Điện Kremlin xác nhận, ngày 15/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm về cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây là cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuối năm 2022.
Trong cuộc gọi kéo dài khoảng một giờ đồng hồ do phía Đức đề xuất này, hai nhà lãnh đạo đã "trao đổi quan điểm chi tiết và thẳng thắn về tình hình ở Ukraine".
Ukraine ngay lập tức phản ứng gay gắt với diễn biến này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ví cuộc gọi như "mở hộp Pandora" và mang lại cho Moscow những gì mà họ muốn.
"Thủ tướng Scholz nói với tôi rằng ông ấy sẽ gọi cho ông Putin. Bây giờ có thể có những cuộc trò chuyện khác, những cuộc gọi khác", Tổng thống Zelensky nói. Ông lập luận, điều này sẽ làm suy yếu sự "cô lập" Nga và không mang lại kết quả thiết thực nào.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh: "Chúng tôi biết cách hành động. Chúng tôi muốn cảnh báo: sẽ không có thỏa thuận Minsk-3. Chúng tôi cần hòa bình thực sự".
Thỏa thuận Minsk-1 và Minsk-2, do Pháp và Đức làm trung gian, được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến sự miền Đông Ukraine và tháo ngòi căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
Điều khoản cốt lõi của các thỏa thuận này là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. Việc thực thi đầy đủ các thỏa thuận Minsk sẽ loại trừ khả năng Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO.
Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thực hiện đầy đủ và thỏa thuận thực chất là cách để Kiev "câu giờ", chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn hơn.
Cuộc điện đàm đầu tiên sau hai năm
Đức là một trong những quốc gia viện trợ mạnh mẽ nhất cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Thủ tướng Scholz đã thông báo trước với Ukraine về cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Putin.
Trong cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo thảo luận về cuộc xung đột Ukraine, về quan hệ song phương Nga - Đức và tình hình quốc tế như căng thẳng ở Trung Đông.
Theo thông cáo của chính phủ Đức, Thủ tướng Scholz đã yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine và khẳng định Đức sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev.
Trong khi đó, theo thông tin của Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã giải thích nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột Ukraine và nói rằng Moscow vẫn sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Kiev dựa trên các đề xuất mà Moscow đưa ra hồi tháng 6.
"Về triển vọng giải quyết xung đột bằng chính trị và ngoại giao, Tổng thống Nga nêu rõ Nga chưa bao giờ từ chối và vẫn để ngỏ khả năng nối lại các cuộc đàm phán vốn bị chính quyền Kiev làm gián đoạn", Điện Kremlin nhắc lại quan điểm của Nga.
Điện Kremlin cũng nêu rõ thêm: "Các thỏa thuận khả thi phải tính đến lợi ích của Liên bang Nga trong lĩnh vực an ninh, xuất phát từ thực tế lãnh thổ mới và quan trọng nhất là loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột".