ThS. Nguyễn Thị Kim Phụng
Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang
Email: phung.ntk@vlu.edu.vn
Tóm tắt
Nghiên cứu tìm hiểu hoạt động kinh tế nước ngoài của doanh nghiệp thông qua lăng kính kế toán. Bằng phương pháp tổng hợp, nhận diện và phân tích các biến số có ảnh hưởng đến kế toán hoạt động kinh tế nước ngoài, nghiên cứu mong muốn đóng góp vào việc tối ưu hiệu quả của kế toán hoạt động kinh tế nước ngoài. Kết quả nghiên cứu đã xác định: hệ thống quy định pháp luật, dịch vụ tư vấn chuyên ngành, biến động tỷ giá, sự hài hòa giữa tiêu chuẩn kế toán giữa các quốc gia, trình độ nhân sự chuyên môn, sự thâm nhập của ứng dụng công nghệ là những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến hiệu quả kế toán hoạt động kinh tế nước ngoài.
Từ khóa: FEA, hoạt động kinh tế nước ngoài, kế toán FEA, yếu tố tác động FEA
Summary
The study investigates corporate foreign economic activities through the lens of accounting. Using a synthesis-based approach, the research identifies and analyzes key variables influencing the accounting of foreign economic activities, to contribute to the optimization of its effectiveness. The findings highlight several critical factors that significantly affect the efficiency of accounting practices in international operations, including the legal and regulatory framework, specialized consulting services, exchange rate volatility, the degree of harmonization of accounting standards across countries, the professional competence of accounting personnel, and the penetration of technological applications. These factors collectively shape the quality and adaptability of accounting systems in the context of globalized business environments.
Keywords: FEA, foreign economic activities, FEA accounting, influencing factors of FEA
GIỚI THIỆU
Quá trình hội nhập kinh tế đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng các hoạt động kinh tế nước ngoài (Foreign Economic Activities - FEA), như xuất nhập khẩu, đầu tư hoặc thu hút các vốn đầu tư từ các nước khác, hợp tác quốc tế và cung ứng dịch vụ xuyên biên giới. Việc này không chỉ đặt áp lực cho việc xây dựng một chiến lược kinh doanh hữu hiệu, mà còn đòi hỏi phải có một hệ thống kế toán hoàn thiện, đặc biệt là kế toán các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động kinh tế đối ngoại.
Kế toán FEA đóng vai trò thiết yếu trong việc phản ánh và cung cấp thông tin tài chính chính xác, minh bạch cho các bên liên quan, đặc biệt là trong môi trường đa tiền tệ, đa chuẩn mực và chịu tác động bởi biến động kinh tế thế giới. Hệ thống kế toán phải cam kết việc áp dụng đúng Chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc gia (VAS), đồng thời từng bước tiệm cận với Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), nhằm nâng cao khả năng đối chiếu và tính minh mạch của thông tin.
Do đó, việc nghiên cứu chuyên sâu về kế toán tại các doanh nghiệp có hoạt động FEA không chỉ góp phần hoàn thiện khung lý thuyết và thực tiễn kế toán, mà còn có giá trị ứng dụng cao vào việc nâng cao năng lực quản trị tài chính, loại bỏ các mối đe dọa và củng cố năng lực hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Bài viết đã tổng hợp các nghiên cứu trước có đề cập đến hoạt động FEA, đồng thời liên hệ bối cảnh thực tế của Việt Nam để nhận diện các yếu tố có ảnh hưởng đến kế toán hoạt động FEA, tạo cơ sở cho việc tăng cường việc theo dõi chi tiết, kiểm soát nội bộ và quản trị chiến lược.
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
FEA là tổng hợp các hoạt động trao đổi, hợp tác về kinh tế, đầu tư, được triển khai bởi các doanh nghiệp nội địa với các đối tác quốc tế, vượt qua ranh giới quốc gia, nhằm trao đổi hàng hóa, dịch vụ, công nghệ và vốn để đạt được tới ưu thành quả kinh tế trước xu thế liên kết toàn cầu. Dựa theo tính chất hoạt động, Olga và cộng sự (2019) cho rằng FEA bao gồm: giao thương xuyên biên giới như xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; các khoản đầu tư từ nước ngoài bao gồm cả đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp bằng cổ phiếu hoặc trái phiếu; sự hợp tác trong sản xuất và chuyển giao kỹ thuật được thể hiện qua các mô hình như liên doanh, nhượng quyền thương mại. FEA được xem là nhân tố cốt lõi trong định hướng chiến lược của doanh nghiệp hiện đại.
