Cơ hội khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh*: Đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến đổi nhanh chóng và phức tạp, khả năng nhận diện và tận dụng các cơ hội khởi nghiệp được xem là yếu tố then chốt góp phần phát triển kinh tế và tạo ra việc làm ổn định.

ThS. Lê Thị Huyền

Khoa Du lịch - Khách sạn,

Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Nghiên cứu này kế thừa và phát triển mô hình lý thuyết từ các công trình học thuật trước nhằm khám phá mối quan hệ giữa Lãnh đạo khởi nghiệp, Vốn trí tuệ, Văn hóa đổi mới, Định hướng khởi nghiệp và khả năng Nhận diện cơ hội khởi nghiệp. Bằng cách tổng hợp lý thuyết nền tảng và lược khảo các nghiên cứu gần đây, các giả thuyết được đề xuất nhằm kiểm định mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp giữa các biến, với Lãnh đạo khởi nghiệp là yếu tố nền tảng tác động đến cả Vốn trí tuệ, Văn hóa đổi mới và Định hướng khởi nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến năng lực Nhận diện cơ hội khởi nghiệp. Nghiên cứu đặc biệt có ý nghĩa đối với các trường đại học, tổ chức đào tạo và nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng môi trường hỗ trợ sinh viên khối ngành Kinh tế phát triển tư duy khởi nghiệp và nâng cao năng lực thích ứng trong nền kinh tế số.

Từ khóa: Lãnh đạo khởi nghiệp, nhận diện cơ hội khởi nghiệp, vốn trí tuệ, văn hoá đổi mới, định hướng khởi nghiệp

Summary

This study builds upon and extends existing theoretical models from prior academic research to investigate the relationships among Entrepreneurial leadership, Intellectual capital, Innovation culture, Entrepreneurial orientation, and Ability to recognize entrepreneurial opportunities. By synthesizing foundational theories and reviewing recent studies, the research proposes hypotheses to examine both direct and indirect relationships among these variables. Entrepreneurial leadership is identified as a core factor influencing Intellectual capital, Innovation culture, and Entrepreneurial orientation, thereby affecting the Ability to recognize entrepreneurial opportunities. The study provides meaningful implications for universities, training institutions, and policymakers in fostering an environment that supports students in economics-related disciplines to develop entrepreneurial mindsets and enhance their adaptability within the digital economy.

Keywords: Entrepreneurial leadership, entrepreneurial opportunity recognition, intellectual capital, innovation culture, entrepreneurial orientation

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến đổi nhanh chóng và phức tạp, khả năng nhận diện và tận dụng các cơ hội khởi nghiệp được xem là yếu tố then chốt góp phần phát triển kinh tế và tạo ra việc làm ổn định. Sự phát triển năng lực khởi nghiệp không chỉ giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp, mà còn thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, sinh viên khối ngành Kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh sau khi ra trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp do thiếu khả năng nhận diện và khai thác các cơ hội kinh doanh.

Các nghiên cứu quốc tế trước đây đã chỉ rõ vai trò quan trọng của Lãnh đạo khởi nghiệp, Vốn trí tuệ, Văn hóa đổi mới và Định hướng khởi nghiệp trong quá trình Nhận diện cơ hội khởi nghiệp (Renko và cộng sự, 2015; Bontis, 1998; Dobni, 2008; Miller, 1983), nhưng tại Việt Nam, đặc biệt là đối với sinh viên khối ngành Kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh, vẫn còn thiếu các nghiên cứu chuyên sâu nhằm làm rõ các mối quan hệ và cơ chế tác động giữa những yếu tố này trong bối cảnh cụ thể. Khoảng trống này không chỉ tồn tại ở khía cạnh lý luận, mà còn ở việc cung cấp cơ sở thực tiễn cần thiết để phát triển các chính sách và chương trình đào tạo phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên khối ngành Kinh tế tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm lấp đầy khoảng trống đã nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế khu vực.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Theo Renko và cộng sự (2015), lãnh đạo khởi nghiệp đề cập đến khả năng ảnh hưởng và dẫn dắt nhóm làm việc để hướng tới việc nhận diện và khai thác các cơ hội kinh doanh. Lý thuyết này nhấn mạnh vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và quản lý sự thay đổi trong các tổ chức.

