Vì sao Ukraine vẫn chần chừ trước đề xuất hòa bình của Mỹ?

26/04/2025 16:14

() - Chuyên gia giải thích lý do Ukraine vẫn kiên quyết không nhượng bộ theo đề xuất hòa bình với Nga từ Mỹ dù đang chịu sức ép của các bên.

Vì sao Ukraine vẫn chần chừ trước đề xuất hòa bình của Mỹ? - 1

Chiến sự Ukraine tiếp diễn căng thẳng bất chấp các nỗ lực đàm phán (Ảnh: Telegram).

Mặc dù Nga đang tiến hành các cuộc tấn công trên toàn chiến tuyến, nhưng tình hình chiến trường hiện tại chưa nghiêm trọng đến mức buộc Ukraine phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình bất lợi, Kyiv Independent dẫn lời các chuyên gia, nhận định.

Kể từ khi Ukraine cho biết Nga mở cuộc tấn công mùa xuân vào đầu tháng 4, Moscow đã giành được một số lợi thế nhỏ ở nhiều khu vực nhưng triển vọng đột phá trên tiền tuyến chưa cao.

Nga vẫn duy trì tiến độ tấn công tương đối chậm trong khi Mỹ được cho là đang gây áp lực buộc Ukraine chấp nhận một đề xuất hòa bình nhanh chóng, kể cả những nhượng bộ lớn như công nhận Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ không buộc Ukraine phải hợp thức hóa việc Nga kiểm soát Crimea, nhưng cũng né tránh trả lời liệu ông có muốn Kiev công nhận điều đó hay không.

Tổng thống Volodymyr Zelensky kiên quyết bác bỏ mọi khả năng công nhận Crimea là của Nga, lập trường mà ông Trump cho là "gây trở ngại cho đàm phán hòa bình với Moscow".

Trong cuộc phỏng vấn với Time, ông Trump nhận định: "Crimea sẽ ở lại với Nga. Ông Zelensky biết điều đó, ai cũng biết điều đó". Ông cũng nói nhượng bộ lớn nhất của Moscow là họ "không kiểm soát toàn bộ Ukraine".

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Ukraine vẫn có khả năng giữ vững phòng tuyến trước Nga nên Kiev không vội vã hướng tới thỏa thuận gây bất lợi cho chính mình.

"Vị thế hiện tại của Ukraine chưa đến mức phải chấp nhận những nhượng bộ như vậy, nhất là khi Nga chưa đưa ra nhượng bộ nào thật sự", chuyên gia quân sự Jakub Janovsky thuộc dự án tình báo nguồn mở Oryx, nhận định.

Trong khi Nga liên tục mở các đợt tấn công ở tỉnh Donetsk và phía nam chiến tuyến, quân đội Moscow lại gặp khó khăn trong việc duy trì đà tiến, theo Kyiv Independent. Ukraine ngày càng hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công, nhờ sử dụng máy bay không người lái giá rẻ (UAV FPV) và mìn.

"Nhích từng km ở một đất nước rộng lớn như Ukraine rõ ràng không phải là đà tiến tốt", ông Janovsky nói thêm.

Tuy nhiên, các đợt tấn công của Nga vẫn tiếp diễn hằng ngày với cường độ thay đổi.

Chỉ huy đơn vị UAV Oleksandr Spytsin thuộc lực lượng đặc nhiệm Omega của Vệ binh Quốc gia Ukraine cho biết lính Nga gần như "di chuyển liên tục" về phía vị trí của họ. "Khi bị thiệt hại, hôm sau họ giảm nhịp độ, yên ắng một chút. Rồi hôm sau nữa họ quay lại, cứ như chưa có chuyện gì", ông nói.

Chuyên gia Janovsky dự đoán mức độ tiến quân tương lai của Nga sẽ phụ thuộc vào việc Moscow có sẵn sàng đổ thêm nguồn lực hay không, nhất là khi kho khí tài từ thời Liên Xô đang "vơi đi đáng kể".

Trong khi đó, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk nhận định đề xuất hòa bình đang được bàn thảo khiến Kiev có nguy cơ mất lãnh thổ mà "không có gì cụ thể về bảo đảm an ninh", có khả năng xảy ra kịch bản phá vỡ lệnh ngừng bắn và tái khởi động chiến sự.

Ông kêu gọi Mỹ và châu Âu đưa ra những bảo đảm an ninh chắc chắn.

Nghị sĩ Yehor Cherniev cũng cho biết "tất cả các đối tác của chúng tôi đều đã được thông báo rõ về những lằn ranh đỏ này". Ông bày tỏ hy vọng các nước châu Âu vẫn đứng về phía Kiev, dù Mỹ đang cân nhắc công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga.

Từ phía Mỹ, chuyên gia John Hardie, Phó giám đốc Chương trình Nga thuộc Quỹ Bảo vệ Dân chủ, nhận định chiến tuyến hiện tại "dù không lý tưởng, nhưng không đến mức sụp đổ".

Ngay cả khi Washington cắt viện trợ và chia sẻ tình báo, ông Hardie tin rằng tuyến phòng thủ Ukraine vẫn sẽ trụ vững, dù một số lĩnh vực như phòng không có thể sớm bị ảnh hưởng.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao Ukraine vẫn chần chừ trước đề xuất hòa bình của Mỹ?" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.