Nghiên cứu báo cáo phát triển bền vững qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSviewer

Phát triển bền vững đảm bảo cân bằng các vấn đề Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang là vấn đề cấp bách toàn cầu.

ThS. Nguyễn Thị Thu Vân

Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang

Email: van.nguyen@vlu.edu.vn

Tóm tắt

Phát triển bền vững đảm bảo cân bằng các vấn đề Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu được trích lọc từ cơ sở dữ liệu trích dẫn, tóm tắt các tài liệu khoa học, được Elsevier quản lý từ năm 1990 đến ngày 20/06/2025. Với 3.502 nghiên cứu có liên quan chủ đề ESG được phân tích trắc lượng thư mục kết hợp với VOSviewer, kết quả đạt được là tiền đề để thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về ESG trong tương lai.

Từ khóa: ESG, phân tích trắc lượng thư mục, VOSViewer

Summary

Sustainable development ensures a balance between Environmental, Social and Governance (ESG) issues, which is a pressing global issue. The study uses data extracted from the citation database, summarizing scientific documents, managed by Elsevier in the period from 1990 to June 20, 2025. With 3,502 studies related to the ESG topic, bibliometric analysis was performed and combined with VOSviewer. The results are the premise to conduct in-depth studies on ESG in the future.

Keywords: ESG, bibliometric analysis, VOSViewer

GIỚI THIỆU

Phát triển bền vững đang trở thành xu hướng toàn cầu nhằm giảm thiểu, tiến tới loại bỏ những tác động tiêu cực trong tiến trinh phát triển, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu tới chất lượng cuộc sống của con người hiện tại cũng như các thế hệ tương lai. Sự ra đời các “Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030” của Liên hợp quốc gắn liền với khái niệm phát triển nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), đã ngày càng trở nên phổ biến. Theo ESG, khi đánh giá các hoạt động, thành quả của doanh nghiệp không chỉ dựa trên các chỉ tiêu tài chính, hay các chỉ số sinh lợi mà còn dựa trên những ảnh hưởng của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội. Trong xu hướng chung toàn cầu về phát triển bền vững, ngoài mục tiêu lợi nhuận, các nhà đầu tư còn đánh giá mức độ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua thành quả thực hiện ESG. Trong đó, tập trung vào tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp đến môi trường, chẳng hạn như trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sử dụng tài nguyên như thế nào và gây phát thải chất ô nhiễm môi trường ra sao. Khía cạnh xã hội thể hiện mối quan hệ giữa tổ chức với quyền lợi nhân viên, khách hàng, cộng đồng và các bên liên quan, cùng với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong khi đó, khía cạnh quản trị chú trọng vào cấu trúc quản lý của doanh nghiệp như tính minh bạch, đạo đức trong kinh doanh, quyền lợi của cổ đông và quy trình ra quyết định.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tuân thủ báo cáo ESG đã làm tăng giá trị nội tại cho tổ chức như hình thành được tầm nhìn, chiến lược, cải thiện hệ thống quản lý theo ESG, động viên nhân viên hay mang lại thành quả hoạt động (Mohammad & Wasiuzzaman, 2021) đồng thời đạt được lợi ích từ bên ngoài như danh tiếng và độ tin cậy công ty, thu hút nguồn vốn đầu tư, đạt được lợi thế cạnh tranh (Jamali & cộng sự, 2017). Tại Việt Nam, số lượng các công trình nghiên cứu chủ đề ESG đang tăng dần, tuy nhiên, các nghiên cứu thường theo xu hướng là nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công bố ESG (Uong, L. T. N và Nguyen, N. D. , 2025) hay tác động của công bố báo cáo ESG đến thành quả hoạt động, chính sách cổ tức… (Loan, B. T. T., Anh, T. T. L., và Hoang, T, 2024).

Thông qua việc tìm hiểu tình hình nghiên cứu ESG ở Việt Nam, khá ít các bài về chủ đề liên quan ESG bằng cách phân tích và trình bày dữ liệu khoa học đo lường thư mục (bibliometric) để phân tích kết hợp với VOSViewer. Trong khi đó, đây là công cụ khá hữu ích được các học giả sử dụng nghiên cứu, đánh giá tác động của nghiên cứu, phát hiện mối quan hệ giữa các tác giả, tạp chí, dự báo được xu hướng và phát triển nghiên cứu trong tương lai. Thêm vào đó, VOSviewer là một công cụ sử dụng kỹ thuật lập bản đồ thư mục được phát triển nhằm thay thế cho kỹ thuật phân tích đa chiều (Multidimensional Scaling, MDS) nổi tiếng. Ứng dụng giúp người dùng trực quan hóa mạng lưới tài liệu khoa học, bao gồm các tác giả, tạp chí và từ khóa, cho phép người dùng phân tích và trình bày dữ liệu bibliometric một cách trực quan, giúp xác định các xu hướng nghiên cứu, mối quan hệ giữa các tài liệu và các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau (Van Eck & Waltman, 2017). Do vậy, mục tiêu nghiên cứu này là thực hiện phân tích từ khóa, phân tích đồng trích dẫn để từ đó thấy được xu hướng của các nghiên cứu về ESG trong tương lai.

THIẾT KẾ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Quy trình và dữ liệu nghiên cứu

Hình 1: Quy trình thực hiện nghiên cứu

Nghiên cứu báo cáo phát triển bền vững qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSviewer
Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Cơ sở dữ liệu Scopus được tác giả lựa chọn nhằm thu nhập, tìm kiếm và sàng lọc thông tin. Do chủ đề nghiên cứu là về “ESG” nên từ khóa “ESG” được tìm kiếm trong tiêu đề, tóm tắt, từ khóa của các bài báo. Scopus đã trả về kết quả có 3.717 nghiên cứu trong thời gian từ 1990 đến 20/6/2025; đồng thời bài viết cũng giới hạn lĩnh vực nghiên cứu là Business, Management, Accounting. Tác giả lựa chọn những bài báo được viết bằng tiếng Anh, bỏ qua sách và các bài báo chưa xuất bản “Article in press”. Kết quả cho thấy có 3.717 công bố có liên quan đến ESG.

Bước thứ hai là, làm sạch dữ liệu để loại bỏ những tài liệu không có “Author keywords”, chỉnh sửa những từ khóa, tên tạp chí, nhà xuất bản trùng lắp, dữ liệu còn lại sẵn sàng thực hiện phân tích là 3.502 nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu

Thống kê mô tả trên dữ liệu 3.502 nghiên cứu đã được truy xuất. Các chỉ số được đưa vào phân tích bao gồm số công bố qua các năm, phân tích xem số lượng trích dẫn của các bài báo, thống kê số công bố tạp chí, thống kê số công bố quốc gia, công bố của các tác giả. Các thông tin này sẽ giúp cho người đọc có cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu liên quan đến ESG từ trước đến nay.

Sau đó, tiếp tục thực hiện phân tích đồng trích dẫn, từ khóa tác giả… từ đó tạo ra sơ đồ các công bố có liên quan cùng một nhóm. Dựa trên kết quả phân nhóm từ khóa tác giác của phần mềm, tác giả rà soát lại các từ khóa theo nhóm, loại bỏ những từ khóa bị trùng lắp, đọc lại nghiên cứu. Sau cùng, tác giả sắp xếp, đặt tên các nghiên cứu các nhóm để xem xét mối liên hệ giữa các nhóm cũng như xu hướng nghiên cứu trong tương lai.

PHÂN TÍCH KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Phân tích thống kê

Phân tích số lượng công bố theo quốc gia

Thống kê số công bố của các nước và vùng lãnh thổ, có thể thấy các công bố về ESG ở Trung Quốc đứng đầu (605 bài), tiếp theo là Mỹ (475 bài), Anh (352 bài), Ý (317 bài). Trong quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á, Ấn Độ đứng đầu với 316 bài, tiếp theo là Malaysia (164 bài), Hàn Quốc (126 bài), Indonesia (109 bài), Đài Loan - Trung Quốc (67 bài), Việt Nam (62 bài).

