Bên trong chiến dịch tuần tra biển Baltic của NATO

04/04/2025 20:30

() - NATO triển khai chiến dịch Baltic Sentry để giám sát biển Baltic trong nỗ lực nhằm bảo vệ các tuyến cáp ngầm và đường ống đi qua đây.

Bên trong chiến dịch tuần tra biển Baltic của NATO - 1

Các tàu của NATO trong một cuộc tập trận trên biển Baltic vào năm 2023 (Ảnh: Reuters).

Trên tàu HNLMS Luymes, Chỉ huy Hải quân Bỉ Erik Kockx đang tuần tra ở Biển Baltic thì nhận được thông tin về một con tàu trong danh sách giám sát của NATO. 

Chiếc tàu trên xuất phát từ một cảng của Nga và bất ngờ giảm tốc độ khi đi qua gần một đường ống dưới đáy biển. Ngay lập tức, tàu Luymes di chuyển về phía con tàu chở dầu để xem xét.

Ông Kockx chỉ huy một lực lượng đặc nhiệm trong sứ mệnh mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm kiểm soát vùng biển nội địa mà các nước thành viên của khối chia sẻ với Nga. 

Chiến dịch mang tên Baltic Sentry được NATO triển khai từ tháng 1 sau hàng loạt vụ hư hại đối với các tuyến cáp và đường ống dưới biển do các tàu kéo neo làm đứt.

"Chúng tôi giống những camera an ninh trên biển", ông Kockx cho biết. Trước đó, nhiệm vụ chính của nhóm ông là rà phá mìn chưa nổ trên tuyến hàng hải nhộn nhịp này.

Theo các quan chức nắm rõ quá trình điều tra, đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy Nga liên quan trực tiếp tới các vụ hư hỏng cáp và đường ống, nhưng NATO vẫn duy trì sự cảnh giác cao độ.

Chiến dịch Baltic Sentry

Bên trong chiến dịch tuần tra biển Baltic của NATO - 2

Các quốc gia tiếp giáp biển Baltic có Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Latvia, Litva, Ba Lan, Nga, Thụy Điển (Ảnh: Wiki).

Chiến dịch Baltic Sentry triển khai ít nhất 10 tàu dưới quyền chỉ huy của NATO tại mọi thời điểm, chia thành hai nhóm tác chiến. Chiến dịch này cũng huy động nhiều hơn tàu từ hải quân, lực lượng tuần duyên và cảnh sát của 8 quốc gia thành viên NATO giáp Biển Baltic.

Các thiết bị bay không người lái dưới nước mới đang giám sát chặt chẽ các đường ống và cáp ngầm. Máy bay do thám của NATO từ Mỹ, Pháp, Đức và đôi khi là Anh luân phiên giám sát tuyến hàng hải từ trên cao. 

NATO cũng đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Baltic, theo tuyên bố của Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh Tối cao Lực lượng Đồng minh NATO tại châu Âu, người đã khởi xướng chiến dịch này.

Trên thực tế, nhiều đơn vị tham gia chiến dịch Baltic Sentry đã thực hiện các nhiệm vụ tương tự. Tuy nhiên, theo giới chức NATO, hiện nay, họ phối hợp và liên lạc chặt chẽ hơn dưới sự điều phối của Trung tâm Cơ sở hạ tầng dưới biển quan trọng, một cơ quan do Bộ Chỉ huy quân sự đồng minh NATO thành lập vào năm ngoái.

Mặc dù chiến dịch chủ yếu dựa vào lực lượng châu Âu, nhưng cuối tháng trước, một nhóm khoảng 40 lính thủy đánh bộ Mỹ đã đến Phần Lan để tham gia cuộc tập trận cảnh giác do NATO tổ chức. Hoạt động này bao gồm việc sử dụng máy bay không người lái và tàu nhỏ, kết hợp huấn luyện tác chiến trên đảo nhỏ, một kỹ năng có thể hữu ích ở các khu vực khác như Thái Bình Dương, theo giới chức quân sự.

Mục tiêu của NATO là ngăn chặn thêm thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dưới biển và có phản ứng nhanh hơn khi sự cố xảy ra. Khác với những chiến dịch quân sự thông thường, thành công của Baltic Sentry được đo lường bằng việc không cần phải hành động. Cảnh sát và điệp viên có thể đạt hiệu quả cao nhất khi họ ngăn chặn được những mối đe dọa trước khi chúng xảy ra.

Khi tàu của Chỉ huy Kockx tiếp cận con tàu chở dầu đáng ngờ, được cho là thuộc "hạm đội bóng tối" chuyên vận chuyển nhiên liệu lậu của Nga, nó bất ngờ tăng tốc và rời đi.

