
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Theo đó, Tòa án Tối cao Mỹ ngày 17/4 cho biết sẽ hoãn đưa ra phán quyết cho đến khi diễn ra phiên tranh luận vào ngày 15/5 để lắng nghe các lập luận liên quan đến nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc thực thi rộng rãi sắc lệnh hạn chế quyền công dân theo nơi sinh.
Ông Trump đã hoan nghênh quyết định trên. Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp cũng bày tỏ mong muốn trình bày quan điểm trước các thẩm phán.
Trước đó, sắc lệnh của Tổng thống Trump, được ký ngay trong ngày đầu tiên ông trở lại Nhà Trắng hôm 20/1, chỉ đạo các cơ quan liên bang không công nhận quyền công dân của những trẻ sinh ra tại Mỹ mà không có ít nhất một phụ huynh là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp.
Nhiều vụ kiện đã được đệ trình, với nguyên đơn bao gồm 22 Tổng chưởng lý bang thuộc đảng Dân chủ, những người bảo vệ quyền của người nhập cư, và một số phụ nữ đang mang thai. Họ cho rằng sắc lệnh của ông Trump vi phạm Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, được phê chuẩn năm 1868, quy định rằng bất kỳ ai sinh ra ở Mỹ đều là công dân Mỹ.
Điều khoản về quyền công dân trong Tu chính án thứ 14 nêu rõ: "Tất cả những người sinh ra hoặc được nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lý của nước này đều là công dân của Mỹ và bang nơi họ cư trú".
Tổng chưởng lý bang New Jersey, ông Matthew Platkin, người đang dẫn đầu một trong những vụ kiện chống lại sắc lệnh của ông Trump, nhấn mạnh: "Quyền công dân theo nơi sinh đã được ghi rõ trong Hiến pháp sau nội chiến, được củng cố bởi hàng loạt phán quyết của Tòa án Tối cao và đảm bảo rằng một quyền cơ bản như quyền công dân không thể bị thay đổi theo ý muốn của một cá nhân".
Chính quyền Tổng thống Donald Trump lập luận rằng Tu chính án thứ 14, lâu nay được hiểu là cấp quyền công dân cho hầu hết những ai sinh ra tại Mỹ, không áp dụng cho những người nhập cư bất hợp pháp, thậm chí cả những người hiện diện hợp pháp nhưng tạm thời như du học sinh hay người lao động có thị thực.