"Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả các bên nên giữ bình tĩnh và kiềm chế, cùng nhau hợp tác thông qua đối thoại và tham vấn để giảm bớt căng thẳng và giảm thiểu rủi ro chiến lược", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian ngày 20/11 kêu gọi.
Ông nói thêm: "Lập trường của Trung Quốc trong việc khuyến khích tất cả các bên xuống thang tình hình và cam kết giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn không thay đổi. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này".
Tổng thống Vladimir Putin ngày 19/11 đã phê chuẩn những thay đổi đối với Nguyên tắc cơ bản trong chính sách nhà nước của Liên bang Nga về răn đe hạt nhân.
Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga phác thảo các kịch bản trong đó Moscow sẽ được phép triển khai kho vũ khí hạt nhân để đáp trả các mối đe dọa từ bên ngoài. Học thuyết hạt nhân sửa đổi mở rộng các điều kiện cho phép Nga sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân.
Theo học thuyết, hoạt động răn đe hạt nhân sẽ nhằm vào "một đối thủ tiềm tàng, có thể bao gồm các quốc gia riêng lẻ và các liên minh quân sự (khối, liên minh) coi Nga là đối thủ tiềm tàng và sở hữu vũ khí hạt nhân và/hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc có năng lực chiến đấu đáng kể của các lực lượng đa nhiệm".
Học thuyết quy định Nga cũng sẽ tiến hành răn đe hạt nhân đối với các quốc gia cung cấp lãnh thổ, hải phận, không phận và tài nguyên của họ để tấn công Nga.
Học thuyết sửa đổi nêu rõ, bất kỳ cuộc tấn công nào của một cường quốc phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân sẽ bị coi là cuộc tấn công chung nhằm vào Nga. Bất kỳ cuộc tấn công nào của một thành viên trong khối quân sự cũng sẽ bị coi là cuộc tấn công của toàn bộ liên minh.
So với phiên bản cũ, học thuyết sửa đổi chính thức mở rộng khả năng răn đe hạt nhân để bảo vệ Belarus với tư cách là thành viên của Nhà nước Liên minh, trước bất cứ cuộc tấn công nào kể cả bằng vũ khí thông thường đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Belarus.
Moscow thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần trước được cho là đã dỡ bỏ hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Washington viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hôm 19/11, Ukraine lần đầu tiên bắn tên lửa ATACMS vào vùng Bryansk của Nga. Bloomberg hôm qua cũng cho biết, Ukraine lần đầu tiên phóng tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
ATACMS và Storm Shadow có tầm bắn lên tới 300km. Đây được coi là những tên lửa mạnh nhất mà phương Tây cung cấp cho Ukraine cho đến nay.
Mỹ, Anh và Ukraine chưa xác nhận thông tin trên song những diễn biến mới này làm dấy lên lo ngại nguy cơ xung đột leo thang nghiêm trọng.
Phát biểu với các nhà báo sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "sử dụng mọi ảnh hưởng của mình" với Nga để các bên đạt một thỏa thuận xuống thang xung đột.
Theo ông Macron, Trung Quốc có "khả năng đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin để Nga ngừng tấn công vào Ukraine".
Trung Quốc tiếp tục tuyên bố là một bên trung lập trong cuộc chiến Ukraine và khẳng định không gửi viện trợ sát thương cho bên nào, không giống Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.