Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, vào đêm ngày 18-19/11, quân đội Ukraine (AFU) đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên bằng tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ vào lãnh thổ Nga, nhằm vào một kho đạn dược tại Karachev, vùng Bryansk, vài ngày sau khi được "bật đèn xanh". Động thái này của Kiev được ví như đòn "tất tay" và đã đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm.
Các quan chức quân sự Ukraine, bao gồm cả Bộ Tổng tham mưu, đã báo cáo vào ngày 19/11 rằng các lực lượng Ukraine đã tấn công kho vũ khí số 67 thuộc Trung tâm Hậu cần 1046 của quân đội Nga gần Karachev vào đêm ngày 18-19/11 và cuộc tấn công này đã gây ra một vụ nổ ban đầu và 12 vụ nổ thứ cấp.
Trước đó, các quan chức phương Tây đã làm rõ hơn về khả năng của Ukraine trong việc sử dụng các hệ thống tầm xa do phương Tây cung cấp để tập kích các mục tiêu quân sự ở sâu trong lãnh thổ Nga.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, Mỹ đã cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp ở khoảng cách lên tới 300km bên trong nước Nga.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Brian Nichols nói với báo Brazil O Globo rằng, Tổng thống Joe Biden đã "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công Nga, nói rằng sự cho phép này sẽ giúp Kiev có khả năng tự vệ cao hơn.
ISW trước đây đã đánh giá, việc hạn chế khả năng của Ukraine trong những đòn tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga đã cho phép Moscow duy trì không gian an toàn ở hậu phương gần và xa của mình và sử dụng không gian đó cho các hoạt động quân sự chống lại Ukraine.
Báo cáo có đoạn: "Các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine vào những mục tiêu quân sự ở hậu phương Nga rất quan trọng để làm suy yếu tiềm lực quân sự của Moscow trên toàn bộ chiến trường. Những quyết định này, nếu chính xác như đã đưa tin, mở ra một tiềm năng mới giúp Ukraine có thể làm suy yếu đáng kể các nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin".
Ukraine chỉ mới bắt đầu mua hoặc tiếp nhận các hệ thống vũ khí và năng lực quân sự cần thiết để tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn hiện đại.
Giới phân tích tin rằng, trong tương lai, Kiev có thể tiến hành các cuộc phản công có ý nghĩa về mặt chiến thuật, với điều kiện là phương Tây tăng cường phát triển năng lực của Ukraine trên quy mô lớn.
ISW nhận định: "Các hệ thống và năng lực mà Kiev đang tiếp nhận là cần thiết để tiến hành thành công hoạt động chiến đấu đa miền, quy mô lớn và Ukraine vẫn chưa có cơ hội chứng minh những gì họ có thể đạt được khi được cung cấp đủ nguồn lực. Hệ thống tích hợp, năng lực và hiệu quả trên chiến trường có khả năng sẽ được cải thiện, với điều kiện là Kiev và các đối tác của mình tiếp tục làm việc chăm chỉ cần thiết để xây dựng động lực".
Các chuyên gia cho biết viện trợ quân sự liên tục và tăng cường của phương Tây vẫn cần thiết để cho phép lực lượng Kiev giành lại lãnh thổ bị kiểm soát và gây ra tổn thất cho quân đội Nga cần thiết để buộc ông Putin phải suy nghĩ lại về các tính toán của mình trong cuộc chiến này.
Các chuyên gia nói thêm, Kiev nên tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Moscow từ vị thế mạnh mẽ. Và phương Tây vẫn có lợi khi củng cố vị thế của Ukraine trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga.
Những nhận định đáng chú ý trong báo cáo ngày 19/11 của ISW:
Thứ nhất, quân đội Ukraine đã tự vệ chống lại cuộc xung đột toàn diện của Nga trong 1.000 ngày nay và tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi đáng kinh ngạc.
Thứ hai, Ukraine tiếp tục cải thiện năng lực quân sự và chuẩn bị cho khả năng tự cung tự cấp lâu dài.
Thứ ba, lực lượng Kiev được cho là đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên bằng tên lửa ATACMS tầm xa vào lãnh thổ Nga, nhằm vào một kho đạn dược ở Karachev, vùng Bryansk, vài ngày sau khi được "bật đèn xanh".
Thứ tư, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành học thuyết hạt nhân cập nhật vào ngày 19/11 như một phản ứng rõ ràng đối với quyết định của chính quyền Mỹ cho phép Ukraine tấn công tầm xa vào Nga và như một phần của nỗ lực đang diễn ra nhằm gây ảnh hưởng đến những người ra quyết định ở phương Tây để họ không cung cấp thêm hỗ trợ cho Ukraine.
Moscow liên tục cố gắng sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, và những nỗ lực liên tục của Điện Kremlin nhằm đưa các mối đe dọa hạt nhân lên truyền thông cho thấy Điện Kremlin lo ngại về hậu quả ở chiến trường trước các cuộc tấn công của Ukraine vào Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.
Thứ năm, Ukraine chỉ mới bắt đầu có được các hệ thống vũ khí và khả năng quân sự cần thiết để tiến hành chiến tranh hiện đại quy mô lớn, và trong tương lai, Kiev có thể tiến hành các cuộc phản công có ý nghĩa về mặt chiến thuật với điều kiện phương Tây tăng cường phát triển năng lực của Ukraine trên quy mô lớn.
Thứ sáu, quân đội Nga gần đây đã có những bước tiến được xác nhận vào khu tập trung quân chính của Ukraine ở khu vực Kursk và vào khu vực biên giới giữa Donetsk và Zaporizhia, trong khi quân đội Ukraine đã tiến về phía Bắc Kharkov.