Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Luật sư xin "cơ chế đặc biệt"

19/11/2024 12:14

Theo luật sư, nếu có "cơ chế đặc biệt" thì cam kết của bị cáo Trương Mỹ Lan trong việc khắc phục toàn bộ hậu quả sẽ không phải là con số viển vông

Ngày 18-11, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm. Đây là các bị cáo đã kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP HCM (giai đoạn 1).

Tiếp tục tranh cãi về số tiền thiệt hại

Trong phần tranh luận với đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM, bị cáo Trương Mỹ Lan đã bày tỏ sự bất đồng và yêu cầu làm rõ các thông tin liên quan đến khoản tiền mà bị cáo bị cáo buộc chiếm đoạt. Theo đó, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Lan phải bồi hoàn hơn 673.000 tỉ đồng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Bị cáo Lan cho rằng từ khi bản án sơ thẩm được công bố, bị cáo không có đủ tài liệu để làm rõ số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt. Do hồ sơ vụ án quá lớn (hơn 6 tấn), khiến luật sư không thể sao chép hết. Sau khi tiếp cận tài liệu mới, bị cáo phát hiện trong cáo buộc đã chiếm đoạt số tiền dư nợ gốc của SCB lên đến hơn 415.666 tỉ đồng, trong đó có khoản nợ gốc 125.000 tỉ đồng từ các khách hàng để lại trước khi bị cáo tham gia tái cơ cấu.

Bị cáo Lan cho rằng nhiều khoản vay phát sinh trước khi SCB hợp nhất vào ngày 1-1-2012. Các khoản vay này chủ yếu thuộc nhóm bạn bè của ông Lê Quang Nhường, cựu chủ tịch SCB và liên quan đến các ngân hàng cũ (khoản nợ của dự án Chợ Vải do Ngân hàng Đệ Nhất để lại).

Bị cáo Lan khẳng định các khoản vay này không liên quan đến mình và không thể quy kết bị cáo chiếm đoạt số tiền dư nợ. Bị cáo Lan đề nghị được đối chất với SCB, đồng thời các luật sư sẽ gửi văn bản trình bày chi tiết về các khoản nợ này.

Một tình tiết phát sinh nữa là bị cáo Lan cho biết trước khi bị bắt, bị cáo đã cho SCB mượn 3 tòa nhà (tòa nhà Ba Son, tòa nhà Windsor và tòa nhà tại số 87 Cống Quỳnh, quận 1) có giá trị khoảng 67.000 tỉ đồng để cơ cấu cho khoản nợ 65.000 tỉ đồng. Bị cáo Lan nói rằng không có chứng cứ rõ ràng chứng minh SCB đã giải ngân số tiền này cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào năm 2018 như cáo buộc. Bị cáo đề nghị tòa đối chất để làm rõ những số liệu này.

Tiếp tục nêu quan điểm về việc xác định thiệt hại trong vụ án, bị cáo Lan cho rằng để xác định thiệt hại thực sự, các tài sản thế chấp của SCB phải được thanh lý hoặc bán hết. Tuy nhiên, SCB chưa thực hiện điều này. Bị cáo Lan chỉ ra rằng tổng tài sản của SCB hiện tại là 714.000 tỉ đồng, nếu trừ đi khoản tiền cáo buộc bị cáo chiếm đoạt (hơn 673.000 tỉ đồng) thì không còn thiệt hại thực tế.

Chủ tọa phiên tòa đề nghị đại diện SCB ghi nhận những vấn đề này để tranh luận sau.

Các bị cáo tại tòaẢnh: HOÀNG TRIỀU

Các bị cáo tại tòaẢnh: HOÀNG TRIỀU

Đủ tiền để khắc phục hậu quả!?

Bào chữa bổ sung cho bị cáo Lan, luật sư nhấn mạnh có rất nhiều khoản nợ của 3 ngân hàng cũ trước khi hợp nhất để lại cho SCB mới, dẫn đến việc bị cáo Lan phải chịu trách nhiệm giải quyết, xử lý các khoản nợ này. Do đó, luật sư cho rằng số tiền 415.666 tỉ đồng cần được xem xét lại.

