Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh An Giang

12/12/2024 20:30

Cộng đồng doanh nghiệp An Giang đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, sự phát triển của các DNNVV đã tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của Tỉnh.

TS. Nguyễn Thị Hoa

Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

An Giang là tỉnh có số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) rất lớn, chiếm gần 99% trên tổng số doanh nghiệp của tỉnh. Các DNNVV có đóng góp to lớn trong việc thu hút vốn; giải quyết vấn đề an sinh xã hội; giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; đội ngũ doanh nhân của tỉnh cũng đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bài viết đánh giá quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV, từ đó tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh An Giang.

Từ khóa: doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách hỗ trợ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp An Giang.

Summary

An Giang is a province with a huge number of small and medium-sized enterprises, accounting for nearly 99% of the total enterprises in the province. Small and medium-sized enterprises have made enormous contributions to attracting capital; solving social security issues; solving employment for workers, and contributing to accelerating the process of shifting the labor structure from the agricultural and rural areas to the industrial and service sectors; the province's business community has also gradually developed in both quantity and quality. The article evaluates the implementation of policies to support small and medium-sized enterprises, from which the author proposes several solutions to improve the effectiveness of implementing policies to support small and medium-sized enterprises in An Giang Province.

Keywords: small and medium-sized enterprises, support policies, business support policies, An Giang enterprises.

GIỚI THIỆU

Thời gian qua, chính quyền tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích người dân có ý định kinh doanh thành lập doanh nghiệp, chính sách khuyến khích chuyển đổi loại hình từ hộ kinh doanh sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ DNNVV mới thành lập để giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, đến tháng 10/2024, An Giang có 8.081 DNNVV đang hoạt động, tạo việc làm cho 25.097 lao động, doanh thu hàng năm đạt 52.932 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp An Giang đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, sự phát triển của các DNNVV đã tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của Tỉnh từ năm 2021 đến tháng 10/2024 đạt mức 5,14%. Giai đoạn này, tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn ước đạt 23.048 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 98.589 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV trên địa bàn Tỉnh còn gặp một số khó khăn nhất định đã ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chính sách.

THỰC TRẠNG THỰC HIỆN HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DNNVV TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV

Theo số liệu về DNNVV của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang đến tháng 10/2024, cho thấy: các doanh nghiệp được hỗ trợ, hỗ trợ thuế và kế toán chiếm nhiều nhất (150 doanh nghiệp), tiếp đến là hỗ trợ thông tin tư vấn (95 doanh nghiệp), hỗ trợ đào tạo (65 doanh nghiệp), thấp nhất là hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường (18 doanh nghiệp). Năm 2024, Tỉnh dành hơn 38,5 tỷ đồng hỗ trợ công nghệ cho DNNVV mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm; tư vấn các lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm; đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp đủ khả năng quản trị kinh doanh trong bối cảnh mới. Nhất là, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, nhằm giúp doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tham gia cho vay đối với khu vực DNNVV, kết quả dư nợ cho vay doanh nghiệp đến tháng 10/2024 đạt 31.567 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng của DNNVV đạt 22.345 tỷ đồng, tăng 8,09% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (58%), công nghiệp chế biến và xây dựng (41%) (Hình).

Hình: Dư nợ tính dụng của DNNVV

Đơn vị: Tỷ đồng

Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh An Giang

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang

Bên cạnh đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV các sở, ngành tỉnh, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp doanh nghiệp.

Tuy đạt một số kết quả quan trọng, nhưng việc hỗ trợ DNNVV thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, như: Nguồn kinh phí của Tỉnh còn hạn chế, chưa đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ; Nhiều nội dung hỗ trợ chủ yếu lồng ghép hoặc hoạt động tuyên truyền là chính. Số doanh nghiệp thành lập còn thấp; Ngành nghề kinh doanh chưa đa dạng, chủ yếu tập trung vào các ngành nghề kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Nguyên nhân được chỉ ra là các chính sách hỗ trợ DNNVV của tỉnh hiện tại chưa đủ hấp dẫn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là công tác tổ chức thực thi chính sách vẫn còn nhiều hạn chế. DNNVV do thiếu thông tin tuyên truyền, nên chưa tiếp cận để nhận được hỗ trợ từ các chính sách một được hiệu quả; tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia vào các chính sách hỗ trợ còn khiêm tốn; việc phối hợp giữa các giữa các cấp, các ngành trong quản lý, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho DNNVV chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thậm chí còn sai lệch so với mục tiêu chính sách đề ra.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DNNVV TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Một là, xây dựng, ban hành chính sách có chất lượng và phù hợp hơn, đúng theo nguyên tắc quy định để dễ dàng triển khai thực hiện

