
Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga Sergey Naryshkin (Ảnh: Reuters).
Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga (SVR) Sergey Naryshkin, hòa bình giữa Nga và Ukraine chỉ có thể đạt được nếu Kiev từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời công nhận biên giới mới của Nga.
Phát biểu với các phóng viên hôm 15/4 giờ địa phương, ông Naryshkin nhắc lại rằng, Nga không thay đổi các mục tiêu chiến lược của mình trong cuộc xung đột ở Ukraine.
"Các điều kiện của một thỏa thuận hòa bình chắc chắn bao gồm tình trạng phi hạt nhân, trung lập của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nhà nước Ukraine, và bãi bỏ mọi luật phân biệt đối xử được thông qua sau cuộc đảo chính năm 2014", ông nhấn mạnh.
Ukraine đã tìm kiếm tư cách thành viên NATO trong nhiều năm, chính thức nộp đơn xin gia nhập khối này vào tháng 9/2022. Các quan chức Nga từ lâu đã coi việc NATO mở rộng về phía biên giới của mình là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và coi tư cách thành viên tiềm năng của Ukraine là một ranh giới đỏ.
Sau cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev năm 2014, bán đảo Crimea đã gia nhập về Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý công khai, với 4 khu vực khác trước đây của Ukraine cũng sáp nhập về Nga năm 2022. Ukraine chưa bao giờ công nhận các phiếu bầu này.
Trong tuyên bố lần này, ông Naryshkin tiếp tục cáo buộc giới lãnh đạo Ukraine cố tình kéo dài xung đột để duy trì quyền lực. "Chỉ trong những điều kiện như vậy, chính quyền Kiev hiện tại mới có thể tiếp tục tại vị và tránh trách nhiệm trước người dân về các quyết định tội phạm của họ".
Rõ ràng, ông Naryshkin đang ám chỉ đến việc Tổng thống Zelensky từ chối tổ chức cuộc bầu cử mới với lý do thiết quân luật vẫn còn hiệu lực mặc dù nhiệm kỳ tổng thống của ông đã kết thúc gần một năm trước.
Ông Naryshkin cũng chỉ trích các thành viên NATO, đặc biệt là Pháp, Anh và Đức, vì họ ủng hộ Ukraine, cho rằng họ "đang làm gia tăng mức độ leo thang xung quanh cuộc xung đột Ukraine".
Theo vị giám đốc tình báo, trong khi đó, lập trường của Mỹ về cuộc khủng hoảng này hoàn toàn khác so với lập trường của phần còn lại của NATO. "Có một mong muốn đáng chú ý từ phía chính quyền Mỹ là hiểu và đi sâu vào nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Ukraine", ông lưu ý, khen ngợi cuộc đối thoại giữa Moscow và Washington là "tích cực".
Trong những tháng gần đây, các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột. Nhà lãnh đạo Mỹ đã nói rằng, tư cách thành viên NATO của Ukraine là không thực tế, đồng thời nói thêm rằng Kiev khó có thể giành lại tất cả các lãnh thổ trước đây.