
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Hà Lan hồi tháng 6 (Ảnh: AFP).
Trong bối cảnh cuộc xung đột tiếp diễn khốc liệt, câu hỏi then chốt đặt ra không còn là "liệu Ukraine có thể tồn tại?" mà "làm thế nào để Ukraine giành chiến thắng hoàn toàn?". Câu trả lời phụ thuộc vào ba yếu tố: sự nỗ lực của người dân Ukraine, chiến lược quân sự sáng tạo, và quan trọng nhất là sự ủng hộ kiên định từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Cơ hội từ những thay đổi chiến lược
Quyết định gần đây của chính quyền Mỹ trong việc phê duyệt gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không tiên tiến và các loại vũ khí chiến thuật, đã mở ra cánh cửa hy vọng.
Động thái này không chỉ giúp Kiev bảo vệ các thành phố trước làn sóng tấn công bằng tên lửa của Nga, mà còn cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của phương Tây, từ "hỗ trợ để Ukraine tồn tại" sang "hỗ trợ để Ukraine chiến thắng".
Tuy nhiên, như các chuyên gia quân sự nhận định, những gì Ukraine đang nhận được vẫn chưa đủ để tạo ra bước ngoặt chiến lược. Lịch sử chiến tranh hiện đại đã chứng minh một bài học không thể phủ nhận: không có sự thay thế nào cho chiến thắng.
Cuộc cách mạng trong nghệ thuật quân sự
Ukraine đã viết nên chương mới trong lịch sử chiến tranh hiện đại bằng cách chứng minh rằng sự sáng tạo có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về quân số và trang bị.
Trong khi các cường quốc quân sự truyền thống mất hàng thập kỷ để phát triển vũ khí mới, Ukraine đã biến những chiếc máy bay không người lái (UAV) thương mại thành vũ khí vô cùng hữu hiệu chỉ trong vài tháng. Điều đáng nói là tiềm năng thực sự của cuộc cách mạng quân sự này mới chỉ được khai thác một phần.
Nhiều công nghệ Mỹ có thể giúp Ukraine vượt trội hoàn toàn trong cuộc chiến UAV đang bị hạn chế bởi các quy định như ITAR (luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí). Nếu được dỡ bỏ, các công ty Mỹ có thể chuyển giao công nghệ để Ukraine sản xuất UAV có khả năng vượt qua các biện pháp gây nhiễu và phòng vệ của Nga. Chi phí để sản xuất hàng loạt những vũ khí này thậm chí còn thấp hơn nhiều so với ngân sách quốc phòng hàng năm của các nước NATO.
Cuộc chiến này đã cung cấp những bài học vô giá về sự thay đổi trong nghệ thuật chiến tranh. Trong bối cảnh Kiev có thể sản xuất hàng triệu UAV giá rẻ, chỉ vài nghìn USD mỗi chiếc, còn Bộ Quốc phòng Mỹ đang chuẩn bị mua UAV với đơn giá tới 39.000 USD kèm theo chu trình phê duyệt kéo dài cả năm, thì rõ ràng một cuộc cải tổ sâu rộng là rất cần thiết.
UAV Ukraine, giống loại Geran của Nga được phát hiện ở khu vực Moscow (Video: Telegram).
Ngoài UAV, phương Tây còn nhiều cách khác để giúp Ukraine tạo ra lợi thế quyết định mà không cần triển khai quân đội trực tiếp. Một trong những giải pháp hiệu quả nhất là chia sẻ hệ thống thông tin vệ tinh của Mỹ, cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào hậu phương của Nga. Khi đó, Moscow sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: giữ một phần lãnh thổ Ukraine hay bảo vệ nền kinh tế nước nhà.
Về trang bị truyền thống, Washington hoàn toàn có thể trao cho Ukraine hàng nghìn hệ thống vũ khí chưa được khai thác đúng mức. Điển hình là hàng ngàn tiêm kích F-16 đã lỗi thời trong hệ thống quân sự Mỹ có thể giúp Ukraine áp đảo trên không. Ngoài ra, hàng trăm máy bay A-10 với hỏa lực mạnh có thể dùng để đánh chặn UAV và tên lửa hành trình Nga.
Cùng với đó là kho tên lửa Hellfire đang được Mỹ thay thế, hoặc các tên lửa hành trình tầm xa như ATACMS, JASSM, tất cả đều sẵn có và không cần Mỹ phải đưa quân vào chiến trường.
Nếu Washington chuyển giao đủ 200 chiếc F-16, Ukraine không chỉ cải thiện đáng kể khả năng phòng không mà còn có thể tung đòn tấn công chính xác vào các trung tâm hậu cần của Nga.
Điều cần nhấn mạnh là Ukraine không cần mở cuộc tổng phản công như Thế chiến II, họ chỉ cần có đủ sức mạnh để khiến Nga hiểu rằng nếu tiếp tục giữ phần lãnh thổ Ukraine, họ sẽ phải đánh đổi bằng sự sụp đổ kinh tế. Khi đó, Moscow dường như sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút lui.
Ukraine không xin Mỹ đánh thay, họ chỉ cần được hỗ trợ để chiến đấu bằng chính sức mình. Vậy nếu chiến thắng có thể đạt được với giá rẻ, thì tại sao phải để thua, giới chuyên gia nhận định.