
Một tiêm kích F-16 (Ảnh minh họa: Quân đội Ukraine).
Ngày 12/4, Không quân Ukraine xác nhận một tiêm kích F-16 đã bị bắn rơi trong một nhiệm vụ chiến đấu ở miền Đông nước này, đánh dấu lần thứ 2 Kiev mất loại chiến đấu cơ hiện đại kể từ khi đưa vào hoạt động vào tháng 8/2024.
Thông tin về vụ việc được công bố bất thường vài giờ sau khi xuất hiện trên mạng xã hội lúc 13h (giờ Kiev). Đến 14h42, Tổng thống Volodymyr Zelensky lên tiếng xác nhận trên mạng xã hội X: "Hôm nay, Đại úy Pavlo Ivanov đã thiệt mạng khi thực hiện nhiệm vụ với F-16. Anh mới chỉ có 26 tuổi. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và các đồng đội của Pavlo".
Tối cùng ngày, Không quân Ukraine ra thông cáo chính thức, xác nhận việc mất máy bay cùng phi công Ivanov.
Các chuyên gia đặt ra câu hỏi, vì sao ông Zelensky lại thông báo thông tin trước Không quân, đồng thời lên tiếng trước Nga, bên mà một ngày sau mới xác nhận đã bắn hạ F-16 của đối thủ. Theo giới quan sát, Kiev có thể ngầm gửi một thông điệp tới các đồng minh phương Tây về việc họ thiếu dữ liệu tình báo để tác chiến, dẫn tới F-16 rơi vào khu vực Nga bố trí trận địa phòng thủ và bị bắn rơi.
Giới chức Ukraine không tiết lộ vị trí cụ thể hay nguyên nhân vụ tai nạn khiến Đại úy Ivanov - nguyên là phi công Su-25 - thiệt mạng.
Tuy nhiên, việc điều động một phi công Su-25 sang F-16 cho thấy Ukraine đang thiếu trầm trọng nhân lực điều khiển chiến đấu cơ hiện đại.
F-16 bị bắn rơi thế nào?
Ngay sau vụ việc, nhiều đồn đoán xuất hiện. Một kênh Telegram uy tín dẫn lời nhân chứng cho biết đã nhìn thấy một tên lửa Nga "áp sát F-16 trên bầu trời Sumy". Từ đó xuất hiện giả thuyết máy bay bị bắn hạ bằng tên lửa không đối không tầm xa R-37, có thể được phóng từ Su-35, Su-57 hoặc MiG-31BM của Nga. R-37 có tầm bắn tới 300km nếu được phóng từ độ cao lớn.
Ban đầu, khả năng F-16 bị tổ hợp phòng không S-400 bắn rơi bị loại trừ, do hoạt động của hệ thống này thường được tình báo phương Tây theo dõi sát sao.
Tuy nhiên, nhiều chi tiết từ các nhân chứng bị đánh giá là không nhất quán, ví dụ việc nói F-16 "bị tên lửa rượt đuổi từ phía sau" khi bay gần biên giới Nga, điều không phù hợp với cách vận hành của tên lửa tầm xa, vốn thường tiếp cận mục tiêu trực diện.
Một số suy đoán cho rằng F-16 có thể bị bắn nhầm bởi chính phòng không Ukraine.
Ngày 13/4, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố xác nhận: "Phòng không Nga đã bắn hạ một tiêm kích F-16 của Ukraine, 8 quả bom dẫn đường JDAM, 7 tên lửa HIMARS và 207 UAV cánh cố định."
Dù xác nhận đã bắn rơi F-16, phía Nga không tiết lộ loại vũ khí hay vị trí cụ thể được sử dụng.
Ukraine hiện thời chỉ có một số lượng F-16 hạn chế, được cho là không quá 16 chiếc, trong đó khoảng 6-8 chiếc có thể sẵn sàng chiến đấu. Những máy bay này được phân tán tại nhiều căn cứ và thường làm nhiệm vụ phòng không, chủ yếu đánh chặn tên lửa hành trình Nga như Kh-101 hay Kalibr. Thỉnh thoảng, chúng được giao nhiệm vụ tấn công.
Trong các nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất bên kia biên giới, F-16 Ukraine sử dụng bom lượn SDB và JDAM-ER, có tầm xa phụ thuộc vào độ cao khi thả.
Để phá hủy radar và phòng không đối phương, F-16 dùng tên lửa AGM-88 HARM, loại vũ khí tốc độ cao chỉ vài giây sau khi rời máy bay. Khi phóng, tên lửa này vượt qua cả chiếc F-16, tạo cảm giác như một tên lửa đang lao thẳng về phía trước, dễ khiến người ngoài hiểu lầm đó là một vụ tấn công từ phía sau.
Để triển khai các loại vũ khí này, F-16 phải tiếp cận sát biên giới Nga ở độ cao thấp nhằm tránh radar, sau đó đột ngột lấy độ cao để đạt điều kiện phóng, chính hành động này khiến máy bay dễ lọt vào vùng quan sát của radar đối phương.
Điểm thả vũ khí được tính toán kỹ để tránh vùng nguy hiểm của hệ thống S-400. Nhưng có vẻ vào ngày 12/4, Đại úy Ivanov đã vô tình bay vào vùng nguy hiểm.
Có 2 khả năng được đưa ra: Thứ nhất, phi công tính toán sai đường bay hoặc thao tác không chuẩn. Thứ 2, tình báo Ukraine không biết chính xác vị trí của hệ thống phòng không Nga tại khu vực.
Việc ông Zelensky nhanh chóng công bố thông tin chiếc F-16 bị bắn rơi, thậm chí trước cả thông báo chính thức từ Không quân, có thể mang hàm ý chính trị, theo chuyên gia Vijainder K Thakur, cựu phi công không quân Ấn Độ.
Giới quan sát nhận định đây là cách Kiev gửi đi thông điệp gián tiếp tới phương Tây, đặc biệt là Mỹ và NATO: Rằng việc thiếu chia sẻ dữ liệu tình báo mới nhất đang gây ra những tổn thất không thể chấp nhận được.
Sự cố ngày 12/4 cũng làm nổi bật tính dễ tổn thương của lực lượng F-16 ít ỏi mà Ukraine đang sở hữu. Dù là dòng máy bay tiên tiến, chúng phải đối mặt với loạt thách thức: thiếu phụ tùng, thiếu phi công huấn luyện đầy đủ, và đặc biệt là mối đe dọa từ hệ thống phòng không hiện đại của Nga.
Nếu tình trạng thiếu chia sẻ dữ liệu tình báo chiến thuật vẫn tiếp diễn, khả năng Ukraine triển khai hiệu quả loại vũ khí chiến lược này sẽ bị đặt dấu hỏi lớn, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với cục diện chiến tranh trong tương lai gần.