Nguyễn Minh Phương
Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY)
Email: nguyenphuong98.neu@gmail.com
Tóm tắt
Campuchia hiện đang là một thị trường tiềm năng để phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Thời gian gần đây, Chính phủ quốc gia này đã đưa ra rất nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành Fintech, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung và công ty VNPAY nói riêng thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Bài viết tập trung phân tích thực trạng kinh doanh của công ty VNPAY tại thị trường Campuchia, từ đó đưa ra giải pháp đẩy mạnh hoạt động này trong giai đoạn tới.
Từ khóa: Fintech, thúc đẩy kinh doanh, VNPAY, Campuchia
Summary
Cambodia is currently a potential market for developing the financial technology (Fintech) sector. Recently, the Government of this country has introduced many measures to support the development of the Fintech industry, thereby creating conditions for businesses in general and VNPAY in particular to promote business activities. The article analyzes VNPAY's business situation in the Cambodian market, proposing solutions to promote this activity in the coming period.
Keywords: Fintech, promoting business, VNPAY, Cambodia
GIỚI THIỆU
CamboPay thành lập vào năm 2011 tại Campuchia với 100% vốn đầu tư từ VnPay. Công ty cung cấp các giải pháp phục vụ kinh doanh cốt lõi trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, công nghệ thông tin – viễn thông. Tới nay, CamboPay đã ký kết mối quan hệ đối tác với nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính, công ty viễn thông cùng các doanh nghiệp tài chính khác trên lãnh thổ Campuchia. Tuy vậy, CamboPay vẫn chưa chiếm ưu thế trên thị trường Campuchia và vẫn lép vế so với các đối thủ khác như Metfone (Viettel), Wing Money… Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng thúc đẩy kinh doanh cùng các ưu điểm, hạn chế của doanh nghiệp trong quá trình này là rất cần thiết, từ đó có các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy kinh doanh trong thời gian tới.
CƠ SỞ LÝ LUẬN
Để thực hiện thúc đẩy kinh doanh tại một thị trường mới ở nước ngoài, doanh nghiệp cần phải có một kế hoạch rõ ràng, xác định được mục tiêu cụ thể và thực hiện nó một cách khéo léo. Dựa trên 5 chức năng quản trị Fayol, có thể tóm gọn các nội dung doanh nghiệp cần thực hiện để xây dựng và triển khai kế hoạch thúc đẩy kinh doanh, bao gồm các bước:
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu thị trường: Nghiên cứu thị trường là quá trình thu thập, phân tích thông tin về thị trường mục tiêu để hiểu rõ nhu cầu, thói quen tiêu dùng và xu hướng của khách hàng. Hoạt động này giúp doanh nghiệp ra quyết định chính xác hơn trong việc phát triển sản phẩm hay lập chiến lược thúc đẩy kinh doanh. Trong nghiên cứu thị trường, thông tin thu thập được có thể được chia làm 2 loại chính là thông tin sơ cấp và thông tin thứ cấp, giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về thị trường mục tiêu.
Lập kế hoạch thúc đẩy kinh doanh tại thị trường nước ngoài: Lập kế hoạch thúc đẩy kinh doanh là việc đưa ra những mục tiêu cụ thể và các bước thực hiện cụ thể để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường. Doanh nghiệp cần xây dựng từng bước, từ kế hoạch thu hút và tìm kiếm khách hàng, cho đến việc triển khai các chương trình khuyến mãi, quyết định chính sách giá và chăm sóc khách hàng. Hoạt động này giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và liên tục tiếp cận tới khách hàng, nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận cụ thể.
Thực hiện kế hoạch thúc đẩy kinh doanh tại thị trường nước ngoài: Trước tiên, để thực hiện được kế hoạch thúc đẩy kinh doanh, doanh nghiệp cần xây dựng bộ máy tổ chức phù hợp với chiến lược đã đề ra. Các nhà lãnh đạo đứng đầu bộ máy tổ chức sẽ là những người được tuyển chọn kỹ lượng, với mục tiêu quản lý nguồn lực và quy trình triển khai của nhân sự. Việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm và phối hợp giữa các phòng ban cũng giúp quy trình làm việc trở nên hiệu quả, tránh bị chồng chéo và tăng cường hiệu suất. Các nhà quản lý cấp trung cũng đóng vai trò trong việc theo sát quá trình thực hiện của nhân sự, đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Kiểm tra, kiểm soát kế hoạch thúc đẩy kinh doanh: Đây là công tác quan trọng, hiện diện xuyên suốt quá trình doanh nghiệp triển khai kế hoạch thúc đẩy kinh doanh tại thị trường nước ngoài, nhằm giúp doanh nghiệp đảm bảo mọi hoạt động diễn ra theo đúng định hướng đã đề ra. Trong quá trình triển khai, các nhà quản lý cấp trung luôn phải giám sát chặt chẽ các bước trong kế hoạch và liên tục có sự đánh giá để xem xét mức độ khả thi của kế hoạch. Những sai lệch, sai sót là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu có sự am hiểu và quản lý chặt chẽ, các đội nhóm sẽ dễ dàng đưa ra những giải pháp kịp thời để điều chỉnh kế hoạch trở về đúng quỹ đạo thực hiện. Cơ chế ghi nhận và báo cáo tiến độ định kỳ rất hiệu quả để các nhà quản lý nắm được tình hình và rút kinh nghiệm quý báu cho những lần triển khai
THỰC TRẠNG THÚC ĐẨY KINH DOANH CỦA CÔNG TY VNPAY TẠI THỊ TRƯỜNG CAMPUCHIA
Hoạt động nghiên cứu thị trường
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thị trường, trong những năm đầu thành lập, CamboPay đã thúc đẩy nhân sự, đặc biệt là bộ phận kinh doanh tìm hiểu về môi trường bên ngoài doanh nghiệp. Bên cạnh việc thu thập dữ liệu thứ cấp thông qua các báo cáo và dữ liệu thống kê trên internet, cán bộ nhân viên và cả cán bộ quản lý đều chủ động thu thập thông tin sơ cấp thông qua hoạt động khảo sát, phỏng vấn với các khách hàng đang và là đối tác và các khách hàng mục tiêu của công ty.
Thông qua quá trình tìm hiểu, CamboPay nhận thấy Campuchia có các ngân hàng thương mại và ngân hàng chuyên dụng. Trong đó, nhóm ngân hàng chuyên dụng tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như: nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, nổi bật có Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Campuchia (ARDB); nhóm ngân hàng thương mại tập trung vào các dịch vụ tài chính cho cá nhân và công ty, cung cấp các dịch vụ ngân hàng và tài chính, với các ngân hàng nổi bật như: Canadia Bank, Acleda Bank, ANZ royal Bank. CamboPay hiện đã là đối tác cung cấp dịch vụ với cả 2 loại hình ngân hàng này.
Tất cả các dữ liệu thu thập được từ cán bộ và từ bên thứ ba sẽ được chuyển về trụ sở chính VNPAY để xử lý thông tin. Đội ngũ phân tích dữ liệu tại trụ sở ở Việt Nam sẽ thực hiện kiểm chứng, phân tích kỹ lưỡng để đưa ra các dự báo các thông tin, kết hợp với trao đổi thực tế với phòng Kinh doanh tại CamboPay để đưa ra những đề xuất tới ban lãnh đạo. Từ những dữ kiện này, đội ngũ ban lãnh đạo sẽ có những cuộc họp trao đổi để thống nhất chiến lược kinh doanh tổng thể và đưa ra những quyết định phù hợp.
Lập kế hoạch thúc đẩy kinh doanh tại thị trường Campuchia
Các dữ liệu từ hoạt động nghiên cứu thị trường là cơ sở để ban lãnh đạo thống nhất các chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp. Trên cơ sở về định hướng, mục tiêu chung được đưa ra từ ban lãnh đạo và phối hợp với các phòng ban hỗ trợ, bộ phận bán hàng sẽ chủ động lên kế hoạch thúc đẩy kinh doanh. Bộ phận này sẽ có trách nhiệm xác định các mục tiêu trong ngắn hạn (theo tháng, quý) và mục tiêu dài hạn (theo năm) dựa trên những phân tích về doanh nghiệp và sự hướng dẫn từ đội ngũ lãnh đạo.
