Hoàn thiện thể chế phát triển du lịch nông thôn dựa trên nền tảng Fintech ở Việt Nam

Nghiên cứu phân tích vai trò của công nghệ tài chính (Fintech) trong phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam, làm rõ những bất cập trong thể chế hiện hành và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế phát triển du lịch nông thôn dựa trên nền tảng Fintech.

PGS, TS. Hoàng Văn Hoan

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ths. Nguyễn Đức Hùng

Học viện Chính trị Khu vực I

Tóm tắt

Nghiên cứu phân tích vai trò của công nghệ tài chính (Fintech) trong phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam, làm rõ những bất cập trong thể chế hiện hành và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế phát triển du lịch nông thôn dựa trên nền tảng Fintech theo hướng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tích hợp giữa tài chính - công nghệ - du lịch - nông thôn mới.

Từ khóa: Fintech, thể chế, du lịch nông thôn, chuyển đổi số, phát triển bền vững, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Summary

This study analyzes the role of financial technology (Fintech) in the development of rural tourism in Vietnam, highlighting the limitations of the current institutional framework and proposing solutions to improve institutional mechanisms for rural tourism development based on Fintech. The proposed direction emphasizes the creation of an innovation ecosystem that integrates finance, technology, tourism, and new rural development.

Keywords: Fintech, institutional framework, rural tourism, digital transformation, sustainable development, innovation ecosystem

GIỚI THIỆU

Hiện nay, du lịch nông thôn đang nổi lên như một động lực quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao sinh kế, bảo tồn văn hóa bản địa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững. Trong khi đó, công nghệ tài chính (Financial technology - Fintech) với đặc trưng đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ tài chính đang mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy tiếp cận vốn, thanh toán điện tử, quản trị minh bạch và kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khung thể chế cho phát triển du lịch nông thôn gắn với Fintech chưa thực sự hoàn thiện, thiếu tính tích hợp, phân tán về quản lý. Nghiên cứu đề xuất định hướng và giải pháp hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện cho các mô hình du lịch nông thôn số phát triển bền vững và hiệu quả.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Fintech được hiểu là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và các hoạt động tài chính nhằm sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới. Trong kỷ nguyên số, Fintech đã và đang tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong cách thức cung ứng, tiêu dùng và quản lý các dịch vụ tài chính, đặc biệt là ở những khu vực còn hạn chế về hạ tầng ngân hàng truyền thống như nông thôn. Khác với mô hình ngân hàng truyền thống vốn dựa nhiều vào giao dịch trực tiếp, Fintech vận hành chủ yếu trên nền tảng số, tận dụng các công nghệ tiến bộ như dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và điện toán đám mây (Cloud computing). Các ứng dụng tiêu biểu của Fintech trong thực tiễn bao gồm thanh toán điện tử, ví số, cho vay ngang hàng (P2P lending), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), bảo hiểm vi mô, hợp đồng thông minh và định danh điện tử… Những đặc điểm nổi bật của Fintech có thể kể đến là khả năng tiết kiệm chi phí giao dịch, độ minh bạch cao, khả năng mở rộng tiếp cận tài chính cho những nhóm yếu thế trong xã hội, đặc biệt là khả năng tương tác tức thời giữa người dùng và nhà cung cấp dịch vụ thông qua môi trường số hóa toàn diện.

Song hành với sự phát triển của Fintech, du lịch nông thôn (Rural Tourism) cũng nổi lên như một định hướng chiến lược nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng bền vững và gắn kết với văn hóa bản địa. Du lịch nông thôn được định nghĩa là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, dựa trên nền tảng nông nghiệp, không gian sinh thái và đời sống văn hóa truyền thống, nhằm cung cấp cho du khách trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và cộng đồng địa phương. Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, du lịch nông thôn là chuỗi các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn, nhằm khai thác hiệu quả các giá trị về cảnh quan, sinh thái, tập quán sản xuất và văn hóa địa phương để đáp ứng nhu cầu khám phá, nghỉ dưỡng và trải nghiệm của khách du lịch, đặc biệt là cư dân đô thị.