Bảng 1: Số lượng nghiên cứu, trích dẫn theo quốc gia

Xếp hạng

Quốc gia

Nghiên cứu

Trích dẫn

Cường độ liên kết

l

Trung Quốc

605

9,197

331

2

Mỹ

475

20,376

318

3

Anh

352

16,557

424

4

Ý

317

10,159

141

5

Ấn Độ

316

4,150

75

6

Úc

188

7,280

170

7

Pháp

187

6,765

229

8

Malaysia

164

2,473

162

9

Tây Ban Nha

153

4,545

98

10

Đức

142

9,150

68

11

Hàn Quốc

126

1,646

86

12

Indonesia

109

562

39

13

Canada

107

2,982

67

14

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất

80

1,584

113

15

Hồng Kông (Trung Quốc)

79

2,793

85

16

Ba Lan

68

847

44

17

Đài Loan (Trung Quốc)

67

982

43

18

Ả rập Saudi

66

877

88

19

Tunisia

66

1,346

43

20

Brazil

65

1,920

31

21

Việt Nam

62

541

57

Nguồn: Tổng hợp của tác giả, 2025

Mối quan hệ hợp tác các quốc gia, vùng lãnh thổ

Để thấy được mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa các quốc gia trong việc nghiên cứu, tác giả đã sử dụng VOSViewer lựa chọn Co- author, với điều kiện tối thiểu 20 bài báo cho mỗi quốc gia. Kết quả được trình bày ở Hình 2 với 118 nước, vùng lãnh thổ và 48 điểm kết nối là các quốc gia, vùng lãnh thổ được chọn thỏa mãn điều kiện.

Hình 2: Hợp tác các quốc gia, vùng lãnh thổ với số lượng nghiên cứu tối thiểu 20 bài

Nghiên cứu báo cáo phát triển bền vững qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSviewer
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ VOSViewer, 2025

Hình ảnh trực quan (Hình 3) cho thấy việc hợp tác giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ chia làm 6 cụm, với độ dày của đường liên kết cho thấy sức mạnh của việc hợp tác. Trong đó, cụm 1 được thể hiện qua màu đỏ gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy lạp, Iceland, Nhật, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh, Mỹ; trong đó trung tâm kết nối là Mỹ với 475 nghiên cứu, 41 kết nối, cường độ liên kết 318. Tuy Anh có số lượng công bố thấp hơn (352 nghiên cứu), nhưng có 46 kết nối, cường độ liên kết 424.

Cụm 2 được biểu hiện bằng màu xanh lá cây gồm 11 quốc gia gồm Bahrain, Ai Cập, Pháp, Ấn Độ, Kuwait, Lebanon, Romania, Ả rập Saudi, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với trung tâm kết nối là Ấn Độ 316 nghiên cứu.

Cụm 3 được biểu hiện bằng màu xanh dương gồm 9 quốc gia và vùng lãnh thổ Indonesia, Jordan, Malaysia, New Zealand, Pakistan, Qatar, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam với trung tâm kết nối là Malaysia 164 nghiên cứu. Cụm 4 được biểu hiện bằng màu vàng gồm 6 quốc gia gồm Brazil, Ý, Bồ Đào Nha, Nga, Hàn Quốc và Tây Ban Nha với trung tâm kết nối là Ý 317 nghiên cứu. Cụm 5 được biểu hiện bằng màu tím gồm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ Úc, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), và Thái Lan với trung tâm kết nối là Trung Quốc 605 nghiên cứu.

Cụm 6 được biểu hiện bằng màu xanh lam gồm 6 quốc gia gồm Séc, Phần Lan, Hungary, Ba Lan và Ukraine với trung tâm kết nối là Ba Lan 68 nghiên cứu.

Hình 3: Hợp tác các quốc gia, vùng lãnh thổ theo cụm với số lượng nghiên cứu tối thiểu 20 bài

Nghiên cứu báo cáo phát triển bền vững qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSviewer
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ VOSViewer, 2025

Hợp tác giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ theo thời gian

Theo kết quả từ Hình 4, các nước Đức, Hà Lan, Canada… có số lượng công bố từ năm 2022; Mỹ, Anh, Ấn Độ, Pháp, Malaysia… có số lượng công bố nhiều vào năm 2023; Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất… có số lượng công bố nhiều vào năm 2024.