Theo Kononov (2020), các loại hoạt động FEA có thể bao gồm: đầu tư qua hình thức trực tiếp hoặc thông qua trung gian, các dịch vụ, giao dịch xuất nhập khẩu, luồng hàng hóa, luồng vốn, công nghệ thông tin, các thỏa thuận sản xuất và giao dịch tài chính.
Velychko và Glushchenko (2020) đã phân loại hoạt động FEA theo đối tượng giao dịch với các quốc gia khác, tài sản hữu hình (dây chuyền sản xuất, máy móc…), dịch vụ vô hình (tài chính, tư vấn, logistics quốc tế), tài sản tài chính (trái phiếu, cổ phiếu) và các tài sản trí tuệ (nhượng quyền, quyền khai thác các thành quả sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ và các hoạt động trao đổi giải pháp kỹ thuật giữa các chủ thể).
Kế toán FEA là quá trình tổ chức ghi nhận, phân tích và cung cấp các thông tin kinh tế của doanh nghiệp mà có yếu tố nước ngoài, chẳng hạn như: hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động đầu tư, các giao dịch thanh toán xuyên quốc gia hoặc hợp tác kinh doanh với các nước khác (Olga và cộng sự, 2019). Ngoài ra, Yudina và cộng sự (2019) cho rằng, kế toán FEA không những thực hiện chức năng ghi chép, mà còn có giá trị khi đưa ra được các dữ liệu tài chính, phân tích dữ liệu để phục vụ cho quản lý chiến lược và đánh giá được hiệu quả trong từng hoạt động FEA của doanh nghiệp. Theo đó, kế toán FEA là hoạt động liên quan đến việc theo dõi các giao dịch của doanh nghiệp có sự chi phối từ biến động tỷ giá, quy định về chuyển đổi tiền tệ giữa các nước cũng như các yếu tố pháp lý, như: thủ tục hải quan và quy trình xuất nhập khẩu.
Kế toán FEA góp phần giúp doanh nghiệp hướng đến 4 mục tiêu chiến lược, bao gồm: (1) Tăng doanh thu và đẩy mạnh mạng lưới tiêu thụ ra ngoài lãnh thổ (2) Giảm chi phí sản xuất (tìm nguyên liệu rẻ tại các quốc gia khác), (3) Tối ưu hóa chuỗi cung ứng (hợp tác quốc tế trong sản xuất), (4) Đảm bảo an ninh nguồn cung và đầu tư, hợp tác kỹ thuật để làm tiêu chí phân loại.
CÁC YẾU TỐ CHI PHỐI ĐẾN ĐẾN KẾ TOÁN FEA
Công tác kế toán của doanh nghiệp có FEA chịu ảnh hưởng đa chiều từ các điều kiện ngoại vi lẫn yếu tố nội tại. Trước hết, bối cảnh thể chế tầm vĩ mô cùng với các chính sách tài khóa, biến động tỷ giá cũng như mức độ tương thích của CMKT quốc gia với CMKT quốc tế đóng vai trò nền tảng chi phối phương pháp ghi nhận và truyền đạt dữ liệu tài chính liên quan đến quá trình trao đổi xuyên biên giới (Yudina và Ivanova, 2019; Koval, 2020). Bên cạnh đó, đặc điểm tổ chức và chiến lược vận hành của doanh nghiệp, chẳng hạn như mô hình phân đoạn theo địa lý hay trung tâm chi phí ảnh hưởng đến cấu trúc hệ thống kế toán một cách trực tiếp và cách thức xử lý dữ liệu tài chính từ các hoạt động FEA (Voskresenska và Viniarskyi, 2024).
Năng lực nghề nghiệp của kế toán viên - đặc biệt là kiến thức về IFRS, kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành và khả năng phân tích rủi ro - cũng được coi là yếu tố giá trị để có thể xác lập sự minh bạch và cam kết độ tin cậy của các thông tin mà kế toán cung cấp (Boldovska, 2022; Koliesnichenko, 2020). Trong khi đó, mức độ hội nhập của các doanh nghiệp trong nước qua việc thực hiện các thỏa ước quốc tế (song phương hoặc đa phương) của quốc gia đã tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động FEA thúc đẩy hoặc ràng buộc cách thức tổ chức kế toán FEA (Oliadnichuk và Pidlubna, 2017). Đồng thời, tính phong phú và tính chất tinh vi của các hình thái trao đổi xuyên quốc gia, như hợp đồng thương mại có điều kiện phức hợp, chuyển giá nội bộ hay liên kết đầu tư cũng làm gia tăng yêu cầu về tính linh hoạt và độ chuẩn xác trong việc thực hiện công việc kế toán (Hordopolov, 2018).