"Thật khó để chứng minh sự hiện diện của chúng tôi có tác dụng. Không ai có thể khẳng định nếu chúng tôi không ở đó, sự cố sẽ xảy ra", ông Kockx nói khi những con tàu hàng lặng lẽ lướt qua phía xa. Nhưng giống những tài xế sẽ lái xe cẩn thận hơn khi thấy xe cảnh sát, "chúng tôi nhận thấy hành vi của các tàu được cải thiện, chúng biết mình đang bị theo dõi", ông nhận định. 

Một điểm đặc biệt của chiến dịch Baltic Sentry là con tàu mà ông Kockx sử dụng để kiểm tra tàu chở dầu đáng ngờ không phải là tàu chiến. Đó là một tàu khảo sát thủy văn của Hải quân Hoàng gia Hà Lan, vốn được thiết kế để kiểm tra đáy biển.

Biển Baltic - thách thức an ninh và hạ tầng chiến lược của NATO

Biển Baltic, chiến trường quan trọng trong hai cuộc chiến tranh thế giới, vẫn ngổn ngang xác tàu đắm và vật liệu nổ, gây nguy hiểm tiềm tàng. Theo giới chức NATO, các nước thành viên giáp biển Baltic là những bên hàng đầu thế giới trong việc dò tìm và xử lý thủy lôi.

Ngày nay, tàu Luymes với hệ thống sonar tiên tiến, thiết bị thăm dò dưới nước và các công nghệ hiện đại khác đang đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát cáp và đường ống. Để đề phòng tình huống xấu, tàu còn được trang bị hai súng máy trên boong.

Biển Baltic là một trong những tuyến vận tải nhộn nhịp nhất thế giới với hơn 1.500 con tàu qua lại mỗi ngày, khiến việc kiểm soát trở nên vô cùng khó khăn.

Thách thức lớn ban đầu của NATO là thiếu một bức tranh tổng thể về hạ tầng quan trọng dưới đáy biển. Thông tin chi tiết về các tuyến cáp và đường ống vốn do chính phủ các nước hoặc công ty tư nhân nắm giữ, và không ai có cái nhìn toàn diện.

Năm ngoái, trung tâm hạ tầng ngầm mới của NATO đã lần đầu tiên lập bản đồ thống nhất về đáy biển Baltic. Các nhà phát triển phần mềm nội bộ của khối cũng đã xây dựng một ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích mô hình giao thông hàng hải, cả hiện tại và trong quá khứ. Công cụ này có tên Mainsail.

NATO đang kết hợp AI và sự giám sát của con người để phát hiện các hành vi đáng ngờ, như cách tàu di chuyển, cảng mà chúng ghé thăm và cách chúng phản ứng với tín hiệu radio từ các tàu tuần tra.

Trong khi tuần tra ngăn chặn các hành vi làm tổn hại, các tàu NATO vẫn duy trì các hoạt động huấn luyện thường xuyên. 

Tàu Hinnoy, Luymes cùng các tàu từ Thụy Điển, Pháp và Bỉ trong lực lượng của Chỉ huy Kockx thường xuyên tổ chức diễn tập phối hợp trên biển nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến. 

Các sĩ quan NATO cho biết họ đã ghi nhận những kết quả rõ rệt, thời gian phản ứng trước hoạt động đáng ngờ đã giảm từ 17 giờ vào tháng 10/2024 xuống còn 1 giờ.

Tuy nhiên, các hoạt động tuần tra hàng ngày vẫn gặp nhiều thách thức do có nhiều quốc gia và cơ quan có thể liên quan. "Có sự kết hợp phức tạp giữa các cơ quan thuộc các bộ nội vụ, lực lượng tuần duyên, cảnh sát, tổ chức quốc tế, tổ chức thương mại… Và trong mọi trường hợp, chúng tôi đều phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền", Tướng Christopher Cavoli nhấn mạnh khi phát động chiến dịch Baltic Sentry.

Các quan chức NATO hy vọng những thủy thủ đoàn có ý định gây thiệt hại, những người từng nghĩ rằng họ có thể hành động mà không bị phát hiện hoặc không bị trừng phạt, giờ đây sẽ lo sợ hậu quả, ít nhất là nguy cơ bị bắt giữ và tổn thất tài chính.

"Chúng tôi không thể triển khai một con tàu giám sát từng km hạ tầng dưới biển. Điều chúng tôi đang làm là thực hiện biện pháp răn đe", ông Niels Markussen, người đứng đầu trung tâm bảo vệ cơ sở hạ tầng của NATO, cho hay.

Bạn đang đọc bài viết "Bên trong chiến dịch tuần tra biển Baltic của NATO" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.