
Pháo phản lực phóng loạt của quân đội Nga khai hỏa (Ảnh: Tass).
Theo Business Insider, pháo binh Nga từ lâu được mệnh danh là "búa tạ", ám chỉ việc vũ khí này dù ra đòn tấn công mạnh mẽ nhưng tương đối cứng nhắc, thiếu linh hoạt.
Điều này đặc biệt đúng với biệt danh "vua chiến trường" dành cho lực lượng pháo binh nước này, thường dùng hỏa lực áp đảo để tấn công mục tiêu.
Tuy nhiên, với nhiệm vụ khó khăn là phản pháo, ám chỉ việc dùng hỏa lực để tiêu diệt pháo đối thủ, chiến trường Ukraine đã buộc Nga phải thích nghi. Qua kinh nghiệm trong vài năm qua, pháo binh Nga dần trở nên linh hoạt và tinh vi hơn, trở thành một cỗ máy chiến đấu hiệu quả hơn nhiều lần.
Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Phân tích Lịch sử và Xung đột (CHACR) - một tổ chức nghiên cứu của quân đội Anh - pháo binh Nga đã "tiến hóa từ một cỗ máy dựa vào hỏa lực áp đảo thành một lực lượng gọn nhẹ, chính xác hơn để có thể sống sót và tác chiến hiệu quả".
Việc Nga phản pháo hiệu quả đã làm giảm đáng kể sức mạnh của pháo binh Ukraine.
"Kinh nghiệm Nga thu được ở Ukraine sẽ dẫn tới các cải cách học thuyết sâu rộng, và lực lượng phương Tây cần chuẩn bị đối mặt với các vũ khí, chiến thuật và quy trình tương tự", tác giả báo cáo, ông Sam Cranny-Evans, nhận định.
Kế thừa chiến lược pháo binh của Liên Xô, quân đội Nga hiện nay vẫn coi đối phó với pháo đối thủ là nhiệm vụ trọng yếu, với cả tiểu đoàn pháo và bệ phóng rocket chuyên trách phản pháo. Trong học thuyết quân sự của Nga, áp chế pháo đối thủ là điều kiện tiên quyết để giành ưu thế hỏa lực, yếu tố được xem là then chốt cho mọi chiến dịch thành công.
Trước đây, khi quân đội Ukraine còn bố trí pháo binh theo kiểu tập trung - một chiến thuật tương tự Liên Xô - phản pháo của Nga tỏ ra hiệu quả.
Tuy nhiên, kể từ khi Ukraine chuyển sang triển khai pháo lẻ tẻ, tản mát và phối hợp thông qua chỉ huy phân tán, chiến thuật cũ của Nga gặp khó. Nếu bắn một lượng lớn hỏa lực, Nga sẽ phải tiêu hao quá nhiều đạn mà chưa chắc bắn trúng được mục tiêu đối phương.
Giải pháp của Moscow là sự kết hợp giữa pháo binh và UAV. Ngay từ năm 2014, máy bay không người lái của Nga đã hỗ trợ pháo binh đẩy lùi 3 lữ đoàn Ukraine ở Donbas, một minh chứng hiệu quả cho mô hình "tổ hợp trinh sát - hỏa lực" của Nga: Dùng UAV và hệ thống do thám truyền dữ liệu mục tiêu theo thời gian thực cho pháo binh tấn công chính xác.
Hiện nay, ngoài cảm biến âm thanh và radar phản pháo tiêu chuẩn, Nga còn sử dụng nhiều dòng UAV do thám, như Orlan-30, có thể dẫn đường cho đạn pháo thông minh Krasnopol cỡ 152mm.
Orlan-30 có thể truyền video ở khoảng cách tới 120km và hoạt động liên tục 8 giờ, giúp truy tìm mục tiêu sâu trong hậu tuyến Ukraine hoặc lượn lờ nhiều giờ trên chiến tuyến.
Sau khi xác định vị trí pháo đối thủ, quân Nga có thể phóng UAV cảm tử Lancet. Thiết bị này truyền hình ảnh về trung tâm điều khiển để người vận hành quyết định thời điểm lao vào mục tiêu.
Đặc biệt, nếu pháo Ukraine khai hỏa xong rồi cơ động tránh đòn phản pháo (theo quy trình thông thường), thì việc di chuyển lại càng khiến họ dễ lọt vào tầm ngắm của UAV cảm tử.
Trang tin Lostarmour cho biết, tính đến tháng 1/2025, có hơn 2.700 video đã ghi lại các đòn tấn công bằng UAV Lancet ở Ukraine, trong đó có 1.300 vụ nhằm vào pháo binh, với hơn 1.000 mục tiêu bị phá hủy hoặc hư hại, theo báo cáo của CHACR.
Nếu số liệu này đúng, điều đó cho thấy vai trò ngày càng lớn của Lancet trong phản pháo và mức độ sát thương rất đáng lo ngại.
Hiện Nga đang vận hành khoảng 5.000 khẩu pháo tại Ukraine, đủ để cùng lúc thực hiện nhiệm vụ phản pháo và duy trì các đợt tập kích diện rộng hỗ trợ tấn công và phòng thủ.
Các hệ thống pháo chủ lực của Nga bao gồm pháo tự hành 2S19 Msta-SM2 cỡ 152mm (tầm bắn 40km, tốc độ bắn 10 viên/phút).
Nga cũng triển khai các hệ thống pháo phản lực gắn trên xe tải như Tornado-S (12 rocket cỡ 300mm, tầm bắn 120km) và BM-27 Uragan (cỡ 220mm, tầm 70km). Không giống thời Thế chiến II khi pháo phản lực thường bắn ồ ạt ngẫu nhiên, nay Nga đã trang bị đạn điều khiển cho loại vũ khí này.
Nga cũng đang đẩy mạnh tự động hóa và liên kết dữ liệu trong phản pháo, giúp rút ngắn thời gian phản ứng. Báo cáo cho biết có bằng chứng cho thấy Nga đang thử nghiệm "liên kết trực tiếp UAV và pháo tự hành", mở đường cho một dạng phản pháo mới, nơi từng khẩu pháo sẽ được gán riêng một UAV và kho đạn thông minh để tự săn và diệt pháo đối thủ.