Hiệu quả của việc thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV đòi hỏi chính sách ban hành phải có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của đối tượng thụ hưởng; phải có sự thống nhất, phù hợp nhất quán trong công tác phối hợp, công tác tổ chức thực hiện. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ DNNVV đòi hỏi các cấp độ chủ thể có thẩm quyền cần phải tính toán đến mọi khía cạnh có liên quan, từ nhu cầu của bộ máy quản lý đến điều kiện thụ hưởng chính sách, từ yêu cầu thực tế đến các căn cứ pháp luật. Đặc biệt phải đảm bảo theo quy trình tổ chức thực hiện chính sách và đảm bảo đúng theo nguyên tắc được quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của luật hỗ trợ DNNVV. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, chính sách trước khi ban hành phải lấy ý kiến cơ quan được giao chủ trì ở Trung ương nhằm đảm bảo thống nhất về tính đồng bộ, mục tiêu, đối tượng hỗ trợ để trình Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang quyết định chủ trương trước khi ra quyết định phê duyệt triển khai thực hiện nội dung chính sách hỗ trợ DNNVV.

Thứ hai, sau khi ban hành, phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ DNNVV để giúp cho đối tượng thụ hưởng chính sách hiểu rõ về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của chính sách.

Thứ ba, xây dựng quy chế phối hợp mang tính đồng bộ, thống nhất để lực lượng làm công tác thực hiện chính sách triển khai có hiệu quả.

Thứ tư, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV để kịp thời bổ sung, điều chỉnh chính sách, nhất là quá trình tổ chức thực hiện chính sách có phù hợp phù hợp với tình hình thực tiễn hay không.

Thứ năm, định kỳ báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình triển khai thực hiện chính sách; tiến hành tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm sau thời gian triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV.

Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của chính sách quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, hỗ trợ DNNVV phục hồi sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ số để chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ tư vấn đổi mới công nghệ; phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV...

Quán triệt triển khai các nội dung của chính sách một cách có hiệu quả, thống nhất và kịp thời, giúp DNNVV có hướng đi phù hợp để phát triển.

Ba là, nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV

Kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV đảm bảo kiến thức pháp luật cơ bản và năng lực công tác phù hợp, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Hàng năm, tổ chức đánh giá phân loại công chức, viên chức về hiệu quả thực thi công vụ, kịp thời động viên, khen thưởng, nêu gương trong việc phát huy vai trò triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động trong việc tham mưu thực hiện chính sách.

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV của các cơ quan chức năng; kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV, như: thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, đối xử không bình đẳng giữa các đối tượng nhận hỗ trợ, gây khó dễ, phiền hà cho đối tượng được hưởng chính sách và thủ tục hành chính… Trong quá trình kiểm tra, giám sát, kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Bốn là, quán triệt, tuyên truyền và công khai, minh bạch chính sách hỗ trợ DNNVV đến mọi đối tượng chịu tác động để công tác triển khai thực hiện chính sách được nhanh chóng, hiệu quả

Công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ DNNVV bằng nhiều hình thức để đối tượng thụ hưởng và đối tượng chịu tác động hiểu rõ về điều kiện, yêu cầu, mục đích và ý nghĩa của chính sách hỗ trợ. Tránh tình trạng DNNVV nhận định bị đối xử bất bình đẳng trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, như: tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, khoa học công nghệ, thủ tục hành chính, thông tin pháp lý, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị…

Quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và sự phối hợp của DNNVV trong việc nhận hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ DNNVV. Vì xét cho cùng, chính sách hỗ trợ của nhà nước đều hướng đến lợi ích của các đối tượng thụ hưởng, do đó đối tượng chịu tác động của chính sách có vai trò quyết định sự thành bại trong quá trình triển khai thực hiện chính sách (Vuong và Nguyen, 2024)./.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thống kê tỉnh An Giang (2024), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2020 đến năm 2023, Nxb Thống kê.

2. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh An Giang (2023), Báo cáo hoạt động 6 tháng năm 2023 và tháng 7/2023 của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh An Giang.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang (2024), Báo cáo kết quả hỗ trợ doanh nghiệp đến tháng 10/2024.

4. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.

Ngày nhận bài: 19/11/2024; Ngày phản biện: 01/12/2024; Ngày duyệt đăng: 12/12/2024

Bạn đang đọc bài viết "Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh An Giang" tại chuyên mục Diễn đàn khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.