
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).
Trao đổi với nhà báo Pavel Zarubin trong một bộ phim tài liệu được công bố hôm 4/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga không phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine sớm hơn vì tin vào thỏa thuận Minsk và hướng đến giải quyết vấn đề Donbass một cách hòa bình.
Theo ông Putin, Nga không chuẩn bị cụ thể cho một chiến dịch quân sự, mà thay vào đó tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Donbass. Nga sẽ không thực hiện hành động quyết liệt đối với Ukraine nếu không giải quyết trước các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Tổng thống Putin tuyên bố, Mỹ công khai thừa nhận phương Tây đang tham gia vào một cuộc chiến tranh sinh tồn với Nga. Ông Putin nhấn mạnh rằng về cơ bản, Nga đang đơn độc trong cuộc đối đầu với toàn bộ phương Tây.
Cho đến năm 2022, Nga đã tiếp cận các thỏa thuận với các đối tác phương Tây với sự tin tưởng thận trọng. Việc ký kết các thỏa thuận Minsk là một khoảnh khắc đầy hy vọng đối với Nga, với kỳ vọng sự tuân thủ từ tất cả các bên.
Tuy nhiên, ông Putin chỉ ra rằng cuối cùng Nga đã bị lừa dối.
Ông nói thêm rằng phương Tây đã lợi dụng lệnh tạm dừng dưới vỏ bọc tuân thủ thỏa thuận Minsk để tái vũ trang cho Ukraine và chuẩn bị cho cuộc chiến với Nga.
Thỏa thuận Minsk được các nước thuộc Bộ tứ Normandy - gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức - đồng thuận tại thủ đô Minsk của Belarus vào năm 2015, nhằm mục tiêu khép lại cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine giữa chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập tại Donbass.
Thỏa thuận có những nội dung cụ thể như: quân đội Ukraine và phe đối lập ở Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine, nhất trí ngừng bắn, các chiến binh nước ngoài phải rời khỏi Ukraine, phóng thích tù nhân, Donetsk và Lugansk phải tiến hành bầu cử lại, Ukraine sẽ phải thay đổi hiến pháp để trao thêm nhiều quyền hơn nữa cho các vùng thuộc miền Đông nước này và khôi phục mọi hoạt động kinh tế tại miền Đông...
Tuy nhiên, trên thực tế, thỏa thuận này không được triển khai một cách đầy đủ, khiến giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra trong những năm qua, mặc dù trước đó, nhiều chuyên gia nhận định thỏa thuận Minsk có thể sẽ giúp định đoạt cục diện căng thẳng biên giới Ukraine.
Chiến dịch quân sự ở Ukraine
Tổng thống Putin cho biết khi các công ty phương Tây bắt đầu rời khỏi Nga, nhiều rủi ro đã đe dọa nền kinh tế nước này. Nhưng bất chấp những thách thức này, Nga đã không rơi vào khủng hoảng, nhờ vào nền tảng kinh tế vững chắc giúp Nga duy trì được khả năng phục hồi.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh mối nguy hiểm khi một quốc gia quá phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Ông cho rằng nếu Nga không dựa vào các giá trị truyền thống, nước này có nguy cơ mất đi bản sắc và cuối cùng là sự tồn vong của mình.
Tổng thống Putin khẳng định Nga có đủ khả năng để hoàn thành thành công chiến dịch quân sự ở Ukraine mà không cần dùng đến vũ khí hạt nhân.
"Họ muốn khiêu khích chúng tôi, muốn chúng tôi phạm sai lầm. Và không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi hy vọng rằng điều đó sẽ không cần thiết", ông nói thêm.
"Chúng tôi có đủ khả năng và phương tiện để hoàn thành những gì chúng tôi đã bắt đầu vào năm 2022 với kết quả mà Nga muốn", tổng thống Nga nhấn mạnh.
Trước đó, Nga đã nhiều lần khẳng định lập trường rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ là lựa chọn cuối cùng của nước này. Vào tháng 11 năm ngoái, ông Putin đã phê duyệt học thuyết hạt nhân mới của Nga.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Zarubin về việc liệu việc hòa giải với người dân Ukraine có khả thi trong tương lai hay không, ông Putin nói: "Tôi nghĩ rằng điều này là không thể tránh khỏi, bất chấp thảm kịch mà chúng ta đang trải qua hiện nay. Cần có thời gian. Đúng vậy, đây chỉ là vấn đề thời gian".
Ông Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng người Nga và người Ukraine là cùng một quốc gia và "đó là sự thật lịch sử".