Trên đường Mạc Thị Bưởi giữa lòng quận 1 (TP.HCM), tôi chú ý đến một tòa nhà màu tím với khung cửa đen và hai chú voi sứ đứng uy nghiêm dưới mái vòm đỏ rực. Được bạn bè giới thiệu, tôi bất ngờ khi biết đây là một quán bar pha rượu Tây nhưng lấy nguồn cảm hứng từ văn hóa Việt.
Tôi là Olya Stepanova, một người mẫu đến từ Nga, hiện sinh sống tại TP.HCM.
Chuyển đến Việt Nam hơn 2 năm, tôi từng sống ở Mũi Né, Vũng Tàu và TP.HCM, điều đó mang đến cho tôi cơ hội để khám phá cảnh quan, văn hóa và ẩm thực Việt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tôi trải nghiệm tại một quán bar theo phong cách đương đại giữa trung tâm TP.HCM sôi động.
Quán bar tôi chọn dừng chân pha trộn văn hóa Đông - Tây ngay từ tên gọi: The Triệu Institute. Tên địa điểm lấy cảm hứng từ Bà Triệu - một nữ anh hùng dân tộc sống vào giữa thế kỷ thứ III có tên là Triệu Thị Trinh.
Trong không gian với tông màu trầm ấm chủ đạo, bức tranh về những người phụ nữ đầy sức ảnh hưởng của Việt Nam, trong đó nổi bật là hình ảnh Bà Triệu, được bố trí trên các bức tường. Những chi tiết như núi non hiên ngang trên nền tường tím hay các đám mây bồng bềnh trên trần nhà khiến không gian trở nên sống động mà vẫn mang âm hưởng Việt Nam đậm nét.
Mọi thanh âm náo nhiệt của thành phố tấp nập dường như bị bỏ lại đằng sau cánh cửa gỗ. Để cảm nhận mọi thứ trọn vẹn, tôi chọn cho mình vị trí ngay cạnh quầy bar, nơi bartender Nguyễn Dương đang chuẩn bị đồ uống - một vị trí lý tưởng để lắng nghe những câu chuyện ẩn sau mỗi ly cocktail.
Thực đơn tại đây gây lạ lẫm xen lẫn thú vị với tôi bởi những tên gọi giàu hình ảnh, dường như mỗi món đều mang theo câu chuyện về các vùng đất và con người Việt Nam. Chọn cho mình một ly cocktail với cái tên Heart of the Mountain – Trái Tim của Núi, tôi tận hưởng hành trình khám phá qua câu chuyện vị giác.
Với nền rượu gin lấy cảm hứng từ vùng đất Sa Pa, món đồ uống được pha chế từ các nguyên liệu đặc trưng của vùng đất Tây Bắc như trà ô long, lá mắc mật, quả phật thủ, vỏ bưởi và rau răm - một loại rau gia vị đặc sắc của Việt Nam.
Tại đây, tôi còn có cơ hội thử bộ trang phục mang phong cách kết hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản, với các họa tiết truyền thống bắt mắt cùng những đường cắt hiện đại, tôn lên vẻ đẹp thanh lịch và tinh tế của người phụ nữ.
Sau khi được Dương hướng dẫn và tìm hiểu về các loại nguyên liệu chính tạo nên một ly cocktail, tôi bắt đầu thực hành những công đoạn pha chế như một bartender.
Tự tay thực hành, tôi mới cảm nhận được sự tinh tế và công phu trong từng công đoạn, để pha chế một ly cocktail đòi hỏi sự tỉ mỉ và đam mê như việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật.
Sau khi trở về chỗ ngồi, tôi thưởng thức ly cocktail của mình. Đặc biệt, bartender đã đốt một chút rau răm để tạo làn khói thơm thoảng, mang đến trải nghiệm thị giác và khứu giác độc đáo.
Khi nhấp ngụm đầu tiên, hương vị của rượu gin hòa quyện với mùi thảo mộc khiến tôi như đang đứng giữa những ngọn núi Tây Bắc, bao quanh là biển mây mờ ảo.
Với ly đồ uống trong tay, tôi chầm chậm để giác quan được dẫn dắt, ngắm nhìn từng chi tiết trong quán, thả mình trong những câu chuyện và gia điệu mang ẩm hưởng dân gian vừa quen vừa lạ mà tôi không thể hiểu lời.
Ở Nga, tôi không thường tìm đến những cuộc vui ở các quán bar, thay vì đó, tôi cùng bạn bè chọn thưởng thức những ly rượu bên các cuộc trò chuyện tại nhà. Khi đến Việt Nam, tôi lại thích dạo biển với lon bia ở trên tay để nhìn ngắm cuộc sống. Vì vậy, khi đặt chân đến một quán bar mang đậm chất liệu lịch sử kết hợp cùng nhiều nguyên liệu bản địa cùng chất gin chưng cất thủ công đã mang đến cho tôi trải nghiệm rất độc đáo.
Kết thúc buổi trải nghiệm, tôi nhận ra rằng đây không chỉ là hành trình thưởng thức đồ uống, mà còn là cách để tôi kết nối sâu sắc hơn với văn hóa Việt Nam. Những câu chuyện được kể qua vị giác, thị giác và cả không gian đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai - một cách tiếp cận văn hóa truyền thống đầy sáng tạo và gần gũi.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch