
Ảnh minh họa: HOÀNG ĐIỆP
Với tôi, 30-4 không chỉ là ngày của đất nước, mà còn là ngày của gia đình, ngày nồi cơm của bà tôi bốc khói trong nước mắt và nụ cười.
Ngọn gió thổi sạch bao năm sợ hãi
Năm ấy, bà tôi 37 tuổi. Ông mất sớm trong một trận càn, để lại bà với năm người con nheo nhóc giữa những mùa bom, mùa đói. Nhà bà nằm sát mé sông Cổ Chiên. Trong chiến tranh, nơi đó lại là vùng "xôi đậu" - sáng yên bình, trưa nghe tiếng pháo, chiều thấy khói lửa bốc lên từ đâu đó không xa.
Chiến tranh, trong ký ức của bà, không phải là trận đánh hay khẩu súng. Bà không nhớ tên tướng, không biết quân phục bên nào ra sao. Nhưng bà nhớ rất rõ cái đói đến quặn ruột, cái rét run người khi mưa dầm mấy ngày không dứt, và cả nỗi sợ mơ hồ khi một người ra khỏi nhà rồi không quay trở lại.
Sáng 30-4-1975, bà dậy từ tinh mơ như mọi ngày. Bếp rơm bắt đầu bén lửa, nồi cơm đặt lên bằng số gạo bà đổi từ mấy con cá rô bắt được dưới mương chiều hôm trước. Khói bếp cuộn lên, quyện với mùi rơm rạ và tiếng chim sẻ ríu rít đầu ngõ.
Bà kể: "Tao nhớ rõ cái mùi khói ngày đó. Nó khét khét, nhưng lạ là thấy ấm lắm. Ấm như lòng biết sắp có chuyện lớn". Rồi bất ngờ tiếng la từ xóm trên vọng xuống, hối hả mà ngập ngừng: "Hòa bình rồi má ơi!".
Bà ngỡ ai đó say rượu, nói tầm bậy. Nhưng rồi thêm người nữa, rồi cả xóm rần rần kéo ra đầu làng. Bà bảo: "Lúc đó, tao nghe mà cái vá đang cầm cũng rớt xuống đất. Tự nhiên khóc. Khóc như chưa từng khóc vậy. Không phải vì buồn, mà vì trong lòng như có ngọn gió thổi sạch bao năm sợ hãi".
Chan đầy hy vọng
Mỗi nhà gom một ít gạo, bắp, khoai rồi nấu chung một nồi cơm thật lớn ngay giữa sân đình. Tiếng cười xen nước mắt nhiều lắm.
Có người ôm nhau khóc vì biết chồng mình còn sống, có người lặng lẽ bỏ ra mé sông vì hay tin con mình đã nằm lại đâu đó. Lũ trẻ con chạy nhảy khắp sân, không còn bị người lớn cấm đoán vì sợ đạn lạc.
Bà tôi mang theo thúng cơm vừa chín tới, thơm nức mùi rơm rạ. Trộn thêm nồi cá linh kho khô, món ăn của nghèo khó, nhưng hôm ấy lại ngon đến lạ. Người ta ngồi ăn như để tin rằng: Ừ, thiệt rồi, hòa bình rồi. Không mơ đâu.
Bà cười, móm mém: "Không phải vì cá ngon cơm trắng, mà vì lần đầu tiên trong đời tao thấy yên trong lòng. Tao ăn mà không còn sợ tiếng súng. Cơm hòa bình nó khác lắm con ơi".
Không ai nói thành lời, nhưng ai cũng hiểu: từ nay, mỗi hạt cơm sẽ không còn chan nước mắt vì mất mát mà sẽ chan đầy hy vọng cho ngày mai.
Bà tôi đã yếu lắm rồi, mắt mờ, tai lãng, nhưng ký ức thì vẫn nguyên vẹn như hôm qua. Mỗi dịp 30-4 bà lại biểu tôi nấu một nồi cơm thật trắng, để lên bàn thờ cúng ông, cúng những người đã nằm xuống trong chiến tranh. Bà nhắc khẽ: "Ăn cơm trong hòa bình, đừng quên người nằm xuống".
Cháu tôi không biết chiến tranh là gì, không hiểu vì sao một nồi cơm lại khiến bà nội