Ngoài ra, các khuôn khổ quy tắc và chuẩn mực kiểm toán toàn cầu, nhất là những doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường chứng khoán hoặc có cổ phần nước ngoài đòi hỏi hệ thống kế toán phải đảm bảo khả năng truy xuất và giải trình thông tin theo tiêu chuẩn toàn cầu (Velychko và Glushchenko, 2020). Yếu tố bất ổn chính trị hoặc các nguy cơ tiềm ẩn từ pháp lý quốc tế, như: lệnh cấm vận, hạn chế chuyển tiền cũng buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh cách xác lập và định lượng các hạng mục tài chính (Koliesnichenko, 2020).
Cuối cùng, sự bùng nổ của các ứng dụng đổi mới trong hệ sinh thái công nghệ tài chính (Fintech), đặc biệt là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kế toán số, hóa đơn điện tử xuyên biên giới đã góp phần định hình một xu thế chuyển dịch rõ nét trong cách thức tổ chức và triển khai kế toán FEA hiện đại (Voskresenska và Viniarskyi, 2024).
Bảng: Các yếu tố tác động đến kế toán FEA
| Nhóm yếu tố | Nguồn trích dẫn | |
1 | Môi trường vĩ mô | - Khung thể chế pháp lý nội địa và xuyên quốc gia - Cấu trúc điều hành tỷ giá và các vấn đề về biến thiên tiền tệ - Khác nhau giữa CMKT trong nước và CMKT quốc tế | Yudina và Ivanova (2019); Koval (2020) |
2 | Tổ chức và chiến lược doanh nghiệp | - Chiến lược vận hành thương mại mang tính toàn cầu hóa - Cấu trúc quản trị của doanh nghiệp - Hệ thống thông tin kế toán tích hợp với nền tảng công nghệ số | Olga và cộng sự. (2019); Voskresenska và Viniarskyi (2024) |
3 | Nhân lực và chuyên môn kế toán | - Năng lực kế toán viên - Kỹ năng ngoại ngữ, nhận điện rủi ro và đánh giá xuyên quốc gia | Boldovska (2022); Koliesnichenko (2020) |
4 | Mức độ hội nhập quốc tế | - Khả năng hội nhập của doanh nghiệp - Mức độ ứng dụng CMKT quốc tế (IFRS) | Oliadnichuk và Pidlubna (2017) |
5 | Tính chất đa chiều và khó kiểm soát giao dịch FEA | - Phân loại và đánh giá tính phức hợp của từng loại giao dịch FEA | Hordopolov (2018) |
6 | Yêu cầu kiểm toán và minh bạch tài chính | - Kiểm toán theo các quy định quốc tế | Velychko và Glushchenko (2020) |
7 | Rủi ro chính trị và pháp lý quốc tế | - Rủi ro lệnh trừng phạt, kiểm soát ngoại hối - Chiến tranh thương mại | Koliesnichenko (2020) |
8 | Công nghệ tài chính (Fintech) | - Mức độ ứng dụng công nghệ cao xuyên biên giới | Voskresenska và Viniarskyi (2024) |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
PHÁC THẢO MÔ HÌNH NHÂN TỐ CHI PHỐI KẾ TOÁN FEA ĐỐI VỚI NHÓM DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Việt Nam hiện đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, với sự hiện diện trong nhiều cơ chế thương mại, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), những yếu tố chi phối đến nghiệp vụ kế toán tại doanh nghiệp có FEA ngày càng rõ nét và có trọng lực hơn. Sau khi tổng hợp các nghiên cứu có liên quan, tác giả cho rằng, các có 2 nhóm chính chi phối đến hoạt động kế toán của doanh nghiệp (Hình).
Hình: Những yếu tố làm ảnh hưởng đến hệ thống kế toán tại doanh nghiệp có FEA
![]() |
Nguồn: tác giả tự tổng hợp
Nhóm yếu tố bên ngoài
Khung pháp lý: Gồm các văn bản pháp lý quốc gia, như luật kế toán, luật quản lý ngoại thương, luật thuế, thủ tục hải quan, CMKT quốc gia (VAS) và các khuôn khổ pháp lý mang tính quốc tế, như các hiệp định và cam kết quốc tế, CMKT quốc tế và CMKT mà đối tác đang áp dụng ảnh hưởng đến kế toán tại doanh nghiệp có hoạt động FEA.
Cơ chế điều hành tỷ giá: Sự biến thiên của đồng USD/VND ảnh hưởng lớn đến quá trình ghi nhận doanh thu và đánh giá lại tài sản, đặc biệt trong doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc có vay nợ bằng ngoại tệ.
Nền tảng công nghệ số: Bứt phá công nghệ ở Việt Nam và các nước khác cũng tác động đến kế toán FEA. Hiện nay, công nghệ số có thể thay thế nhiều công việc bằng tay của kế toán truyền thống, thúc đẩy vai trò cao hơn của kế toán, cải thiện rõ rệt quá trình xử lý dữ liệu và trao đổi thông tin chính xác hơn, kịp thời hơn. Do vậy, doanh nghiệp cần cập nhật các bước cải tiến mới của công nghệ để không bị hạn chế trong vấn đề kết nối và luân chuyển thông tin của hoạt động FEA.
Mức độ phức tạp trong hợp đồng FEA: Nhiều doanh nghiệp FDI và tập đoàn lớn ở Việt Nam thực hiện giao dịch theo các điều kiện thương mại quốc tế (Incoterms…), có yếu tố chuyển giá hoặc mua bán nội bộ xuyên quốc gia, đòi hỏi kế toán phải thực hiện phân tích lợi nhuận theo phân đoạn và kiểm soát rủi ro pháp lý.
Dịch vụ hỗ trợ: Trong hoạt động FEA, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ các bên có liên quan, nhằm đảm bảo hiệu quả hợp pháp và giảm thiểu rủi ro. Các dịch vụ hỗ trợ bên ngoài nắm giữ chức năng thiết yếu trong việc tư vấn, bám sát và hỗ trợ tư vấn kịp thời cho các hoạt động, bao gồm: luồng hàng hóa quốc tế, thanh toán xuyên quốc gia, bảo đảm tính tuân thủ luật định và ứng phó với các biến số rủi ro tài chính. Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm: dịch vụ hải quan và logistics quốc tế; dịch vụ ngân hàng và các giao dịch tài chính bên ngoài lãnh thổ; dịch vụ tư vấn thuế, kế toán, kiểm toán quốc tế; dịch vụ tư vấn pháp lý quốc tế; và hỗ trợ từ các hiệp hội ngành nghề và đại sứ quán.
Nhóm yếu tố bên trong
Hệ thống kế toán quản trị (KTQT)/Quản trị chiến lược: Olga và cộng sự (2019) nhấn mạnh vai trò của KTQT trong việc hỗ trợ đánh giá và đưa ra các chiến lược mang tính quyết định trong FEA. Doanh nghiệp có hoạt động FEA cần xây dựng các bước cần thiết cho quy trình KTQT trong từng hoạt động. Ví dụ, các bước cần thiết trong quy trình KTQT cho hoạt động xuất nhập khẩu có thể kể đến như: lập kế hoạch, ký kết hợp đồng, giám sát giao hàng, thanh toán, đánh giá toàn diện hiệu quả kinh tế và phi kinh tế. Do vậy, doanh nghiệp cần phải thiết lập ma trận phân chia quyền, trách nhiệm trong hoạt động FEA và đưa các chỉ số đo lường kết quả cho từng loại hoạt động. Thực trạng kinh tế Việt Nam cũng yêu cầu hệ thống quản lý linh hoạt, có khả năng cung cấp thông tin đúng và kịp lúc để phục vụ quản lý FEA. KTQT có thể được xem là công cụ phân tích hiệu quả, hỗ trợ việc lập và triển khai kế hoạch, theo dõi và giảm thiểu chi phí, phân tích hiệu suất và đưa ra các thông tin hữu dụng các nhà quản lý ở nhiều cấp độ.
Năng lực đội ngũ nhân sự: Tác giả không chỉ nhấn mạnh năng lực của người làm kế toán, mà còn là năng lực của các nhân sự có liên quan. Ví dụ, việc ký kết hợp đồng giao dịch trên sàn thương mại quốc tế đòi hỏi bộ phận kinh doanh phải có năng lực quốc tế, như: ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán, nhận định rủi ro trong và ngoài nước; nhân viên kế toán phải nắm vững việc áp dụng CMKTquốc gia (VAS) và CMKT quốc tế (IFRS) để có thể lập được báo cáo kế toán toàn diện. Tuy nhiên, tỷ lệ kế toán viên có chứng chỉ quốc tế (như: ACCA, CPA, ICAEW) tại Việt Nam còn khá thấp, gây khó khăn trong việc chuẩn hóa báo cáo tài chính theo CMKT quốc tế.
Mức độ ứng dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS): Mức độ ứng dụng IFRS trong doanh nghiệp tác lực mạnh mẽ đến hoạt động kế toán FEA. Các nghiên cứu về FEA như tác giả đề cập đều làm rõ chức năng của IFRS và đề xuất ứng dụng IFRS một cách đồng bộ, nhằm hiện đại hóa việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu FEA. Việt Nam hiện đang trong tiến trình chuyển dịch từ VAS sang IFRS, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn trong chuỗi tác vụ kế toán lẫn nhân lực kế toán.
Do vậy, doanh nghiệp muốn tăng cường ứng dụng IFRS cần phải thúc đẩy năng lực ngành nghề của nhân sự kế toán nội tại trong doanh nghiệp.
Tích hợp công nghệ: Mức độ thâm nhập của công nghệ vào doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hội nhập của doanh nghiệp trên sàn thương mại quốc tế. Ở Việt Nam, nhiều công ty cũng đã dùng hệ thống ERP như SAP, MISA, Oracle tích hợp kế toán đa quốc gia (như: Vinamilk, FPT), giúp tự động hóa xử lý số liệu FEA, nhưng đồng thời đòi hỏi kế toán phải thích ứng công nghệ và quy trình kiểm toán số.
KẾT LUẬN
Kế toán FEA tại Việt Nam nhìn chung chịu sự chi phối của các nhân tố đến từ bên ngoài doanh nghiệp lẫn bên trong doanh nghiệp như các quốc gia khác. Mặc dù nghiên cứu chưa đo lường được mức độ tác động của từng nhân tố đó, nhưng những đề xuất này có thể là bước đầu cho các nghiên cứu tiếp theo, nhằm đánh giá tác động thực tế của các nhân tố đối với hiệu quả của kế toán FEA. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng góp phần đóng góp vào cơ sở lý luận cho việc hoàn thiện chính sách và định hướng phát triển kế toán phù hợp với giai đoạn hội nhập với thị trường đa quốc gia hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Boldovska, I. (2022). Human Factor in Accounting for Foreign Trade Operations. Journal of International Accounting, 14(2), 44-52.
2. Hordopolov, M. (2018). Analytical approaches to complex international transactions in accounting. Accounting and Finance, 6(1), 65-72.
3. Koliesnichenko, A. (2020). Strategic approach to managing foreign economic activities. Economic Strategies, 25(1), 101-112.
4. Kononov I. I. (2020). The essence of foreign economic activity as an object of accounting modeling. Biznes Inform - Business Inform, 5, 79-86.
5. Koval, O. (2020). Foreign Economic Activity Accounting in Conditions of Globalization. Global Economics Journal, 11(3), 79-89.
6. Olga Elchaninova, Tatyana Alexandrova, Olga Gudenitsa, Alexandra Voronina, Oksana Sorokina (2019). Analytical support of foreign trade activities of management purposes. Indo American Journal of Pharmaceutical Sciences, 6(3), ISSN 2349-7750. https://doi.org/10.5281/zenodo.2596601
7. Oliadnichuk, O. and Pidlubna, K. (2017). International standards in accounting for foreign operations. International Accounting and Finance Journal, 10(2), 54-63.
8. Velychko, L. and Glushchenko, I. (2020). Development of foreign economic activity of enterprises in the context of globalization. European Journal of Sustainable Development, 9(3), 297-306. https://doi.org/10.14207/ejsd.2020.v9n3p297
9. Voskresenska, T. I. and Viniarskyi, B. I. (2024). The formation of accounting and analytical support for the foreign economic activity of enterprises in terms of its types. Ekonomika ta suspilstvo - Economy and Society, 59. https://economyandsociety.in.ua/index.php/journal/article/view/3532
10. Yudina, T.N. and Ivanova, I.Y. (2019). Accounting and analytical support of foreign economic activity. International Accounting, 22(4), 457-469.
Ngày nhận bài: 14/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 17/7/2025; Ngày duyệt đăng: 22/7/2025 |