Chiều 18/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.
Trao đổi với cử tri về vấn đề sắp xếp bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin, Hội nghị Trung ương 11 đã quyết định, trên cả nước còn 34 tỉnh, thành phố; giảm khoảng 60 - 70% số lượng xã, phường hiện nay. "Cả nước có hơn 10.000 xã, sẽ giảm còn khoảng 3.000", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, đây là các quyết sách lớn, phù hợp để hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: PV.
Ông Thanh thông tin, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chúng ta nhìn nhận thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", và yêu cầu sửa đổi thể chế, xây dựng thể chế cởi mở, trở thành "ưu việt" của Việt Nam khi so sánh với nước khác, tạo động lực phát triển.
Vì thế, hệ thống luật pháp sẽ sửa đổi trên tinh thần như vậy, bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Tinh thần là phân cấp, uỷ quyền rõ ràng, chứ không phải như trước đây "phân cho ông rồi, nhưng trước khi ký lại hỏi tôi". "Xin ý kiến nhiều sẽ làm chậm quá trình, mà thời gian bây giờ là nguồn lực, là tiền bạc", ông Thanh nêu.
Về Hà Nội, ông Thanh cho biết, thành phố đã làm rất tốt việc tổng kết Nghị quyết 18. Ông Thanh nói, từ 2017, Hà Nội đã tổ chức 4 đợt, làm rất quyết liệt. Các sở, ngành đã rà soát lại các chức năng, nhiệm vụ, giảm nhiều đầu mối. Đợt này, Hà Nội làm bài bản hơn theo chỉ đạo từ Trung ương.
"Tôi thấy công việc nhanh hơn thật, đặc biệt vừa qua làm luồng xanh là vô cùng nhanh. Lãnh đạo thành phố có những việc chạy không kịp với sở", ông Thanh nói về hiệu quả khi tinh gọn bộ máy.
Nói về việc sắp xếp các xã, phường trên địa bàn, ông Thanh thông tin, chiều nay, 18/4, Hà Nội sẽ họp để quyết định "Sóc Sơn còn bao nhiêu, Mê Linh còn bao nhiêu, tên gọi thế nào", rồi về lấy ý kiến nhân dân, triển khai kiểm kê tài sản, con người để báo cáo lên cấp trên quyết định.
Về công tác cán bộ, theo ông Thanh, sẽ chỉ định nhân sự lãnh đạo các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Chỉ định cả HĐND, UBND, kể cả cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư... đến 2030 thì quay trở lại bầu. "Vì thời gian rất gấp, chúng ta không thể có độ trễ nào, khoảng trống nào với người dân, doanh nghiệp", ông Thanh nói.
Về cán bộ dôi dư , ông Thanh cho biết, theo chỉ đạo của Trung ương, trước mắt "gộp lại", chỉ định các lãnh đạo, rồi sau đó "giảm dần trong vòng 5 năm".
"Chiều nay sẽ có con số cụ thể bao nhiêu", ông Thanh thông tin về việc sắp xếp cấp xã, phường trên địa bàn thành phố, đồng thời cho biết, tinh thần là giảm 60 - 70% như chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Ông Thanh nêu, định hướng là không tổ chức cấp xã to quá, cũng không nên nhỏ quá, phải đảm bảo gần dân, sát dân. "Quan trọng tâm mình có hướng đến dân hay không, thái độ có đúng mực với dân hay không", ông Thanh nhấn mạnh.