
Một UAV mà Nga thu giữ được từ Ukraine (Ảnh: Euromaidan Press).
Lực lượng Ukraine đang cài mã độc vào các máy bay không người lái của nước này như một chiến thuật mới trong cuộc chiến kéo dài với Nga, theo Forbes.
Động thái này đã bổ sung thêm yếu tố tác chiến mạng vào một chiến trường vốn đã thay đổi đáng kể nhờ công nghệ không người lái. Tác chiến không gian mạng được mô tả là mặt trận không thuốc súng, ám chỉ việc nó không gây ra thương vong trực tiếp, nhưng lại tạo ra hậu quả gián tiếp và nghiêm trọng.
Theo Forbes, quân đội Nga phát hiện các UAV của Ukraine chứa mã độc. Theo nguồn tin, mã độc này có thể thực hiện nhiều chức năng phá hoại, bao gồm "làm cháy cổng USB, ngăn chặn việc nạp lại phần mềm, hoặc chiếm quyền điều khiển UAV FPV bị thu giữ và tiết lộ vị trí của người điều khiển".
"Chiến thuật này cho thấy Ukraine đang tận dụng lợi thế từ ngành công nghệ thông tin phát triển trước chiến sự để đối phó với năng lực quân sự vượt trội và nền công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ của Nga", tác giả Vikram Mittal của Forbes nhận định.
Việc cài mã độc phục vụ nhiều mục tiêu chiến lược: Ngăn Nga nghiên cứu các UAV bị thu giữ để phát triển biện pháp đối phó, không cho Moscow tái sử dụng thiết bị, và thậm chí có thể giúp Ukraine xác định vị trí của các binh sĩ Nga nếu họ cố dùng lại những UAV bị chiếm giữ.
"Bằng cách tích hợp mã độc vào UAV, các kỹ sư Ukraine đã tìm ra phương án phá hoại nỗ lực chống UAV của Nga mà không cần thêm nguồn lực vật chất, một lợi thế quan trọng trong bối cảnh hậu cần của Ukraine còn hạn chế", ông Mittal phân tích.
Việc tích hợp mã độc vào UAV có ý nghĩa chiến lược lớn, trong bối cảnh cả Nga và Ukraine đang chạy đua quyết liệt để chiếm ưu thế trong lĩnh vực thiết bị bay không người lái. Mối đe dọa từ các UAV Ukraine có khả năng lây nhiễm mã độc vào máy tính Nga có thể buộc Nga phải áp dụng các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt hơn, điều này sẽ cản trở khả năng nghiên cứu công nghệ đối phương, từ đó làm chậm quá trình phát triển hệ thống phòng chống UAV.
Ngoài ra, mã độc cũng có khả năng khiến Nga không thể tái sử dụng UAV thu giữ được, ví dụ như ngăn chặn quá trình nạp lại ổ cứng. Thậm chí nếu quá trình này thành công, một số biến thể khác của mã độc có thể giúp Ukraine chiếm quyền kiểm soát lại UAV và truy tìm vị trí của người điều khiển mới. Những rủi ro này có thể khiến Nga từ bỏ ý định tái sử dụng UAV Ukraine, một thiệt hại lớn trong bối cảnh cả hai bên đều thiếu hụt nguồn lực, và việc tận dụng thiết bị thu giữ là điều rất có giá trị.
Theo Forbes, sáng kiến này có thể mở ra hướng đi rộng lớn hơn cho Ukraine.
"Nếu thành công, Ukraine có thể bắt đầu cài mã độc vào nhiều hệ thống điện tử khác để cản trở Nga nghiên cứu hoặc tái sử dụng các thiết bị thu giữ được", ông Mittal nhận định.
Tạp chí Mỹ cho rằng bước tiến này có thể châm ngòi cho một cuộc đua công nghệ mới giữa Ukraine và Nga, tương tự như sự leo thang trong chiến thuật UAV.
Cả hai bên có thể sẽ đồng thời phát triển các loại mã độc tinh vi hơn và các biện pháp phòng thủ tương ứng, tạo ra một vòng xoáy tấn công - phòng thủ mới trên mặt trận giành ưu thế công nghệ không người lái như trò "mèo vờn chuột".