Ngoài kế hoạch phát triển các tính năng chung cho các khách hàng, CamboPay cũng lên kế hoạch mở rộng gói sản phẩm cung cấp tới các đối tác. Phòng kinh doanh, nghiệp vụ sẽ làm việc với khách hàng và tập hợp các yêu cầu về tính năng cho sản phẩm để phòng Công nghệ thông tin đánh giá và xếp loại ưu tiên. Từ đó, phòng Công nghệ thông tin sẽ lên kế hoạch xây dựng và hoàn thiện sản phẩm dựa theo thời gian hai phòng thống nhất, từ đó cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy kinh doanh.
Để thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả tối ưu, doanh nghiệp không thể bỏ qua kế hoạch phân bổ nguồn nhân lực và bổ tài chính. Nhằm đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn thúc đẩy kinh doanh, CamboPay đã bổ sung nhân lực đảm nhiệm những trọng trách kinh doanh và phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, CamboPay cũng lên kế hoạch tổ chức các buổi đào tạo để nâng cao năng lực và trình độ của cán bộ nhân viên. Hoạt động chăm lo đời sống cho nhân viên cũng được chú trọng để giữ mức biến động nhân sự ở tỷ lệ thấp nhất, đồng thời giúp nhân sự có tinh thần thoải mái và tập trung cho công việc.
Song song với hoạt động phân bổ nguồn nhân lực, CamboPay cũng xây dựng kế hoạch phân bổ tài chính một cách khoa học. CamboPay có nguồn lực tài chính vững mạnh từ VNPAY, tuy nhiên công ty cũng đang nhanh chóng đẩy mạnh kinh doanh để tự chuẩn bị nguồn tiền lưu động cho các trường hợp đột xuất.
Triển khai kế hoạch thúc đẩy kinh doanh tại thị trường Campuchia
CamboPay cung cấp dịch vụ chủ yếu cho đối tác thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Trong thời gian đầu kinh doanh, Công ty phụ thuộc rất nhiều từ mối quan hệ của công ty mẹ - VNPAY để tiếp cận và hợp tác với các ngân hàng Việt Nam mở chi nhánh tại nước ngoài. VNPAY đã thực hiện ký kết hợp tác toàn diện thông qua việc triển khai dịch vụ Mobile banking tới 3 ngân hàng Việt Nam có sự hiện diện ở Campuchia (bao gồm: Ngân hàng BIDC - công ty con của ngân hàng BIDV, Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng MB Bank) và 3 ngân hàng ở nước sở tại (bao gồm: CP Bank, Phillipbank, Hattha Bank). Các ngân hàng này đóng vai trò nền tảng để doanh nghiệp mở rộng thêm các mối quan hệ trên thị trường.
Trong quá trình triển khai, CamboPay chú trọng xây dựng mối quan hệ bền chặt với đối tác, thông qua việc sẵn sàng hỗ trợ 24/7 các dịch vụ và chủ động cập nhật các thay đổi của thị trường để cải tiến các tính năng. Công ty sẵn sàng dành thời gian tổ chức các buổi đào tạo để hỗ trợ nhân sự của đối tác hiểu và làm quen với hệ thống, từ đó dễ dàng thao tác khi có những thay đổi. Các buổi đào tạo được thu xếp cùng với thời gian triển khai tính năng mới, có sự tham gia của đội ngũ kỹ thuật và nghiệp vụ để demo sản phẩm và giải đáp các thắc mắc nhanh chóng.