Hình 4: Hợp tác giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với số lượng nghiên cứu tối thiểu 20 bài theo thời gian

Nghiên cứu báo cáo phát triển bền vững qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSviewer
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ VOSViewer, 2025

Khi thực hiện phân tích thống kê chủ đề theo tạp chí, số lượng công bố về chủ đề ESG được với số lượng từ cao đến thấp như sau: CSR and Environmental Management (248 bài), Business Strategy and the Environment (186 bài), Research in International Business and Finance (132 bài), Journal of Cleaner Production (125 bài), Journal of Sustainable Finance and Investment (106 bài)… Phần lớn các tạp chí đến từ các nhà xuất bản có tiếng tăm như John Wiley and Sons Ltd, Emerald, Elsevie…

Thống kê theo số lượng bài báo và trích dẫn

Hình 5: Thống kê theo số lượng bài và trích dẫn

Nghiên cứu báo cáo phát triển bền vững qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSviewer
Nguồn: Tổng hợp của tác giả, 2025

Hình 5 cho thấy, từ 2007 đến 2025 có tất cả 3.502 nghiên cứu liên quan đến chủ đề về ESG. Từ năm 2017 số lượng công bố đã tăng dần nhưng chưa có nhiều đột phá. Bắt đầu từ năm 2019 đến năm 2020, số lượng công bố đã tăng nhanh chóng và đến năm 2024 ở mức 1.111 bài. Tuy nhiên, trích dẫn lại tăng từ năm 2019 và đạt cao nhất là năm 2022 với 14.675 trích dẫn.

Phân tích từ khóa tác giả

Truy xuất dữ liệu từ Scopus bao gồm 3.502 nghiên cứu về ESG, tác giả đã tiến hành thực hiện phân tích đồng xuất hiện (Co-occurrence) với điều kiện là mỗi từ khóa xuất hiện ít nhất 25 lần. Với kết quả 7.285 từ khóa, có 75 từ khóa đáp ứng yêu cầu tạo thành 75 điểm kết nối. Theo đó, đối với mỗi trong số 75 từ khóa, tổng sức mạnh của các liên kết đồng xuất hiện với các từ khóa khác sẽ được tính toán. Các từ khóa có tổng sức mạnh liên kết lớn nhất sẽ được chọn và chia thành 6 cụm, mỗi cụm được mã hóa thành 1 màu khác nhau theo Bảng 2, qua các từ khóa xuất hiện có thể nói lên được chủ đề nghiên cứu của các cụm.

Bảng 2: Các cụm từ khóa được phân cụm

Cụm

Số từ khóa

Các từ khóa

Chủ đề các cụm

1

(Màu đỏ)

16

bibliometric analysis, climate change, covid-19, emerging markets, esg investment, esg, esg rating, event study, greenwashing, institutional investors, responsible investment, risk management

socially responsible investment, sri, sustainable finance, sustainable investment.

Nghiên cứu về ESG đảm bảo sự bền vững tài chính, đầu tư bền vững, đầu tư có trách nhiệm, đặc biệt nghiên cứu ESG trong bối cảnh covid 19, ở những thị trường mới nổi, ESG liên quan “tẩy xanh doanh nghiệp, rủi ro quản trị

2

(Màu Xanh lá)

13

Banks, Board gender diversity, corporate governance, environmental disclosure, esg controversies, esg disclosure, esg score, financial performance, firm performance, firm value, India, Panel data, ROA

Nghiên cứu ESG ở các ngân hàng, ảnh hưởng của đa dạng giới tính ảnh hưởng đến công bố ESG, hay công bố ESG ảnh hưởng đến giá trị công ty, thành quả hoạt động, thành quả tài chính. Dữ liệu hay xử dụng trong nghiên cứu ESG, xu hướng nghiên cứu ESG ở Ấn Độ

3

(Màu xanh dương)

15

AI, China, corporate sustainability,

digital transformation, environmental performance, esg performance, esg practice, esg rating, esg score, financial constraints, green finance, green innovation, information asymmetry

machine learning, sustainable development

Xu hướng nghiên cứu mới về ESG, và xu hướng này xuất hiện nhiều tại Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số, AI, hạn chế tài chính, học máy.

4

(Màu vàng)

13

Cost of debt, csr, disclosure, environmental, esg, governance, innovation, performance, profitability, social governance(esg), socially responsible investment (sri), stakeholders, sustainability

Nghiên cứu ESG, gắn với CSR, cải tiến, khả năng sinh lợi, csch thức quản lý điều hành, các bên liên quan

5

(Màu tím)

9

Agency theory, esg reporting, institutional theory, integrated reporting, legitimacy theory, stakeholder engagement, stakeholder theory, sustainability

Các lý thuyết được vận dụng trong nghiên cứu về ESG

6

(Màu xanh lam)

5

Performance, sustainability report, corporate financial performance, corporate social performance, csr

