
EU quyết tâm trở nên tự chủ hơn trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng (Ảnh minh họa: AFP).
Các quan chức Mỹ đã thúc giục các đồng minh châu Âu tiếp tục mua vũ khí do Mỹ sản xuất, trong bối cảnh có mối lo ngại ngày càng lớn tại Washington về những sáng kiến quốc phòng mới của Liên minh châu Âu (EU) có thể hạn chế quyền tiếp cận của các công ty quốc phòng Mỹ, 5 nguồn tin am hiểu vấn đề chia sẻ với Reuters.
Giữa tháng 3, Ủy ban châu Âu đã công bố sáng kiến quốc phòng mang tên ReArm Europe, trong đó bao gồm kế hoạch vay 150 tỷ euro để tài trợ cho các dự án quốc phòng thông qua các khoản vay chính phủ.
Một nguồn tin cho biết Washington lo ngại về ReArm và khả năng bị loại khỏi sáng kiến này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trước đó khẳng định chương trình sẽ giúp châu Âu tái vũ trang và hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Thông điệp mới nhất từ Washington được đưa ra trong bối cảnh EU đang nỗ lực tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng nội khối. Các đề xuất nếu được triển khai có thể hạn chế sự tham gia của các công ty ngoài EU, đặc biệt là từ Mỹ và Anh.
Những bước đi đầu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump, bao gồm việc cắt giảm tạm thời viện trợ quân sự cho Ukraine và lập trường mềm mỏng hơn với Moscow, đã khiến các đồng minh châu Âu hoang mang. Điều này làm dấy lên nghi vấn về độ tin cậy của Mỹ với tư cách là đối tác quốc phòng lâu dài. Đây được xem như động lực để khiến EU quyết tâm hơn trong mục tiêu tự chủ về năng lực quốc phòng.
Khi EU tìm cách giảm phụ thuộc quân sự vào Washington, đặc biệt dưới thời Tổng thống Trump, Ủy ban châu Âu đã đề xuất tăng chi tiêu quân sự và phối hợp chặt chẽ hơn trong việc mua sắm quốc phòng giữa các nước thành viên.
Ngày 25/3, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio được cho là đã nói với ngoại trưởng ba nước Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia rằng Mỹ muốn tiếp tục tham gia vào các hoạt động mua sắm quốc phòng của châu Âu.
Theo 2 nguồn tin, ông Rubio cảnh báo rằng việc loại trừ các công ty Mỹ khỏi các gói thầu của EU sẽ bị Washington nhìn nhận tiêu cực, một lời chỉ trích ngầm đối với các quy định mua sắm mà EU đang đề xuất.
Một nhà ngoại giao Bắc Âu dù không có mặt trong cuộc họp với các nước Baltic cũng xác nhận rằng giới chức Mỹ gần đây đã bày tỏ quan ngại, cho rằng bất kỳ hành động loại trừ nào khỏi các thương vụ vũ khí EU sẽ là điều "không phù hợp".
Một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Trump hoan nghênh việc châu Âu tăng cường đóng góp quốc phòng và tự chịu trách nhiệm về an ninh, nhưng kiên quyết phản đối mọi rào cản mới có thể ngăn cản sự tham gia của các công ty Mỹ vào các dự án quốc phòng EU.
Bộ Ngoại giao Latvia và Estonia từ chối bình luận, trong khi phía Litva không phản hồi yêu cầu từ Reuters. Mỹ chưa bình luận về thông tin này.