Thể chế phát triển du lịch nông thôn dựa trên nền tảng Fintech cần được xây dựng theo hướng tích hợp đa chiều, linh hoạt và sáng tạo. Cụ thể là: (1) Cần có chính sách tài chính vi mô và cộng đồng đặc thù dành cho các chủ thể du lịch nông thôn. Điều này không chỉ giúp họ tiếp cận được nguồn vốn nhỏ lẻ một cách hiệu quả, mà còn giảm thiểu rủi ro tài chính thông qua cơ chế bảo hiểm vi mô, chia sẻ rủi ro theo nhóm, và đồng tài trợ từ nhà nước - xã hội; (2) Ban hành cơ chế thí điểm (sandbox) dành riêng cho Fintech du lịch là rất cần thiết nhằm thử nghiệm các mô hình sáng tạo mà không gây rủi ro hệ thống. Sandbox sẽ cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này được hoạt động trong môi trường pháp lý linh hoạt, đồng thời được giám sát và hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý; (3) Các quy định về an toàn dữ liệu, định danh số, bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch tài chính số cần được bổ sung và hoàn thiện nhằm đảm bảo quyền lợi người dân và hạn chế các rủi ro phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ Fintech; (4) Chính sách phát triển nguồn nhân lực số - đặc biệt là ở khu vực nông thôn - cần được chú trọng thông qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, khuyến khích tổ công nghệ cộng đồng và mô hình cố vấn kỹ thuật tại chỗ; (5) Một cấu trúc thể chế hiệu quả phải thúc đẩy được liên kết liên ngành, liên vùng giữa các lĩnh vực du lịch - nông nghiệp - tài chính - công nghệ. Việc phá bỏ các rào cản hành chính, thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành và ban hành khung chính sách tích hợp sẽ là điều kiện tiên quyết để hệ sinh thái Fintech - du lịch nông thôn phát triển một cách đồng bộ và bền vững.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN DỰA TRÊN NỀN TẢNG FINTECH VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỀ THỂ CHẾ PHÁT TRIỂN

Để làm rõ hơn thực tiễn ứng dụng Fintech trong phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam, nghiên cứu lựa chọn khảo sát năm địa phương tiêu biểu đại diện cho các vùng có đặc trưng khác biệt về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển và cách tiếp cận đổi mới. Trong đó, Lào Cai(*) nổi bật với mô hình du lịch cộng đồng vùng cao; Hà Nội là trung tâm tiên phong trong số hóa du lịch làng nghề và nông nghiệp đô thị; Ninh Bình có thế mạnh về du lịch sinh thái - văn hóa nhưng còn thiếu nền tảng công nghệ tích hợp; Huế là địa phương giàu tiềm năng kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển cộng đồng; còn Đồng Tháp là điển hình của du lịch xanh thân thiện môi trường tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc phân tích theo từng giai đoạn của chuỗi giá trị du lịch nông thôn số (gồm: quảng bá - tiếp cận khách hàng, đặt chỗ - thanh toán, trải nghiệm tại điểm đến, phản hồi - đánh giá) giúp nhận diện rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu và mức độ sẵn sàng số hóa của từng địa phương, từ đó rút ra bài học và đề xuất khuyến nghị thể chế phù hợp. Sau đây là tổng hợp tình hình triển khai tại các địa phương trên:

Lào Cai

Lào Cai là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa vùng cao. Trong thời gian qua, tỉnh đã bước đầu triển khai một số giải pháp ứng dụng Fintech chính như thanh toán điện tử, mã QR cho sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hướng dẫn viên ảo nhằm nâng cao trải nghiệm du khách. Tuy nhiên, việc ứng dụng Fintech tại địa phương vẫn chủ yếu dừng ở các khâu riêng lẻ như quảng bá và thanh toán, chưa hình thành được chuỗi liên kết số hóa đồng bộ. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về cơ chế điều phối thể chế liên ngành cũng như hạn chế về hạ tầng công nghệ - đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa - đang là rào cản lớn đối với quá trình tích hợp Fintech vào phát triển du lịch nông thôn một cách toàn diện và bền vững.

Bảng 1: Số hóa sản phẩm OCOP và trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Lào Cai

Giai đoạn

Thực tế triển khai

Đánh giá

Quảng bá - Tiếp cận khách hàng

Một số điểm du lịch như Tả Van, Tả Phìn có áp dụng nền tảng truyền thông xã hội, video clip trải nghiệm

Thiếu ứng dụng AI/CRM chuyên sâu, chủ yếu vẫn quảng bá qua kênh truyền thống và tự phát

Đặt chỗ - Thanh toán

Một số homestay tại Sa Pa chấp nhận ví điện tử, QR code được dán tại các điểm bán sản phẩm OCOP

Khâu thanh toán cải thiện đáng kể, nhưng chưa có hệ thống hợp đồng điện tử đồng bộ

Trải nghiệm tại điểm đến

Đã thử nghiệm hướng dẫn viên ảo, QR tích hợp thông tin làng nghề

Mới ở mức giới thiệu thông tin, chưa ứng dụng insurtech, e-voucher cá nhân hóa trải nghiệm

Phản hồi - Đánh giá

Chưa có hệ thống thu thập đánh giá tự động hoặc ứng dụng công nghệ xác nhận trải nghiệm

Giai đoạn bị bỏ ngỏ, phản hồi chủ yếu qua mạng xã hội, không chính thức

Nguồn: Tổng hợp của các tác giả

Hà Nội

Hà Nội là địa phương có lợi thế nổi trội về hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực và mật độ kết nối cao giữa các ngành dịch vụ - du lịch - tài chính. Trong những năm gần đây, Thành phố đã tiên phong trong việc số hóa hoạt động du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời triển khai nhiều giải pháp Fintech như thanh toán không tiền mặt, mã QR, e-voucher tại các điểm đến trọng điểm. Tuy nhiên, việc tích hợp Fintech mới chủ yếu diễn ra ở khu vực nội đô hoặc các khu du lịch phát triển, trong khi các huyện ngoại thành vẫn còn thiếu kết nối hạ tầng số và chưa hình thành được khung thể chế liên kết giữa các trụ cột du lịch - tài chính - nông thôn. Điều này đặt ra yêu cầu hoàn thiện thể chế tích hợp liên ngành để mở rộng mô hình du lịch nông thôn số một cách đồng bộ và toàn diện.

Bảng 2: Số hóa mạnh du lịch làng nghề gắn với nông nghiệp đô thị tại Hà Nội

Giai đoạn

Thực tế triển khai

Đánh giá

Quảng bá - Tiếp cận khách hàng

Một số làng nghề (Bát Tràng, Vạn Phúc) có website, sàn thương mại điện tử, video 3D, kết nối với tour nội thành

Ứng dụng khá toàn diện, có tích hợp dữ liệu hành vi nhưng vẫn thiếu AI và CRM chuyên sâu

Đặt chỗ - Thanh toán

Hệ thống QR code, ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc được triển khai rộng tại các điểm du lịch

Phổ cập thanh toán số tốt, song thiếu nền tảng hợp đồng thông minh hoặc hệ sinh thái liên kết

Trải nghiệm tại điểm đến

Có tour trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao (Thanh Trì, Sóc Sơn), e-voucher và ứng dụng định danh số đã xuất hiện

Tiềm năng lớn, nhưng mới ở mức thí điểm, chưa nhân rộng ra các huyện ngoại thành

Phản hồi - Đánh giá

Một số nền tảng đánh giá kết nối với mạng xã hội (Tripadvisor, Google Review), nhưng chưa có hệ thống phản hồi khép kín

Chưa sử dụng Smart contract hay NFT xác nhận trải nghiệm, thiếu tích hợp dữ liệu liên vùng

Nguồn: Tổng hợp của các tác giả

Ninh Bình

Ninh Bình là địa phương có nhiều lợi thế nổi bật về tài nguyên du lịch sinh thái, tâm linh và văn hóa, với các điểm đến nổi tiếng như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Bái Đính. Tuy nhiên, việc ứng dụng Fintech trong phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn vẫn ở mức độ hạn chế. Các hình thức thanh toán không tiền mặt, QR code hay nền tảng số hóa mới chỉ được triển khai tại một số khu du lịch trọng điểm do doanh nghiệp lớn vận hành, trong khi các mô hình du lịch cộng đồng và dịch vụ do người dân tự tổ chức còn gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ và nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ hạ tầng số từ phía Nhà nước chưa rõ nét, thiếu vai trò điều phối trong kết nối giữa doanh nghiệp - cộng đồng - nền tảng công nghệ. Tình trạng này khiến việc tích hợp Fintech vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn tại Ninh Bình vẫn chậm, thiếu tính hệ thống và khó nhân rộng.

Bảng 3: ng dụng Fintech trong phát triển du lịch sinh thái - tâm linh tại Ninh Bình

Giai đoạn

Thực tế triển khai

Đánh giá

Quảng bá - Tiếp cận khách hàng

Một số tour sinh thái - tâm linh (Tràng An, Bái Đính) có nền tảng quảng bá trực tuyến, nhưng chủ yếu do doanh nghiệp tư nhân vận hành

Thông tin phân mảnh, chưa có hệ thống tập trung từ phía quản lý nhà nước

Đặt chỗ - Thanh toán

Có áp dụng QR code, ví điện tử (MoMo, VNPay) tại điểm vào cửa, nhưng chưa phổ cập ở homestay, dịch vụ cộng đồng

Mới triển khai ở khu du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng hầu như chưa tiếp cận

Trải nghiệm tại điểm đến

Một số homestay do người dân tự tổ chức, chưa áp dụng công nghệ định danh, bảo hiểm hay voucher điện tử

Chưa có kết nối hệ thống Fintech, thiếu hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo kỹ năng số cho cộng đồng

Phản hồi - Đánh giá

Chủ yếu thông qua mạng xã hội, không có nền tảng đánh giá chính thống hoặc tích hợp xác thực trải nghiệm

Giai đoạn yếu nhất, chưa có công nghệ phản hồi hay lưu trữ dữ liệu phản hồi khách du lịch

Nguồn: Tổng hợp của các tác giả

Huế

Huế là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch nông thôn gắn với di sản văn hóa, làng nghề truyền thống và không gian sinh thái đặc trưng. Trong thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai một số mô hình du lịch cộng đồng, đồng thời bước đầu ứng dụng các giải pháp Fintech như thanh toán không tiền mặt, mã QR giới thiệu sản phẩm và nền tảng gọi vốn cộng đồng. Tuy vậy, mức độ số hóa còn ở quy mô thí điểm, thiếu sự tích hợp xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi giá trị du lịch. Công nghệ phản hồi, xác thực trải nghiệm và bảo vệ dữ liệu người dùng chưa được đầu tư đúng mức; đồng thời, việc thể chế hóa các mô hình hiệu quả vẫn còn chậm, phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ dự án thay vì cơ chế chính sách ổn định và dài hạn.

Bảng 4: Gắn Fintech với bảo tồn văn hóa và phát triển cộng đồng tại Thành phố Huế

Giai đoạn

Thực tế triển khai

Đánh giá

Quảng bá - Tiếp cận khách hàng

Hợp tác với tổ chức quốc tế để xây dựng website, clip du lịch cộng đồng, quảng bá sản phẩm làng nghề

Có chiến lược tiếp cận, nhưng chưa có hệ thống dữ liệu hành vi hoặc quản lý quan hệ khách hàng (CRM) đầy đủ

Đặt chỗ - Thanh toán

Nhiều điểm du lịch cộng đồng sử dụng QR code, ví điện tử, hỗ trợ startup gọi vốn cộng đồng

Khá tiên phong, nhưng chưa có ứng dụng hợp đồng thông minh hoặc bảo mật cao

Trải nghiệm tại điểm đến

Triển khai tour trải nghiệm văn hóa, du lịch xanh, có áp dụng QR hướng dẫn và e-voucher

Ứng dụng từng phần, thiếu chuỗi dịch vụ được số hóa toàn trình

Phản hồi - Đánh giá

Một số tổ nhóm cộng đồng có sổ đánh giá truyền thống, chưa số hóa

Thiếu nền tảng công nghệ xác thực phản hồi, chưa có ứng dụng NFT hay smart feedback

Nguồn: Tổng hợp của các tác giả

Đồng Tháp

Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp và cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường. Trong những năm gần đây, tỉnh đã bước đầu tích hợp một số giải pháp công nghệ tài chính vào hoạt động du lịch, đặc biệt là hình thức thanh toán không tiền mặt tại các điểm du lịch và chợ nông thôn. Tuy nhiên, việc ứng dụng Fintech vẫn còn hạn chế, chủ yếu mới tập trung ở khâu giao dịch thanh toán, trong khi các công nghệ số như định danh điện tử (e-KYC), hợp đồng thông minh, e-voucher và bảo hiểm vi mô du lịch chưa được triển khai. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn thiếu một khung chính sách tích hợp hỗ trợ liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái du lịch - tài chính - công nghệ, khiến quá trình số hóa còn rời rạc, khó mở rộng và thiếu tính bền vững.

Bảng 5: Số hóa du lịch nông nghiệp - cộng đồng tai Đồng Tháp

Giai đoạn

Thực tế triển khai

Đánh giá

Quảng bá - Tiếp cận khách hàng

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch xanh: vườn, nông trại, làng nghề, kết hợp xúc tiến qua website và báo chí

Quảng bá truyền thống là chính, còn thiếu kênh dữ liệu và hệ thống tương tác trực tuyến, AI/CRM

Đặt chỗ - Thanh toán

Thanh toán điện tử qua QR code (VietQR, MoMo, VNPay) tại các điểm du lịch, một số homestay, chợ nông thôn

Ứng dụng bước đầu ở thanh toán, nhưng chưa đồng bộ, thiếu định danh và hợp đồng trực tuyến

Trải nghiệm tại điểm đến

Nhiều trải nghiệm cộng đồng, nông nghiệp nhưng hầu như chưa có e‑voucher, e‑KYC, bảo hiểm; một số chưa dùng công nghệ số

Trải nghiệm vẫn thủ công, cần số hóa sâu hơn để nâng cao giá trị gia tăng và tính chuyên nghiệp

Phản hồi - Đánh giá

Khách đánh giá qua mạng xã hội và báo chí; không có nền tảng phản hồi số tập trung hoặc xác thực trải nghiệm qua công nghệ

Phản hồi còn phân tán, chưa công nghệ hóa, thiếu đảm bảo minh bạch và phát triển bền vững

Nguồn: Tổng hợp của các tác giả

Tóm lại, thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số mô hình tiên phong tại Việt Nam đã bước đầu ứng dụng công nghệ tài chính vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn, đặc biệt là trong các hoạt động thanh toán điện tử, quảng bá điểm đến và kết nối khách hàng qua nền tảng số. Tuy nhiên, mức độ triển khai vẫn còn mang tính thử nghiệm, đơn lẻ và phân tán, thiếu sự tích hợp tổng thể giữa các khâu và các chủ thể trong hệ sinh thái. Việc chưa hình thành được một khung thể chế đồng bộ, thống nhất đã khiến cho nhiều chương trình ứng dụng Fintech trong du lịch nông thôn rơi vào tình trạng manh mún, chồng chéo và hiệu quả thấp.

Đánh giá hệ thống thể chế hiện hành cho thấy tồn tại nhiều điểm nghẽn nghiêm trọng cản trở quá trình tích hợp giữa Fintech và phát triển du lịch nông thôn, như:

Một là, thiếu khung chính sách tích hợp liên ngành là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc các chương trình, dự án liên quan bị phân tán về mục tiêu, thiếu liên thông về nguồn lực và chồng lấn về chức năng thực thi. Các cơ quan quản lý hiện vẫn hoạt động theo lối mòn phân ngành, thiếu cơ chế điều phối hiệu quả. Cụ thể: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm về quy hoạch và nội dung phát triển du lịch; Bộ Tài chính quản lý chính sách tài chính công và giám sát dòng vốn; Ngân hàng Nhà nước phụ trách cấp phép và giám sát dịch vụ Fintech; Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) lại giữ vai trò chủ trì các chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP. Cách phân chia này tuy hợp lý về mặt hành chính, nhưng lại gây khó khăn lớn trong việc triển khai các mô hình tích hợp như du lịch nông thôn số dựa trên nền tảng Fintech, vốn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ít nhất 4 lĩnh vực: du lịch, tài chính, nông nghiệp và công nghệ.

Hai là, năng lực thể chế ở cấp cơ sở, đặc biệt là cấp xã, vẫn là điểm nghẽn nổi cộm. Trong bối cảnh chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ từ trung ương, chính quyền cơ sở lại chưa được trang bị đầy đủ về năng lực chuyên môn, cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn lực tài chính để triển khai hiệu quả các chương trình ứng dụng Fintech. Việc phân bổ ngân sách cho chuyển đổi số tại cấp xã còn chưa rõ ràng, thiếu tính chủ động và linh hoạt. Nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành hoặc chưa có phương án cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp Fintech tiếp cận và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với tài chính số. Điều này khiến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực Fintech - du lịch - nông nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng hoạt động về nông thôn, nơi vốn dĩ đang rất cần các giải pháp tài chính linh hoạt và thân thiện với người dân địa phương.

Hệ quả là quá trình tích hợp Fintech vào phát triển du lịch nông thôn không chỉ bị gián đoạn về mặt kỹ thuật, mà còn vấp phải những rào cản thể chế sâu sắc. Khi vai trò điều phối không rõ ràng, nguồn lực bị phân tán và năng lực triển khai chưa được đảm bảo, mọi nỗ lực đổi mới đều có nguy cơ bị "hành chính hóa", mất đi tính sáng tạo, linh hoạt - những yếu tố bản chất cốt lõi của Fintech. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới thông minh và phát triển du lịch bền vững, việc tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế này không chỉ là yêu cầu trước mắt, mà còn là điều kiện tiên quyết để kích hoạt các mô hình du lịch nông thôn số mang tính hệ sinh thái, tích hợp, sáng tạo và bền vững.

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN THỂ CHẾ

Trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch nông thôn trên nền tảng Fintech không chỉ là một nhiệm vụ cấp thiết, mà còn là một chiến lược dài hạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho các cộng đồng nông thôn. Một hệ thống thể chế hiện đại cần được thiết kế theo hướng kiến tạo, đồng hành và thích ứng linh hoạt với sự biến đổi nhanh chóng của môi trường công nghệ và xã hội.

Trước hết, cần khẳng định rõ quan điểm cốt lõi: thể chế phải đóng vai trò là động lực phát triển, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, thay vì chỉ đơn thuần là công cụ kiểm soát hay áp đặt hành chính. Trong đó, lấy người dân nông thôn làm trung tâm của tiến trình chuyển đổi số là nguyên tắc xuyên suốt, bởi họ không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể sáng tạo và vận hành hệ sinh thái du lịch - công nghệ tài chính.

Phân quyền thực chất cho cấp xã và cộng đồng bản địa là một yêu cầu không thể thiếu. Chỉ khi nào chính quyền cấp cơ sở có đủ thẩm quyền, nguồn lực và công cụ để tổ chức triển khai các mô hình thử nghiệm, hỗ trợ khởi nghiệp và phối hợp liên ngành thì thể chế mới thực sự đi vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, các giải pháp trọng tâm cần được triển khai bao gồm: xây dựng một khung pháp lý tích hợp, liên thông giữa các lĩnh vực Fintech, du lịch và nông thôn mới. Khung pháp lý này không chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, mà còn tạo hành lang an toàn để thử nghiệm và nhân rộng các sáng kiến phù hợp với điều kiện bản địa.

Việc triển khai cơ chế sandbox - tức là không gian thể chế thử nghiệm có kiểm soát - tại một số địa phương như Sa Pa, Mộc Châu hay Quảng Nam, nơi có tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng, là bước đi cần thiết. Sandbox sẽ cho phép các mô hình du lịch nông thôn kết hợp Fintech được kiểm nghiệm trong điều kiện thực tiễn mà vẫn đảm bảo an toàn pháp lý và được hỗ trợ kỹ thuật kịp thời. Bên cạnh đó, phát triển các nền tảng tích hợp - kết nối dịch vụ du lịch, hệ thống thanh toán và trải nghiệm số - sẽ là chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng và tính cá nhân hóa trong dịch vụ du lịch nông thôn.

Một thể chế kiến tạo cần đi kèm với các chính sách hỗ trợ tài chính cộng đồng, thúc đẩy các startup Fintech tại khu vực nông thôn. Chính phủ có thể sử dụng các quỹ đổi mới sáng tạo, vốn đối ứng hoặc bảo lãnh tín dụng để khuyến khích các mô hình sáng tạo có tính khả thi và tác động xã hội cao. Đồng thời, việc tăng cường đào tạo kỹ năng số, xây dựng mô hình tổ công nghệ cộng đồng tại từng thôn, xã là yếu tố nền tảng để đảm bảo tính bền vững. Những tổ công nghệ này không chỉ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, mà còn là cầu nối giữa người dân và hệ sinh thái số, từ đó nâng cao năng lực thích ứng và đồng sáng tạo của cộng đồng.

(*) Nghiên cứu được thực hiện trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, II. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2023). Báo cáo tổng hợp kết quả triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

3. Chính phủ (2020). Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. Chính phủ (2022). Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

5. Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

6. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (2022). Tài liệu phân loại các loại hình du lịch ở Việt Nam.

7. FundStart (2022). Nền tảng gọi vốn cộng đồng cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. https://fundstart.vn

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2021). Đề án thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

9. Ngân hàng Thế giới - World Bank (2021). Digital Financial Services: Challenges and Opportunities in Emerging Economies.

10. Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO (2020). World Tourism Day 2020: Tourism and Rural Development. https://www.unwto.org/world-tourism-day-2020

11. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2019). Báo cáo nghiên cứu mô hình và định nghĩa về du lịch nông thôn.

12. Zhang, Lin. (2021). Digital Villages and Fintech-Driven Rural Tourism in China”. Journal of Rural Innovation, 5(2): 34-45.

Ngày nhận bài: 6/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 11/7/2025; Ngày duyệt đăng: 14/7/2025