Nghiên cứu ESG, CSR liên quan thành quả hoạt động

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Hình 6: Phân tích theo từ khóa tác giả theo thời gian

Nghiên cứu báo cáo phát triển bền vững qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSviewer
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ VOSViewer, 2025

Xu hướng mới nghiên cứu ESG theo thời gian gắn liền chuyển đổi số, hạn chế tài chính, học máy, tài chính xanh (Hình 6). Trong khi đó, vào các năm 2021 và 2022, nghiên cứu ESG gắn liền thành quả hoạt động, phát hành báo cáo ESG, đầu tư…

Phân tích đồng tác giả

Tác giả tiếp tục phân tích đồng tác giả đối với 3.502 công bố, lựa chọn các tham số trích lọc từ phần mềm là các nghiên cứu tối thiểu 5 lần. Kết quả, có 8 tác giả thỏa mãn điều kiện, phân thành 3 cụm được thể hiện Bảng 3 và Hình 7.

Bảng 3: Thống kê nghiên cứu ESG theo tác giả

Tác giả

Số nghiên cứu

Trích dẫn

Số trích dẫn trên 1 bài báo

Độ mạnh liên kết

Al amosh, Hamzeh

15

465

31.00

10

Albitar, Khaldoon

14

943

67.36

7

Hussainey, Khale

13

1,040

80.00

15

Makarenko, Inna

13

79

6.08

8

Paolone, Francesco

13

476

36.62

5

Buallay, Amina

11

615

55.91

1

Lu, Wen-min

10

98

9.80

13

Uyar, Ali

10

652

65.20

15

Khatib, Saleh f. a

9

184

20.44

6

Rastogi, Shailesh

9

94

10.44

9

Treepongkaruna, Sirimon

9

124

13.78

1

Agnese, Paolo

9

51

5.67

14

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ VOSViewer, 2025

Hình 7: Bản đồ phân tích theo tác giả số lượng nghiên cứu xuất hiện tối thiểu 5 lần

Nghiên cứu báo cáo phát triển bền vững qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSviewer
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ VOSViewer, 2025

Thảo luận

Bằng cách sử dụng phương pháp thống kê mô tả, nghiên cứu đã hệ thống và trình bày kết quả dưới dạng hình ảnh, bảng biểu cho thấy chủ đề về ESG được nhiều học giả trên thế giới quan tâm. Nghiên cứu đã chia các công bố về ESG ra 5 nhóm như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu về ESG đảm bảo sự bền vững tài chính, đầu tư bền vững, đầu tư có trách nhiệm, đặc biệt nghiên cứu ESG trong bối cảnh covid 19 (Boyoung & Soo-Joon, 2024), ở những thị trường mới nổi (Ashraf & cộng sự, 2025), ESG liên quan “tẩy xanh doanh nghiệp (Lokuwaduge & De Silva, 2022), rủi ro quản trị (Sharma, 2023), có thể được thực hiện bằng cách thu thập dữ liệu sơ cấp, thứ cấp, áp dụng phương pháp nghiên cứu định lượng.

Thứ hai, nghiên cứu ESG ở các ngân hàng, ảnh hưởng của đa dạng giới tính đến công bố ESG, hay công bố ESG ảnh hưởng đến giá trị công ty, thành quả hoạt động, thành quả tài chính. Ấn Độ là một trong những nước trong khu vực Châu Á đứng đầu về công bố ở hướng này.

Thứ ba, xu hướng nghiên cứu mới về ESG xuất hiện nhiều tại Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số, hạn chế tài chính, học máy… (Chen & cộng sự, 2025). Xu hướng phân tích theo thời gian cũng là xu thế chiếm lĩnh trong giai đoạn hiện tại. Trong tương lai với sự phát triển công cụ AI, xu hướng này còn phát triển mạnh mẽ.

Thứ tư, nghiên cứu ESG gắn với CSR, cải tiến, khả năng sinh lợi, cách thức quản lý điều hành, các bên liên quan nghiêng về những biến đổi giá trị nội tại của doanh nghiệp khi áp dụng ESG.

Thứ năm, nghiên cứu về các lý thuyết được áp dụng để biện luận mối quan hệ các nhân tố liên quan đến công bố ESG được xem là xu hướng nền tảng lý thuyết cho các nghiên cứu khác về ESG như lý thuyết đại diện, lý thuyết thể chế, lý thuyết hợp pháp, lý thuyết các bên liên quan (Velte, P., 2023).