Theo Bontis (1998), vốn trí tuệ bao gồm 3 thành phần: vốn con người (kiến thức và kỹ năng cá nhân), vốn cấu trúc (hệ thống tổ chức và quy trình nội bộ) và vốn khách hàng (quan hệ và lòng trung thành của khách hàng). Vốn trí tuệ được coi là nguồn lực then chốt giúp tổ chức phát triển lợi thế cạnh tranh bền vững.

Dobni (2008) cho rằng, văn hóa đổi mới là môi trường tổ chức tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên phát triển và thực hiện các ý tưởng sáng tạo, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của tổ chức.

Miller (1983) xác định, định hướng khởi nghiệp là sự kết hợp giữa đổi mới, chủ động và chấp nhận rủi ro. Định hướng này thúc đẩy các cá nhân và tổ chức tích cực tìm kiếm và khai thác các cơ hội kinh doanh mới.

Tổng quan nghiên cứu

Gần đây, nhiều nghiên cứu đã tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến nhận diện cơ hội khởi nghiệp. Cụ thể, Bagheri (2017) chỉ ra rằng, lãnh đạo khởi nghiệp có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích hành vi đổi mới trong các doanh nghiệp công nghệ cao. Talebi và cộng sự (2012) khẳng định, vốn trí tuệ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phát hiện và khai thác cơ hội kinh doanh. Hilmarsson và cộng sự (2014) đã xác nhận mối liên hệ tích cực giữa văn hóa đổi mới và hiệu quả kinh doanh. Nghiên cứu của Musara và Nieuwenhuizen (2020) cho thấy định hướng khởi nghiệp tác động đáng kể đến thành công của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cuối cùng, nghiên cứu gần đây của Karimi và Ataei (2023) cho rằng, môi trường hệ sinh thái khởi nghiệp và trí tuệ xã hội đóng vai trò quan trọng trong phát triển kỹ năng khởi nghiệp của sinh viên.

MÔ HÌNH VÀ GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Dựa trên cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước đây, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu bao gồm: biến độc lập (Lãnh đạo khởi nghiệp), các biến trung gian (Vốn trí tuệ, Văn hóa đổi mới, Định hướng khởi nghiệp) và biến phụ thuộc (Nhận diện cơ hội khởi nghiệp) như Hình. Mô hình này nhằm phân tích tác động trực tiếp và gián tiếp giữa các biến để làm rõ mối quan hệ và cơ chế tác động giữa chúng.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Cơ hội khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh*: Đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng

Nguồn: Tổng hợp và đề xuất của tác giả (2025)

Giả thuyết nghiên cứu

Lãnh đạo khởi nghiệp được hiểu là khả năng dẫn dắt và thúc đẩy sự đổi mới, phát triển cơ hội kinh doanh trong tổ chức (Renko và cộng sự, 2015). Nghiên cứu này chỉ ra rằng, lãnh đạo khởi nghiệp thúc đẩy các thành viên trong tổ chức tích cực tìm kiếm và khai thác cơ hội mới thông qua việc tạo môi trường khuyến khích sự đổi mới và chấp nhận rủi ro. Trong bối cảnh sinh viên khối ngành Kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo khởi nghiệp từ phía nhà trường và giảng viên có thể nâng cao khả năng phát hiện các cơ hội khởi nghiệp của sinh viên. Do đó, giả thuyết H1 được đưa ra như sau:

H1: Lãnh đạo khởi nghiệp có tác động tích cực đến khả năng Nhận diện cơ hội khởi nghiệp.

Vốn trí tuệ bao gồm: vốn con người, vốn cấu trúc và vốn khách hàng, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lợi thế cạnh tranh và đổi mới (Bontis, 1998). Lãnh đạo khởi nghiệp thông qua việc hỗ trợ, đào tạo và thúc đẩy hoạt động đổi mới có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các hệ thống quản lý tri thức và cải thiện quan hệ khách hàng (Bontis, 1998). Điều này có thể được áp dụng để nâng cao vốn trí tuệ của sinh viên ngành Kinh tế, giúp họ phát triển năng lực cạnh tranh trên thị trường. Do đó, giả thuyết H2 được đưa ra như sau:

H2: Lãnh đạo khởi nghiệp tác động tích cực đến Vốn trí tuệ.

