đảo".
Kiev hy vọng thỏa thuận này sẽ đảm bảo sự hỗ trợ quân sự và tài chính liên tục từ Washington, trong khi Mỹ tiếp cận được nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Ukraine, đặc biệt là các nguyên tố đất hiếm quan trọng đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận này, cho rằng chỉ riêng sự tham gia của Mỹ vào thỏa thuận đã mang lại sự hỗ trợ ngầm cho Ukraine.
"Rất nhiều người mong muốn điều này xảy ra. Nó mang lại lợi ích to lớn cho cả hai quốc gia, đó là thỏa thuận hoàn hảo", bà Bruce cho biết. Bà không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thỏa thuận nhưng mô tả đó là "một khoản đầu tư vào Ukraine".
Theo bà Bruce, sự hiện diện của Mỹ tại Ukraine cũng sẽ tăng cường an ninh của nước này.
Bà Bruce nhấn mạnh thỏa thuận này "tách biệt" với cuộc xung đột đang diễn ra và các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Nga, đồng thời cho biết các cuộc đàm phán đang tiến triển, Moscow và Kiev dự kiến sẽ đệ trình các đề xuất "trong vài ngày nữa".
Các nhà phân tích nói với New York Times rằng thỏa thuận này có thể giúp đảm bảo sự quan tâm liên tục của Tổng thống Donald Trump đối với Ukraine khi Mỹ đầu tư trực tiếp và có khả năng mở ra cánh cửa cho các cuộc thảo luận tiếp theo về viện trợ quân sự và lệnh ngừng bắn với Nga.
Tuy nhiên, những người chỉ trích thỏa thuận lập luận rằng, nếu không có sự đảm bảo mang tính ràng buộc về mặt an ninh, tác động của thỏa thuận có thể bị hạn chế khi xung đột tiếp diễn.
Quốc hội Ukraine dự kiến phê chuẩn thỏa thuận trong vòng 2 tuần. Mỹ coi thỏa thuận này như một cách để Ukraine trả lại khoản viện trợ quân sự trước đây, ước tính khoảng 350 tỷ USD theo tuyên bố của ông Trump, mặc dù Kiev tuyên bố con số này chỉ khoảng 100 tỷ USD và cho rằng khoản hỗ trợ này là vô điều kiện.
Tuy nhiên, điều khoản trả nợ đã bị loại khỏi văn bản cuối cùng. Sau khi ký thỏa thuận, Tổng thống Trump cho biết Mỹ "về lý thuyết" có thể lấy lại "nhiều hơn" so với 350 tỷ USD thông qua thỏa thuận này.
Theo Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Stephen Miller, thỏa thuận khoáng sản với Ukraine "đồng nghĩa với việc trả lại cho Mỹ hàng trăm tỷ USD mà người nộp thuế của Mỹ đã chi để trợ cấp cho cuộc chiến ở Ukraine".
Bình luận về thỏa thuận, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Mỹ về cơ bản đã "buộc chính quyền Kiev phải trả tiền viện trợ của Mỹ bằng khoáng sản". Ông Medvedev cảnh báo tất cả các nguồn viện trợ quân sự trong tương lai sẽ phải được trả "bằng tài sản quốc gia" của Ukraine.