KẾT LUẬN

Nghiên cứu khái quát định nghĩa ESG, công bố ESG tại các quốc gia, vùng lãnh thổ cũng như lợi ích ESG mang lại Kết quả dữ liệu phân tích cho thấy từ năm 2022 đến năm 2024 số lượng và các trích dẫn có liên quan về chủ đề ESG tăng lên rất nhiều. Đa phần các nghiên cứu ESG được tập trung ở Trung Quốc, Mỹ, Anh và một vài nước, vùng lãnh thổ châu Á. Kết quả nghiên cứu cũng giúp tác giả đề xuất 5 hướng nghiên cứu liên quan đến chủ đề ESG, trong đó xu hướng ESG trong bối cảnh chuyển đổi số, học máy, AI ngày càng được quan tâm, tìm hiểu và ứng dụng một cách mạnh mẽ, do đó, đây sẽ là một xu hướng được các nhà nghiên cứu khai phá trong tương lai.

Trong nghiên cứu này cũng có một vài điểm cần khắc phục, đó là dữ liệu chỉ thu thập chỉ từ Scopus mà chưa tính đến các nguồn khác như WOS nên kết quả phân tích có thể chưa xác định đầy đủ các hướng nghiên cứu dựa vào các nghiên cứu đã xuất bản trên các nguồn khác. Quá trình lựa chọn các tham số cho phần mềm lọc dữ liệu, chạy các phân tích như chọn số lượt đồng trích dẫn hay tần suất xuất hiện của các từ khóa còn dựa trên cảm tính của tác giả. Trong tương lai, tác giả sẽ tổng hợp các nguồn cơ sở dữ liệu khác, đồng thời sử dụng nhiều công cụ như Scispace, Litmaps hỗ trợ trong việc gắn từ khóa phù hợp cho từng nghiên cứu, từ đó làm tiền đề tổng quan lý thuyết cho những nghiên cứu định lượng trong tương lai liên quan đến ESG.

Tài liệu tham khảo:

1. Ashraf, D., Rizwan, M. S., & Raza, M. W. (2025). Does compliance with screening standards affect the performance of firms?, Emerging Markets Review, 101256.

2. Boyoung, M. O. O. N., & Soo-Joon, C. H. A. E. (2024). The Impact of COVID-19 on Value Relevance in Distribution and Service Industries, Journal of Distribution Science, 22(11), 101-108.

3. Chen, W., Ren, H., & Shu, Y. (2025). The impact of corporate digital transformation on sustainable development in China. Business Strategy and the Environment, 34(3), 2721-2747.

4. Jamali, D., Karam, C., Yin, J., & Soundararajan, V. (2017). CSR logics in developing countries: Translation, adaptation and stalled development, Journal of World Business, 52(3), 343-359.

5. Loan, B. T. T., Anh, T. T. L., & Hoang, T. (2024). ESG disclosure and financial performance: empirical study of Vietnamese commercial banks, Banks and Bank Systems, 19(1), 208.

6. Lokuwaduge, C. S., & De Silva, K. M. (2022). ESG risk disclosure and the risk of green washing, Australasian Accounting, Business and Finance Journal, 16(1), 146-159.

7. Mohammad, W. M. W., & Wasiuzzaman, S. (2021). Environmental, Social and Governance (ESG) disclosure, competitive advantage and performance of firms in Malaysia, Cleaner Environmental Systems, 2, 100015.

8. Sharma, S. (2023). Does ESG risk management ensure better risk management? Evidence from India, Procedia Computer Science, 221, 912-919.

9. Uong, L. T. N., & Nguyen, N. D. (2025). The disclosure of ESG reports of SMEs in the emerging market, Ho Chi Minh City Open University Journal of Science- Economics and Business Administration, 15(3).

10. Van Eck, N. J., & Waltman, L. (2017). Citation-based clustering of publications using CitNetExplorer and VOSviewer, Scientometrics, 111(2), 1053–1070. https://doi.org/10.1007/s11192-017-2300-7

11. Velte, P. (2023). Which institutional investors drive corporate sustainability? A systematic literature review, Business Strategy and the Environment, 32(1), 42-71.

Ngày nhận bài: 11/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 14/6/2025; Ngày duyệt đăng: 14/7/2025