Theo Dobni (2008), văn hóa đổi mới được xây dựng khi tổ chức tạo môi trường thuận lợi để các cá nhân phát triển và thực hiện ý tưởng sáng tạo. Lãnh đạo khởi nghiệp, thông qua vai trò của mình, có thể xây dựng và củng cố văn hóa này bằng cách thúc đẩy các giá trị về sáng tạo, thử nghiệm và sẵn sàng chấp nhận thất bại. Với sinh viên khối ngành Kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh, việc xây dựng văn hóa đổi mới là cần thiết để kích thích tư duy sáng tạo và đổi mới. Do đó, giả thuyết H3 được đưa ra như sau:

H3: Lãnh đạo khởi nghiệp tác động tích cực đến Văn hóa đổi mới

Miller (1983) xác định, định hướng khởi nghiệp là sự kết hợp giữa đổi mới, chủ động và chấp nhận rủi ro. Lãnh đạo khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và nuôi dưỡng định hướng khởi nghiệp thông qua việc khuyến khích các thành viên của tổ chức chủ động, sáng tạo và dám đối mặt với các thách thức mới. Trong môi trường giáo dục khối ngành Kinh tế, lãnh đạo khởi nghiệp có thể thúc đẩy sinh viên phát triển các đặc điểm này, hỗ trợ họ thành công hơn trong tương lai. Do đó, giả thuyết H4 được đưa ra như sau:

H4: Lãnh đạo khởi nghiệp tác động tích cực đến Định hướng khởi nghiệp.

Theo Talebi và cộng sự (2012), vốn trí tuệ bao gồm: vốn con người, cấu trúc và khách hàng giúp các tổ chức và cá nhân cải thiện khả năng nhận diện và tận dụng các cơ hội mới thông qua việc cung cấp kiến thức, kỹ năng và hệ thống quản lý hiệu quả. Việc phát triển các thành phần vốn trí tuệ này tại các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh có thể giúp sinh viên phát hiện và tận dụng các cơ hội khởi nghiệp hiệu quả hơn. Do đó, giả thuyết H5 được đưa ra như sau:

H5: Vốn trí tuệ có tác động tích cực đến khả năng Nhận diện cơ hội khởi nghiệp.

Hilmarsson và cộng sự (2014) đã chỉ ra rằng, các tổ chức có văn hóa đổi mới mạnh mẽ thường đạt được kết quả kinh doanh tốt hơn thông qua việc khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường. Áp dụng vào bối cảnh giáo dục, việc xây dựng văn hóa đổi mới sẽ giúp sinh viên khối ngành Kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh chủ động hơn trong việc tìm kiếm và khai thác các cơ hội khởi nghiệp. Do đó, giả thuyết H6 được đưa ra như sau:

H6: Văn hóa đổi mới có tác động tích cực đến khả năng Nhận diện cơ hội khởi nghiệp.

Musara và Nieuwenhuizen (2020) cho rằng, định hướng khởi nghiệp bao gồm: tính đổi mới, chủ động và chấp nhận rủi ro, đóng vai trò quyết định trong việc khai thác hiệu quả các cơ hội kinh doanh. Sinh viên được đào tạo với định hướng khởi nghiệp cao tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có khả năng tốt hơn trong việc nhận diện và tận dụng cơ hội kinh doanh trên thị trường thực tế. Do đó, giả thuyết H7 được đưa ra như sau:

H7: Định hướng khởi nghiệp có tác động tích cực đến khả năng Nhận diện cơ hội khởi nghiệp.

HƯỚNG NGHIÊN CỨU TƯƠNG LAI

Nghiên cứu hiện tại mới chỉ dừng ở mức độ đề xuất hệ thống giả thuyết nghiên cứu và mô hình lý thuyết trên cơ sở tổng hợp các lý thuyết nền tảng và thực tiễn giáo dục khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Do đó, các hướng nghiên cứu tiếp theo cần tập trung vào việc kiểm định thực nghiệm mô hình đề xuất thông qua các phương pháp nghiên cứu định lượng, cụ thể:

Thứ nhất, cần xây dựng thang đo phù hợp cho từng khái niệm nghiên cứu, dựa trên các thang đo đã được kiểm định trong các nghiên cứu trước (như Renko và cộng sự, 2015; Bontis, 1998; Dobni, 2008), đồng thời hiệu chỉnh để phù hợp với bối cảnh sinh viên Việt Nam.

