
Tổng thư ký NATO Mark Rutte (Ảnh: KT).
Tổng thư ký Mark Rutt đưa ra bình luận trên trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình MI Ukraine được công bố hôm 16/4 sau khi ông có chuyến thăm bất ngờ tới nước này trong ngày 15/4.
Theo đó, ông Rutt cho biết Ukraine chưa bao giờ được hứa hẹn về tư cách thành viên NATO như một phần của bất kỳ giải pháp tiềm năng nào cho cuộc xung đột với Nga.
Theo ông, mặc dù những quốc gia phương Tây vốn ủng hộ Kiev tuyên bố Ukraine "một ngày nào đó" sẽ trở thành thành viên của NATO, nhưng "không ai hứa với Ukraine rằng tư cách thành viên NATO sẽ là một phần của thỏa thuận hòa bình".
Nga từ lâu đã viện dẫn tham vọng gia nhập NATO của Kiev, mà Moscow coi là một khối thù địch công khai, là một trong những lý do để phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022.
Sự trung lập của Ukraine vẫn là yêu cầu chính của Moscow để đạt được thỏa thuận hòa bình, cùng với phi quân sự hóa, phi phát xít hóa và công nhận thực tế lãnh thổ trên thực địa.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky đã nhấn mạnh rằng tư cách thành viên hoặc "bảo đảm an ninh giống như NATO" phải được đưa vào bất kỳ thỏa thuận nào.
Trong tuyên bố, Tổng thư ký Rutte nhấn mạnh rằng con đường đến NATO của Ukraine vẫn là "không thể đảo ngược và không gì có thể thay đổi điều đó", nhưng không đưa ra mốc thời gian cho việc này.
Bình luận của người đứng đầu NATO trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo hồi đầu tháng này đã chỉ trích nỗ lực đưa Ukraine trở thành thành viên của khối của người đồng cấp Zelensky.
"Ông ấy muốn trở thành thành viên của NATO. Vâng, ông ấy sẽ không bao giờ trở thành thành viên của NATO", Tổng thống Trump nói. Nhà lãnh đạo Mỹ trước đó đã tuyên bố rằng ông hiểu những lo ngại của Nga về việc Ukraine gia nhập khối, điều này sẽ đặt NATO "ngay trước cửa nhà họ".
Tháng trước, Tổng thư ký Rutte đã trả lời "có" khi được hãng tin Bloomberg hỏi rằng: Liệu ông Trump đã đưa vấn đề gia nhập NATO của Ukraine ra khỏi cuộc thảo luận trong các nỗ lực hòa bình đang diễn ra giữa Mỹ và Nga hay chưa.
Trong cuộc phỏng vấn lần này, ông Rutte cam kết rằng NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong và sau bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào trong tương lai. Ông đã nhắc đến cái gọi là "liên minh những người sẵn sàng", một nhóm các quốc gia châu Âu thúc đẩy duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine và đề xuất gửi quân đến nước này, được cho là trong vai trò gìn giữ hòa bình sau xung đột.
Ông Rutte cho biết NATO là một phần của liên minh "với tư cách là cố vấn" và đang "hướng dẫn nhẹ nhàng" hướng đi của liên minh.
Ông nói thêm rằng nhóm này đang nỗ lực đảm bảo lực lượng vũ trang của Ukraine vẫn hoạt động sau khi một thỏa thuận cuối cùng được ký kết. Ông cũng tuyên bố, NATO ủng hộ ý tưởng gửi quân đến Ukraine như một phần của các đảm bảo an ninh trong tương lai, nhưng chỉ sau khi lệnh ngừng bắn được thực hiện và theo các điều khoản của một thỏa thuận hòa bình.
Nga đã nhiều lần phản đối ý tưởng đưa quân đội phương Tây vào Ukraine. Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng: các cường quốc phương Tây muốn gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine là nhằm mục đích củng cố chỗ đứng để chống Nga chứ không phải tìm kiếm một giải pháp thực sự.