Mỹ - Ukraine ký văn kiện đất hiếm: Ván cờ nghìn tỷ USD chưa ngã ngũ

19/04/2025 12:30

() - Dù Mỹ và Ukraine đã ký văn kiện đầu tiên liên quan tới khoáng sản của phía Kiev nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi đằng sau bản ghi nhớ này.

Mỹ - Ukraine ký văn kiện đất hiếm: Ván cờ nghìn tỷ USD chưa ngã ngũ - 1

Một mỏ khoáng sản của Ukraine (Ảnh minh họa: Reuters).

Tối muộn ngày 18/4, Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yuliia Svyrydenko và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã ký kết văn kiện đầu tiên trong khuôn khổ đàm phán về tài nguyên khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD mà Kiev sở hữu dưới lòng đất.

Dù chỉ là một bản ghi nhớ mang tính chính trị dài vỏn vẹn một trang, không có chi tiết tài chính cụ thể, nhưng nó đánh dấu bước đi quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện giữa hai nước.

Theo các nguồn tin của European Pravda, Mỹ muốn ký biên bản này. Bộ trưởng Bessent hoặc thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như muốn có một "thành quả" rõ ràng trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh như một bước tiến trong quan hệ Mỹ - Ukraine. Dù vậy, văn bản này lại mang đến cho Kiev một số lợi thế chiến thuật đáng kể.

Một điểm đáng chú ý nhất là lần đầu tiên, bản ghi nhớ đề cập tới việc viện trợ quân sự của Mỹ được gắn trực tiếp với Biên bản Budapest năm 1994, văn kiện mà Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy các cam kết an ninh từ các cường quốc, trong đó có Mỹ. Điều khoản này có thể giúp Ukraine phản bác lại yêu cầu "hoàn trả" viện trợ từ phía ông Trump trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Thêm vào đó, bản ghi nhớ nêu rõ rằng thỏa thuận tương lai không được xung đột với nghĩa vụ hiện tại và tương lai của Ukraine với EU, IMF hay các tổ chức tài chính khác. Mỹ cam kết sẽ "tôn trọng" những ràng buộc quốc tế này của Ukraine trong quá trình soạn thảo thỏa thuận, một điểm được Kiev đánh giá là thành công chiến thuật.

Trước đó, đã có những lo ngại rằng việc Mỹ muốn kiểm soát khoáng sản của Ukraine có thể sẽ khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc đàm phán gia nhập EU. Việc Kiev đàm phán được điều khoản trên sẽ giúp họ có căn cứ để đảm bảo việc vào liên minh châu Âu không gặp trở ngại.

Tuy nhiên, một điểm gây lo ngại là thời hạn quá ngắn: Hai bên kỳ vọng sẽ báo cáo tiến độ vào ngày 26/4, với mục tiêu ký kết ngay sau đó.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin của European Pravda, thỏa thuận chi tiết vẫn còn cách rất xa vạch đích. Trong bối cảnh lễ Phục sinh sắp tới, việc hoàn tất đàm phán chỉ trong một tuần là gần như bất khả thi, trừ khi Ukraine chịu nhượng bộ hoàn toàn, điều không có khả năng xảy ra sau những vòng thương lượng đầy căng thẳng vừa qua.

Đáng chú ý, tiến trình đàm phán đã nhiều lần thay đổi. Ban đầu Mỹ đề xuất tiến hành 2 giai đoạn (biên bản khung rồi mới đến thỏa thuận chi tiết), sau đó bất ngờ bỏ qua giai đoạn khung và gửi thẳng dự thảo đầy đủ. Nhưng giữa tháng 4, Washington lại quay lại với mô hình 2 giai đoạn, và bản ghi nhớ chính là kết quả bước đầu.

Dù biên bản không có chi tiết về tài chính, một điều khoản nổi bật là việc lần đầu tiên gắn viện trợ của Mỹ với sự đóng góp của Ukraine cho an ninh toàn cầu, thông qua việc nước này từ bỏ kho hạt nhân từng là lớn thứ 3 thế giới.

Điều này ngầm gửi một thông điệp đến phía Mỹ: Nếu Washington muốn Ukraine "bồi hoàn" cho các khoản viện trợ Washington cấp từ năm 2022 tới nay, thì Kiev có thể đề nghị định giá kho vũ khí hạt nhân mà nước này từng từ bỏ sau khi Liên Xô cũ sụp đổ.

Ngoài ra, hai bên có thể cùng thừa nhận: Cả Ukraine lẫn Mỹ đều đã góp phần vào hòa bình thế giới, và sẽ không ai đòi bên kia "trả nợ". Tuy nhiên, hai kịch bản trên có thể khó xảy ra khi ông Trump là người có quan điểm "nước Mỹ là trên hết" và sẽ làm mọi cách để đảm bảo lợi ích an ninh của Washington.

Dù bản ghi nhớ không đề cập trực tiếp đến chuyện hoàn lại viện trợ, nhưng đây vẫn là rào cản lớn. Phía Ukraine kiên quyết không chấp nhận đề xuất của ông Trump rằng Kiev phải chia lợi nhuận tương lai từ tài nguyên khoáng sản để "trả lại" viện trợ quân sự đã nhận.

Biên bản ghi nhớ ký kết tối 18/4 có thể không mang giá trị ràng buộc pháp lý hay tài chính, nhưng lại mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Với Mỹ, nó là một thành tựu ngoại giao. Với Ukraine, đó là một cơ hội để đưa các lợi ích chiến lược vào khung đàm phán, đồng thời giữ vững các lằn ranh đỏ trước sức ép từ Washington.

Mặc dù vậy, hai bên vẫn còn rất nhiều điểm cần đàm phán và ván cờ giằng co này dự đoán sẽ khó có thể nhanh chóng ngã ngũ.

Bạn đang đọc bài viết "Mỹ - Ukraine ký văn kiện đất hiếm: Ván cờ nghìn tỷ USD chưa ngã ngũ" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.