Thứ hai, các nghiên cứu tiếp theo nên tiến hành khảo sát với cỡ mẫu đủ lớn và đại diện, áp dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) để kiểm định độ phù hợp của mô hình và đánh giá mức độ ảnh hưởng giữa các biến.

Thứ ba, có thể vận dụng thêm các mô hình trung gian (mediation model) và kiểm định hiệu ứng gián tiếp để làm rõ cơ chế tác động của lãnh đạo khởi nghiệp thông qua các biến trung gian như: Vốn trí tuệ, Văn hóa đổi mới và Định hướng khởi nghiệp đến Nhận diện cơ hội khởi nghiệp.

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang trở thành chiến lược phát triển quan trọng của quốc gia, việc nâng cao năng lực nhận diện cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên khối ngành Kinh tế, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế như TP. Hồ Chí Minh, là nhiệm vụ cấp thiết. Trên cơ sở kế thừa các lý thuyết nền tảng và tổng quan nghiên cứu, bài viết đề xuất mô hình nghiên cứu nhằm phân tích ảnh hưởng của Lãnh đạo khởi nghiệp đến năng lực Nhận diện cơ hội, thông qua vai trò trung gian của Vốn trí tuệ, Văn hóa đổi mới và Định hướng khởi nghiệp. Mô hình đề xuất không chỉ giúp khái quát hóa các mối quan hệ nhân quả giữa các biến cốt lõi, mà còn gợi mở hướng tiếp cận hệ thống, đa chiều trong việc xây dựng các chương trình giáo dục và hỗ trợ khởi nghiệp trong môi trường đại học. Đặc biệt, mô hình có thể là cơ sở để thực hiện các nghiên cứu định lượng tiếp theo, kiểm định bằng các công cụ phân tích nhân tố và mô hình cấu trúc tuyến tính nhằm xác định mức độ và cơ chế ảnh hưởng của các yếu tố nghiên cứu./.

(*) Nghiên cứu được thực hiện trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15.

Tài liệu tham khảo:

1. Bagheri, A. (2017). The Impact of Entrepreneurial Leadership on Innovation Work Behavior and Opportunity Recognition in High-Technology SMEs, The Journal of High Technology Management Research, 28(2), 159-166.

2. Bontis, N. (1998). Intellectual capital: an exploratory study that develops measures and models, Management Decision, 36(2), 64-76.

3. Dobni, C.B. (2008). Measuring Innovation Culture in Organizations: The Development of a Generalized Innovation Culture Construct Using Exploratory Factor Analysis, European Journal of Innovation Management, 11, 539-559, https://doi.org/10.1108/14601060810911156.

4. Hilmarsson, E., Oskarsson, G., and Gudlaugsson, T. (2014). The Relationship Between Innovation Culture and Innovation Performance, International Journal of Business Research, 14(1), 86-95.

5. Karimi, H., and Ataei, P. (2023). The Effect of Entrepreneurship Ecosystem on the Entrepreneurial Skills of Agriculture Students: The Mediating Role of Social Intelligence and Emotional Intelligence (The Case of Zabol University, Iran), Current Psychology, 42, 23250-23264.

6. Miller, D. (1983). The Correlates of Entrepreneurship in Three Types of Firms, Management Science, 29, 770-791, http://dx.doi.org/10.1287/mnsc.29.7.770.

7. Musara, M., and Nieuwenhuizen, C. (2020). The Role of Entrepreneurial Orientation on the Performance of Small and Medium Enterprises in South Africa, Journal of Enterprising Communities: People and Places in the Global Economy, 14(4), 543-563.

8. Renko, M., El Tarabishy, A., Carsrud, A. L., and Brännback, M. (2015). Understanding and Measuring Entrepreneurial Leadership Style, Journal of Small Business Management, 53(1), 54-74.

9. Talebi, K., Rezazadeh, A., and Najmabadi, A. D. (2012). Intellectual Capital and Entrepreneurial Opportunity Recognition: A Conceptual Model, International Journal of Business and Management, 7(1), 92-100.

Ngày nhận bài: 7/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 11/7/2025; Ngày duyệt đăng: 14/7/2025