Để đáp ứng với nhu cầu của đối tác, CamboPay cũng quyết định chuyển hướng trọng tâm sang mô hình Saas (phần mềm dạng dịch vụ) tương tự như VNPAY đang triển khai ở thị trường Việt Nam. Đây là một dịch vụ được các nhà cung cấp mang đến cho người dùng đầu cuối sử dụng dựa trên công nghệ đám mây. Với SaaS, người dùng chỉ cần truy cập một ứng dụng thông qua trình duyệt internet và nhận được đầy đủ thông tin cập nhật real-time. Về lâu dài, mô hình đã cho thấy sự thành công và được ưa chuộng tại Việt Nam, vì thế CamboPay quyết định phát triển mô hình tương tự tại Campuchia.
Kiểm tra, kiểm soát kế hoạch thúc đẩy kinh doanh
Để đạt được mục tiêu tiến tới vị trí top 1 trong lĩnh vực Fintech, chuyển đổi số, CamboPay đã lên kế hoạch cụ thể về chỉ tiêu theo từng giai đoạn thời gian. Các kế hoạch luôn được xem xét trong từng thời điểm về mức độ khả thi và khả năng triển khai, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.
CamboPay thực hiện quản trị mục tiêu theo quý và năm. Đây là phương pháp được lựa chọn thông qua quá trình nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược kinh doanh, tổ chức thực hiện và điều chỉnh chiến lược, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững. Công tác quản lý được thực hiện từ trên xuống dưới, xét duyệt đầy đủ qua các bộ phận và được chỉ đạo thông qua Giám đốc ở Campuchia tới từng phòng ban. Các vị trí quản lý thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của nhân sự bên dưới để kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, các chính sách thưởng - phạt cũng được thực hiện để khích lệ tinh thần nhân sự trong mỗi kỳ đánh giá sau khi triển khai.
ĐÁNH GIÁ CHUNG
Việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia Việt Nam đem lại lợi ích đáng kể cho VNPAY, giúp tăng cường doanh thu và cũng mở ra cơ hội tiếp cận với nguồn khách hàng mới. Campuchia là thị trường đầu tiên và cũng hiện là thị trường duy nhất mà VNPAY thực hiện hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Hoạt động kinh doanh của VNPAY tại quốc gia này có nhiều điểm sáng:
Thứ nhất, doanh thu của CamboPay trong thời gian gần đây liên tục tăng trưởng. Điều này có nghĩa là, CamboPay đã đề ra những chiến lược đúng đắn và dần khẳng định vị thế trên thị trường công nghệ tài chính ở Campuchia. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh còn nhỏ, nhưng CamboPay có tiềm năng lớn trong việc tiếp tục khai thác thị trường này.
Thứ hai, CamboPay liên tục gia tăng số lượng đối tác ký kết thành công các thỏa thuận chiến lược, cho thấy thương hiệu xây dựng đã có chỗ đứng và được khách hàng tin tưởng. Theo số liệu nội bộ doanh nghiệp, tính tới năm 2024, CamboPay đã triển khai hợp tác với 24 ngân hàng và tổ chức tài chính, trên tổng số khoảng 70 ngân hàng và tổ chức tài chính ở Campuchia, chiếm tỷ lệ gần 35% các khách hàng mục tiêu.
Thứ ba, các sản phẩm, dịch vụ đã được công ty cải tiến và cập nhật liên tục, thành công xin được giấy phép PSP. Giấy phép này PSP giúp công ty bên thứ ba cho phép các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán trực tuyến, chẳng hạn như thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Nhờ đó, CamboPay đang dịch chuyển dần sang mô hình SaaS tân tiến, tiến gần hơn tới mục tiêu mở rộng thêm hình thức ví điện tử.
Tuy nhiên, cũng cần nhận diện rõ những hạn chế mà VNPAY đang gặp phải tại thị trường Campuchia:
- CamboPay chưa chiếm lĩnh được thị trường khi thị phần nắm giữ còn nhỏ bé. Sau hơn 10 năm phát triển và thâm nhập thị trường Fintech ở Campuchia, CamboPay vẫn chưa nắm được hơn 2% thị phần. Các dịch vụ đang cung cấp như: SMS, Topup có thị phần bị cạnh tranh gay gắt với margin thấp, chưa có tiềm năng đột phá trong tương lai gần. Đối thủ cạnh tranh của những dịch vụ này là những doanh nghiệp lớn và có tiếng như: Metfone (Viettel), WingMoney…
- Mặc dù CamboPay vẫn thu hút được các đối tác mới, song tỷ lệ tăng trưởng đối tác mới đang có xu hưởng giảm đáng kể so với các năm trước. Trước bối cảnh thị trường có nhiều cạnh tranh và sự xuất hiện của các xu thế công nghệ mới, CamboPay chưa có sự chuyển mình đủ nhanh để thích nghi với các thay đổi. Công tác chăm sóc và xây dựng quan hệ với đối tác đang chững lại, chưa có những đột phá mới.
