Nhiều khách đến quán chị Bình để ăn chè. Ảnh: Hà Nguyễn. |
Tên gọi khó nghe
Sáng mùng 1, tiệm chè của chị Nhật Bình ở phía trước chùa Phật Bà Quan Âm (phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM) đông đúc lạ thường. Thực khách đến đây để được thưởng thức món chè nổi tiếng, có cái tên kỳ lạ là chè "phân gà".
Chị Nhật Bình cho biết chè "phân gà" là món ăn truyền thống, đặc sản của người Hoa. Món ăn này du nhập vào Việt Nam theo những người di cư.
Gia đình chị Bình đã kinh doanh món chè này hơn 20 năm. Thời gian gần đây, sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, món chè bất ngờ nổi tiếng, thu hút đông đảo thực khách đến thưởng thức.
Đây là món ăn truyền thống và là đặc sản của người Hoa. Ảnh: Hà Nguyễn. |
Theo chị Bình, trong tiếng Hoa, món chè này có tên "cáy xỉa thằng" nghĩa là "phân gà". Vì vậy, nhiều người vẫn gọi món chè này là chè "phân gà".
"Cáy xỉa thằng" được chế biến từ 2 nguyên liệu chính là lá mơ lông và bột gạo. Khi chế biến, lá mơ được rửa sạch rồi đem xay với gạo.
Sau đó, hỗn hợp này được trộn thêm bột năng, làm thành từng bánh và đem hấp. Bánh chín, nguội đi sẽ được cắt thành từng sợi nhỏ vừa ăn.
Một trong những thành phần chính của món ăn này là lá mơ lông. Ảnh: Hà Nguyễn. |
Sợi bột thành phẩm có màu xanh đen đẹp mắt. Để chúng không dính vào nhau, người bán rắc, trộn thêm lớp bột khô bên ngoài.
Món chè có màu sắc, hương vị thơm ngon đặc trưng. Vì lá mơ được xử lý, trộn với tỉ lệ nhất định nên khi thành phẩm, sợi bột mềm, dẻo, dai dai, có màu xanh đen bóng mượt.
Đặc biệt, sợi bột không nặng mùi mà có hương thơm dịu nhẹ. Trong khi đó, nước dùng có vị ngọt mát, phảng phất mùi thơm của gừng tươi.
"Cáy xỉa thằng" được ăn chung với nước đường gừng. Ảnh: Hà Nguyễn. |
Chị Bình cho biết chè "cáy xỉa thằng" thích hợp ăn nóng. Khi có khách gọi món, chị mới lấy sợi bột tươi bỏ vào nồi nước sôi luộc chín rồi vớt ra, bỏ vào chén nhỏ, sau đó chan nước đường gừng nóng.
Chỉ bán trong 2 ngày
Món chè "phân gà" chỉ được chị Bình bày bán vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng. Vào những ngày này, quán chè của chị đặc biệt đông khách.
Mỗi phần chè được chị bán với giá 16.000 - 32.000 đồng. Mỗi lần mở bán, chị có thể bán hơn 500 phần chè, tương đương hơn 10 kg bột. Ngoài chè "phân gà", chị Bình còn bán thêm chè bắp, cháo bắp.
Quán chè của chị Bình chỉ bán vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng. Ảnh: Hà Nguyễn. |
Vì chỉ dựng tạm trên vỉa hè, quán chè của chị không đủ chỗ cho nhiều thực khách ngồi ăn trực tiếp cùng lúc. Do đó, nhiều thực khách nhờ chị đóng gói mang về.
Đa số khách tới ăn chè là người Hoa. Họ là khách quen của quán. Vào ngày chị mở bán, nhiều người không chỉ đến mua chè mà còn mua sợi bột về nhà tự chế biến theo ý muốn của mình.
Sau khi viếng chùa Phật Bà Quan Âm, bà Lưu Xuân Phương (56 tuổi, quận Tân Phú) cùng bạn ghé quán chè của chị Nhật Bình, thưởng thức món "cáy xỉa thằng". Vì không còn chỗ ngồi, bà quyết định mua nửa ký sợi bột về nhà tự nấu.
Ngày thường, chị cắt sợi bột, bán nguyên liệu nấu chè ở chợ. Ảnh: Hà Nguyễn. |
Bà Phương cho biết dù là món ăn truyền thống của người Hoa nhưng trước đây, món ăn này khá hiếm, hầu như không có bán. Mỗi năm đến ngày mùng 3/3, mọi người tự nấu ở nhà để ăn.
Vì được chế biến từ lá mơ nên không phải ai cũng biết cách làm cho sợi bột thành phẩm bớt mùi, không còn vị đắng. Khi biết chị Nhật Bình có bán món ăn này, bà cùng người quen đến mua về thưởng thức.
Nhiều người mua nguyên liệu về nhà tự chế biến. Ảnh: Hà Nguyễn. |
“Chè có tên gọi xấu xí nhưng thơm ngon và có lợi cho sức khỏe. Vì được làm từ lá mơ nên chè có công dụng điều hòa khí huyết, thải độc, giảm đau bụng… Ngoài ra, "cáy xỉa thằng" được ăn cùng nước đường nấu với gừng tươi nên tốt cho đường ruột. Đặc biệt, nếu ăn vào ngày lạnh, chè có tác dụng giữ ấm cơ thể”, bà Phương chia sẻ.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch