
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Tass).
"Vì những lý do hiển nhiên, Nga không có tên trong danh sách này, vì chúng tôi không có bất kỳ hoạt động thương mại hữu hình nào với Mỹ", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 4/4, đề cập đến việc Nga không có tên trong danh sách các quốc gia bị Mỹ áp thuế.
"Hiện tại hầu như không có bất kỳ mối quan hệ thương mại hoặc kinh tế nào", ông Peskov nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp thuế đối ứng quy mô lớn vào ngày 2/4. Trong số 180 quốc gia, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ, phải chịu thuế quan trả đũa, Nga không có trong danh sách này.
Sau thông báo của ông Trump tại Vườn Hồng, một quan chức Nhà Trắng giải thích rằng Nga "không có trong danh sách này vì các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến Ukraine đã khiến thương mại giữa hai nước về cơ bản bằng 0".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga khó có thể chịu bất kỳ tác động tích cực nào từ thuế quan của Mỹ, vì tình hình hỗn loạn trong nền kinh tế toàn cầu sẽ đòi hỏi những hành động thận trọng từ Moscow.
"Những mức thuế quan này của Mỹ sẽ không mang lại lợi ích. Nền kinh tế toàn cầu đang phản ứng rất cảm tính với những quyết định này. Chúng ta đang chứng kiến mức độ biến động cao trên thị trường quốc tế và tất nhiên, nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng hỗn loạn", ông Peskov cảnh báo.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn Điện Kremlin, hiện tại, những hành động khéo léo của tổng thống và chính phủ đã đảm bảo được sự ổn định cần thiết cho nền kinh tế Nga.
"Nhờ những hành động khéo léo của chính phủ chúng ta, cùng với tổng thống, nền kinh tế của chúng ta đang phát triển khá thành công. Một nền kinh tế mạnh mẽ và có khả năng phục hồi cao", ông Peskov nói.
"Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp phải tình trạng hỗn loạn", quan chức Nga nhấn mạnh, ám chỉ đến hậu quả từ đòn thuế quan của Mỹ.
Nga đang tìm cách gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên nước này do cuộc chiến ở Ukraine. Liên minh châu Âu mô tả các biện pháp trừng phạt chống Nga của họ là "to lớn và chưa từng có".
Kể từ thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga để gây áp lực lên Moscow. Các biện pháp này nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm năng lượng, tài chính, quốc phòng và công nghệ. Các ngân hàng lớn của Nga đã bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, tài sản của các nhà tài phiệt Nga bị đóng băng, và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ quan trọng.
Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào các cá nhân thân cận với Tổng thống Vladimir Putin, nhằm tác động lên Điện Kremlin bằng cách cô lập giới chính trị và kinh tế Nga. Phối hợp với các đồng minh ở châu Âu và châu Á, Mỹ đã mở rộng các lệnh trừng phạt này kể từ năm 2022 nhằm làm suy giảm khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Nga, đồng thời hỗ trợ Ukraine bằng viện trợ quân sự và tài chính.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham và Richard Blumenthal từ đảng Dân chủ đang đề xuất dự luật lưỡng đảng nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu Moscow không tham gia đàm phán hòa bình với Ukraine.
Dự luật đề xuất mức thuế 500% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu, khí đốt, uranium và các sản phẩm khác của Nga.
Tổng thống Trump cũng cảnh báo sẽ áp "thuế thứ cấp" lên các quốc gia mua dầu từ Nga nếu Moscow không đồng ý ngừng bắn ở Ukraine.