Forbes cho biết, một đoạn video mà họ có được cho thấy cảnh một tiêm kích Sukhoi Su-27 của không quân Ukraine ném những quả bom lượn do Mỹ sản xuất vào một đầu cầu của Nga ở tỉnh Kursk.
Hình ảnh này dường như xác nhận rằng Ukraine đang thả những quả bom GBU-39 có cánh, được dẫn đường bằng GPS - mỗi quả nặng 113kg - theo nhóm 4 quả và ném chúng theo góc cao để mở rộng tầm tấn công.
Hình ảnh cho thấy chiếc Su-27 - một trong khoảng 40 máy bay phản lực còn lại trong biên chế của Ukraine - bay từ độ cao thấp và thả 4 quả GBU-39 từ một giá treo duy nhất dưới cánh trái. Khi những quả bom rơi xuống, phi công ngay lập tức nghiêng mình và quay đầu lại để tạo khoảng cách xa nhất có thể giữa tiêm kích và bất kỳ hệ thống phòng không nào của Nga trong khu vực.
Chiến thuật này, bao gồm bay thấp, leo cao, thả bom, rút lui nhanh, được xem là cách để giảm thiểu tối đa khả năng máy bay chiến đấu rơi vào tầm ngắm của phòng không đối phương mà không hạn chế nghiêm trọng tầm hoạt động của bom.
Được thả từ độ cao lớn, một quả GBU-39 có thể bay xa hơn 96km với phần cánh bật ra. Nhưng việc tiêm kích bay cao trong tầm nhìn của radar đối phương là rất nguy hiểm, ngay cả với những tiêm kích có khả năng tàng hình tốt nhất. Trong khi đó, Su-27 không phải là máy bay tàng hình.
Các máy bay Su-27 của Ukraine, cũng như Mikoyan MiG-29, đều phải thực hiện nhiệm vụ ném bom lượn từ độ cao thấp, nơi địa hình có thể che giấu chúng khỏi radar. Ít giây cuối cùng trước khi ném bom, các máy bay chiến đấu hướng lên trên để tạo quỹ đạo cho quả đạn hướng lên trên, giúp nó bay xa hơn và máy bay có thể đỡ rủi ro nhất có thể.
Ukraine không có nhiều tiêm kích trong kho vũ khí và gần như lép vế hoàn toàn so với không quân Nga. Moscow thường xuyên tấn công phá hủy tiêm kích của đối thủ trong căn cứ khi chúng đậu trên mặt đất. Vì vậy, việc bảo toàn các máy bay là điều quan trọng hàng đầu, cũng như là tính mạng của các phi công điều khiển.
Việc Ukraine sử dụng bom dẫn đường nhằm đáp trả chiến thuật hỏa lực tiêu thổ bằng bom lượn thông minh của Nga. Trong nhiều tháng qua, Nga trút những quả bom thông minh xuống hàng loạt các vị trí của đối phương, gây thiệt hại nghiêm trọng và chúng được xem là vũ khí nguy hiểm hàng đầu.
Bom lượn của Nga vốn là bom không dẫn đường từ thời Liên Xô được gắn thêm phần cánh lượn, có khối lượng nặng hơn nhiều bom Mỹ viện trợ cho Ukraine. Nga cũng có nhiều máy bay và bom hơn đáng kể so với Kiev, cũng như các hệ thống phòng không tối tân.
Vì vậy, chiến lược ném bom lượn của Nga tương đối hiệu quả, góp phần giúp họ có được đà tiến kỷ lục ở Donbass trong thời gian qua. Vào đỉnh điểm, Nga đã ném xuống Ukraine trung bình hơn 100 quả bom dẫn đường mỗi ngày.
Ngược lại, Ukraine chỉ có thể ném khoảng 10 hoặc 12 bom lượn mỗi ngày, gồm GBU-39 do Mỹ sản xuất, Hammer do Pháp sản xuất và có thể là các mẫu mới của Ukraine. Mặt khác, tác chiến điện tử của Nga tương đối mạnh mẽ và đã nhiều lần gây nhiễu được các quả bom của Mỹ viện trợ, khiến chúng đi chệch mục tiêu.