Bên cạnh đó, luật sư cũng chỉ ra còn 3 khoản khác cần được trừ đi. Cụ thể, theo kết luận điều tra vào ngày 12-11-2023, tài sản hiện có của SCB là 45.188 tỉ đồng; tài sản đã gán nợ là 32.832 tỉ đồng và quỹ dự phòng rủi ro, hao mòn tài sản cố định là 23.300 tỉ đồng. Dựa trên các con số này, luật sư cho rằng nếu tiếp tục loại trừ các khoản trên sẽ không còn đủ nguồn tài chính cho SCB để bị cáo Lan thực hiện hành vi chiếm đoạt như cáo buộc.

Dù không đồng ý với số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt nhưng luật sư nhấn mạnh rằng bị cáo Lan cam kết sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Tuy nhiên, luật sư cho rằng vì đây là một vụ án có tính chất đặc thù, chưa từng có trong lịch sử tố tụng, vì vậy cần có "cơ chế đặc biệt" để giải quyết. Cơ chế này yêu cầu xác định tất cả tài sản của bị cáo Lan hiện đang nằm trong SCB, các tài sản đã bị kê biên và phong tỏa, cùng những tài sản mà bị cáo Lan tự nguyện đưa vào để khắc phục hậu quả… đều có thể được xem là nguồn tiền đối trừ vào số tiền chiếm đoạt hoặc nguồn tiền mà bị cáo Lan phải nộp lại không nhất thiết phải là tiền mặt. Việc yêu cầu bị cáo Lan nộp tiền mặt ngay lập tức để khắc phục hậu quả là không khả thi, bởi hầu hết tài sản của bị cáo Lan đã bị phong tỏa.

Trên thực tế, những tài sản này hiện đang thuộc quyền quản lý của nhà nước. Việc xử lý và chuyển hóa các tài sản này thành tiền mặt chỉ là vấn đề thời gian. Dù là sớm hay muộn, việc này cũng sẽ tạo ra nguồn tiền để khắc phục hậu quả, giúp bị cáo Lan thực hiện nghĩa vụ tài chính mà không cần phải nộp tiền mặt ngay lập tức.

Mặt khác, luật sư cho rằng trong phương án khắc phục hậu quả đã trình bày trước HĐXX, các luật sư và bị cáo Lan đã chỉ ra các nguồn tài chính sẵn có và tài sản để khắc phục hậu quả. Tổng giá trị của các nguồn này lên đến khoảng 700.000 tỉ đồng, đủ khả năng xử lý toàn bộ trách nhiệm cả về hình sự lẫn dân sự đối với bị cáo Lan. Hơn nữa, ngày 21-10 vừa qua, TP HCM đã ban hành Quyết định số 79 điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn. Theo đó, giá đất sẽ tăng mạnh kể từ ngày 31-10-2024.

Luật sư lấy ví dụ về tài sản là tòa nhà Times Square (đường Nguyễn Huệ, quận 1). Giá đất hiện tại khu vực này là 162 triệu đồng/m2, nhưng theo Quyết định số 79, giá đất sẽ tăng gấp 4,2 lần. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị tài sản bảo đảm, bao gồm quyền sử dụng đất, cũng sẽ tăng đáng kể. Do đó, theo luật sư, nếu có "cơ chế đặc biệt" thì cam kết của bị cáo Lan trong việc khắc phục toàn bộ hậu quả sẽ không phải là con số viển vông. 

Bị cáo Lan đã nộp 380 tỉ đồng

Theo báo cáo từ Cục Thi hành án Dân sự TP HCM, tổng số tiền mà cơ quan này hiện tạm giữ trong tài khoản, bao gồm tiền do Bộ Công an chuyển và do các cá nhân, tổ chức nộp tại đơn vị là hơn 4.250 tỉ đồng và hơn 27 triệu USD.

Bị cáo Lan được xác định đã nộp 380 tỉ đồng; hai người thân là chồng và cháu gái của bị cáo Lan cũng tham gia khắc phục, bao gồm bị cáo Chu Lập Cơ nộp hơn 24 tỉ đồng và bị cáo Trương Huệ Vân nộp 13 tỉ đồng. Người nộp tiền mặt để khắc phục nhiều nhất tính tới giai đoạn này là bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt) đã nộp hơn 485 tỉ đồng.


Bạn đang đọc bài viết "Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Luật sư xin "cơ chế đặc biệt"" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.