- Tốc độ tăng trưởng từ doanh thu của đối tác mới còn khá thấp. Công ty thành công trong việc giữ chân các đối tác cũ, duy trì mối quan hệ từ đó thu được nguồn doanh thu ổn định từ đối tượng này, tuy nhiên lại không làm tốt đối với đối tác mới. Bên cạnh sự ảnh hưởng do tốc độ phát triển đối tác mới còn chậm, CamboPay còn gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị hợp đồng.
- Tỷ trọng phần tram doanh thu và lợi nhuận tại thị trường Campuchia còn nhỏ khi so sánh với thị trường Việt Nam, dẫn tới các hoạt động tập trung và nguồn lực đầu tư cho thị trường này chưa được đầu tư xứng với tiềm năng của CamboPay. Công ty mẹ VNPAY vẫn chưa tập trung đầu tư tài chính sang Campuchia, khiến cho CamboPay gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ nguồn tiền cho các hoạt động.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Để thúc đẩy kinh doanh của VNPAY tại thị trường Campuchia đến năm 2030, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng các khóa đào tạo về tiếng Việt nhằm tăng cường khả năng giao tiếp và trao đổi bằng tiếng Việt cho cán bộ nhân viên CamboPay, từ đó nắm bắt các yêu cầu từ ban lãnh đạo và làm việc với các chuyên gia người Việt Nam. Thông qua việc cải thiện khả năng trao đổi và hiểu tiếng Việt, cán bộ nhân viên sẽ nâng cao chất lượng thực hiện công việc và triển khai công việc đúng với yêu cầu.
Hai là, thiết kế các khóa đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Các cán bộ nhân viên cần nâng cao trình độ công nghệ thông tin, bổ sung thêm các chứng chỉ công nghệ, cập nhật các xu thế công nghệ mới và áp dụng nhuần nhuyễn trong công việc.
Ba là, bổ sung các phúc lợi, chế độ lương thưởng để thúc đẩy nhân viên, góp phần thu hút lực lượng lao động người bản địa, giảm thiểu việc mượn nhân sự từ công ty mẹ, giúp CamboPay tiết kiệm được chi phí di chuyển.
Bốn là, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phù hợp với thị hiếu của người dân Campuchia. Đặc biệt, CamboPay cũng cần nâng cao nhận thức của người dùng, giúp người dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đó khuyến khích người dân tích cực tìm hiểu và sử dụng các công nghệ mới./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Truyền thông VNPAY (2020), BIDC Mobile Banking Viet Nam “trình làng” nhiều tính năng mới với trải nghiệm mượt mà, truy cập từ https://vnpay.vn/bidc-mobile-banking-viet-nam-trinh-lang-nhieu-tinh-nang-moi-voi-trai-nghiem-muot-ma-du04pudwvq.
2. Dan Irascu (2023), The IT Industry in Cambodia: Country Profile & Overview, retrieved from https://techbehemoths.com/blog/the-it-industry-in-cambodia-country-profile-overview.
3. Henri Fayol (1916), Administration Industrielle et Generale (General and Industrial Management), retrieved from https://books.google.com.vn/books/about/ Administration_industrielle_et_g%C3%A9n%C3%A9ral.html?id=qHbVvedouKMC&redir_esc=y.
4. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp, số 59/2020/QH14, ngày 17/06/2020.
Ngày nhận bài: 20/10/2024; Ngày phản biện: 15/11/2024; Ngày duyệt đăng: 05/12/2024 |