
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP).
Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một hôm 6/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không lo ngại về những tổn thất sau khi thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi gần 6.000 tỷ USD do chính sách thuế quan mới.
"Tôi không muốn có chuyện gì xảy ra, nhưng đôi khi bạn phải uống thuốc để giải quyết vấn đề", ông nói.
Ông Trump cho biết ông đã trao đổi với các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á vào cuối tuần, những người hy vọng có thể thuyết phục ông giảm mức thuế quan lên tới 50% có hiệu lực từ ngày 9/4.
"Họ đang đến bàn đàm phán. Họ muốn nói chuyện nhưng sẽ không có cuộc nói chuyện nào trừ khi họ trả cho chúng tôi rất nhiều tiền hàng năm", chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh.
Đầu tuần trước, Tổng thống Trump công bố chính sách áp thuế mới với hơn 180 đối tác thương mại trên thế giới. Động thái này kéo theo các biện pháp đáp trả từ Trung Quốc và làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại và suy thoái toàn cầu.
Các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump đã tìm cách mô tả chính sách thuế mới như một sự định vị lại khôn ngoan của Mỹ trong trật tự thương mại toàn cầu. Họ cũng giảm nhẹ đánh giá về những cú sốc kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ đã bắt đầu đàm phán với Washington kể từ ngày 3/4.
Cả ông Bessent và các quan chức khác đều không nêu tên những quốc gia đàm phán cũng như chi tiết đàm phán. Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc đàm phán đồng thời với nhiều chính phủ có thể đặt ra thách thức về mặt hậu cần cho chính quyền Tổng thống Trump và kéo dài tình hình bất ổn kinh tế.
Các nhà kinh tế của JPMorgan hiện dự đoán chính sách thuế quan sẽ khiến GDP của Mỹ giảm 0,3%, so với dự đoán trước đó là tăng trưởng 1,3%. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 5,3% từ mức 4,2% hiện tại.
Các nhân viên hải quan Mỹ bắt đầu thu mức thuế quan đơn phương 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia từ ngày 5/4. Mức thuế quan "có đi có lại" cao hơn từ 11% đến 50% đối với từng quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett phủ nhận thuế quan là một phần trong chiến lược của ông Trump nhằm phá vỡ thị trường tài chính để gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) cắt giảm lãi suất. Ông khẳng định sẽ không có "sự ép buộc chính trị" nào đối với ngân hàng trung ương.
Một cuộc tranh luận trên mạng đã nổ ra về việc liệu chính sách thuế quan của ông Trump có phải là một phần của chính sách lâu dài hay chỉ đơn giản là một chiến thuật đàm phán có thể dẫn đến việc nới lỏng thuế quan thông qua sự nhượng bộ của các quốc gia khác. Một số chính phủ đã bày tỏ thiện chí hợp tác với Mỹ để tránh thuế quan.