Theo Yonhap, chiều 4/12, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun lên tiếng xin lỗi người dân vì những rắc rối do lệnh thiết quân luật gây ra. Ông đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Yoon Suk-yeol, song chưa có phản hồi.
"Tôi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống và xin chịu trách nhiệm về mọi tình trạng hỗn loạn do tình trạng thiết quân luật gây ra", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun phát biểu với các phóng viên.
Trước đó, đảng Dân chủ đối lập chính đã gửi một bản kiến nghị trình quốc hội, đề nghị luận tội đối với ông Kim Yong-hyun.
Phe đối lập chính dự kiến báo cáo bản kiến nghị này tại phiên họp toàn thể của quốc hội vào ngày mai 5/12 cùng với kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol mà họ đệ trình cùng ngày hôm nay. Quốc hội Hàn Quốc sẽ bỏ phiếu vào ngày 6/12 hoặc 7/12.
Theo luật, kiến nghị luận tội phải được đưa ra biểu quyết trong khoảng thời gian từ 24 đến 72 giờ sau khi kiến nghị đó được báo cáo lên phiên họp toàn thể.
Ngoài ra, đảng Dân chủ cho biết, họ cũng có kế hoạch kiến nghị truy tố Tổng thống Yoon Suk-yeol, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min.
Cuối ngày 3/12, Tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật. Đây là lệnh thiết quân luật đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc trong vòng 44 năm qua.
Sắc lệnh cấm mọi hoạt động chính trị, bao gồm cả các cuộc biểu tình và hoạt động của các đảng phái chính trị, cấm các cuộc đình công. Ngoài ra, sắc lệnh yêu cầu đặt tất cả các phương tiện truyền thông và nhà xuất bản dưới sự kiểm soát của quân đội.
Sắc lệnh đã vấp phải chỉ trích gay gắt của các đảng đối lập và cả một bộ phận thành viên đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol. Nhiều người dân đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội để phản đối thiết quân luật.
Quốc hội Hàn Quốc triệu tập cuộc họp giữa đêm để bỏ phiếu chặn sắc lệnh của Tổng thống. Đến rạng sáng 4/12, Tổng thống Yoon Suk-yeol thông báo nội các của ông nhất trí dỡ bỏ thiết quân luật theo đề nghị của quốc hội.
Bất chấp dỡ bỏ thiết quân luật, ông Yoon vẫn đối mặt với những lời kêu gọi từ chức. Ông chưa xuất hiện trước công chúng kể từ sau khi ban bố thiết quân luật.
Theo các nguồn tin, Thủ tướng Han Duck-soo và các nhà lãnh đạo của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền đã tập trung tại Văn phòng Tổng thống vào đầu giờ chiều nay. Họ có thể sẽ gặp Tổng thống Yoon Suk-yeol sau khi 6 đảng đối lập trình quốc hội bản kiến nghị luận tội Tổng thống.
Theo hiến pháp Hàn Quốc, việc luận tội cần phải được đa số quốc hội đề xuất và được 2/3 trong số 300 nhà lập pháp chấp thuận.
Nếu bản kiến nghị được thông qua, đề xuất này sau đó sẽ được chuyển lên Tòa án Hiến pháp. Theo hiến pháp, ít nhất 6 thẩm phán phải đồng ý tiến hành luận tội. Tòa án sẽ quyết định liệu có phế truất Tổng thống hay không.
Tổng thống sẽ bị đình chỉ thực thi quyền lực của mình trong quá trình xét xử này. Thủ tướng Han Duck-soo, với tư cách là quan chức số hai trong chính phủ, sẽ đảm nhận trách nhiệm của Tổng thống.